Vụ gian lận điểm thi Hà Giang: Nâng điểm để tạo phúc, không phải vì tiền

Bị cáo Lê Thị Dung nói do sức khỏe kém nên giúp nâng điểm thi cho người thân quen để tạo phúc cho bản thân.

Ngày hôm qua 15/10, vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang bước sang ngày xét xử thứ 2 của phiên xét xử sơ thẩm.

Tại tòa, nói về việc nhờ vả nâng điểm, bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, khoảng tháng 6/2018, bị cáo đến nhà riêng của Nguyễn Thanh Hoài (lúc đó là Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) để nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Bị cáo Lê Thị Dung - cựu Công an PA83 Công an tỉnh Hà Giang (Ảnh: Vietnamnet)
Bị cáo Lê Thị Dung - cựu Công an PA83 Công an tỉnh Hà Giang (Ảnh: Vietnamnet)

Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình chỉ làm dựa trên mối quan hệ giúp người chứ không vì mục đích khác, “Người thân của thí sinh nhờ thì tôi cũng chỉ biết giúp thôi, ngoài cháu ruột tôi ra tôi không biết là các cháu khác thi những môn gì, thi bao nhiêu môn và đăng ký vào trường nào,” Lê Thị Dung nói.

Bị cáo nói thêm: “Trước khi nhờ anh Hoài, tôi chỉ nghĩ là sức khỏe của tôi quá bi đát. 10 giáo sư đầu ngành ở Bạch Mai còn không làm gì được, đến khi tôi gặp họ, tâm nguyện của tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ mọi người để tạo phúc cho tôi”.

Lê Thị Dung cho rằng mình chỉ nhờ Hoài trên phạm vi cho phép, chứ chưa bao giờ nói là được nâng bao nhiêu điểm: “Tôi không bao giờ nghĩ anh Hoài lại nâng điềm nhiều như thế, lúc đó tôi mới ngộ nhận là mình vi phạm pháp luật”, cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang nói trước tòa.

Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang, khi được hỏi đã khẳng định, trong danh sách 93 thí sinh đã nhận để nâng điểm, chỉ quen biết có vài phụ huynh, còn lại không biết là ai. Điều đó khiến luật sư bào chữa tỏ ra khó hiểu và phải hỏi lại ông Hoài: tại sao lại đánh đổi cả sự nghiệp, thậm chí có thể phải đi tù để giúp đỡ những người không quen biết, mà lại không nhận tiền hoặc quà cáp, vật chất.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị dẫn giải tới toà sáng 15.10 (Ảnh: Thanh Niên)
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị dẫn giải tới toà sáng 15.10 (Ảnh: Thanh Niên)

 “Đây là những người có quan hệ quen biết trong công tác hoặc bạn bè thân quen, chứ bị cáo không nhận bất cứ lợi ích gì”, Nguyễn Thanh Hoài khai.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

LA (t/h)

Xét xử vụ án nâng điểm Hà Giang: Danh sách nhờ vả có nhiều con lãnh đạo địa phương

Xét xử vụ án nâng điểm Hà Giang: Danh sách nhờ vả có nhiều con lãnh đạo địa phương

Trong danh sách 93 thí sinh nhận nâng điểm, nhiều em có bố mẹ làm lãnh đạo địa phương như trường hợp con của Phó Chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý.