Vốn Trung Quốc tăng tốc mạnh vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây

Đầu tư Trung Quốc và các đối tác có liên quan đến nước này tăng tốc mạnh vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, vốn đầu tư FDI của nhiều đối tác lớn của Việt Nam giảm mạnh như Hàn Quốc chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,1 tỷ USD; Nhật Bản chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư đến từ các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vẫn khá ổn định, tống vốn đầu tư đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vốn Trung Quốc tăng tốc mạnh vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây

Lũy kế đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay của Hàn Quốc (70,4 tỷ USD), Nhật Bản (gần 60 tỷ USD) và Singapore (55,7 tỷ USD).

Riêng vốn đầu tư từ Trung Quốc, số vốn đầu tư đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Đến nay, vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ 6 tại Việt Nam và dần cải thiện vị trí trong số các đối tác của Việt Nam.. 

Trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hơn 1,3 tỷ USD cho hơn 294 dự án cấp mới, quy mô mỗi dự án khá nhỏ chỉ khoảng 4,5 triệu USD. Vốn góp mua cổ phần của các nhà đầu tư nước này cũng đạt trên 353 triệu USD cho 761 dự án hoặc doanh nghiệp dự án, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông cấp mới ở Việt Nam 10 tháng qua đạt 900 triệu USD vào 179 dự án; vốn góp mua cổ phần là hơn 184 triệu USD, cho hơn 107 dự án.

Vốn của các nhà đầu tư Đài Loan là 934 triệu USD cho 102 dự án mới, vốn góp mua cổ phần là 293 triệu USD cho hơn 390 dự án góp mua cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa...

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, vốn Trung Quốc đã tăng thêm 8,1 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 1,6 tỷ USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Vốn đầu tư Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam nhờ vào việc dịch chuyển một số chuỗi sản xuất, trong đó có việc doanh nhân Trung Quốc đang muốn tận dụng Việt Nam như thị trường gia công xuất khẩu, tránh đánh thuế và đặc biệt là tận dụng lao động giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tái cơ cấu, thải loại mạnh mẽ".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vốn Trung Quốc tăng là minh chứng cho quy mô nền kinh tế của quốc gia này đang lớn mạnh hơn. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã sẵn sàng đứng đầu trong chuỗi sản phẩm dệt may, cơ khí, điện tử, tự động hóa.... Hơn nữa điều này là thể hiện sự  tham vọng "xuất khẩu tư bản" của Trung Quốc ra nước khác, hiện thực hóa tham vọng chuyển rủi ro, chuyển bẫy nợ ra nước ngoài và quyết tâm chiến lược "vành đai - con đường". 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với vốn mới Trung Quốc, Việt Nam cần sự quan tâm đặc biệt ở các lĩnh vực xuất khẩu tỷ đô, nói "không" với dệt nhuộm vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Với các ngành sản xuất mà các thị trường như Mỹ, EU "soi" kỹ về chứng nhận nguồn gốc là dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Việt Nam cần cẩn trọng khi tiếp nhận các dự án kiểu như vài triệu USD nhưng chỉ để lẩn tránh thuế, xuất khẩu hộ sản phẩm của Trung Quốc.

Thanh Mai

 Hà Nội công bố 5 địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang

Hà Nội công bố 5 địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang

Bệnh viện, bãi xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị chợ là 5 địa điểm Hà Nội quy định ai không đeo khẩu trang sẽ không được vào.