WHO: Cần phải “hành động nhanh chóng” để ngăn chặn dịch

Tổng giám đốc WHO nói: “Chúng ta đang ở tình thế rất nhạy cảm, dịch có thể diễn biến theo bất cứ hướng nào tùy thuộc vào cách ứng phó".

Đài NPR dẫn thông tin của Bộ Y tế Ý cho biết số ca nhiễm covid-19 đã tăng 50%, hiện giờ tổng số người nhiễm là 650, ca tử vong là 17. Đa phần các ca nhiễm đều tập trung ở Lombardy, miền Bắc nước này. Đây cũng là nơi có nhiều thị trấn đã bị phong tỏa. Theo thống kê của Hãng tin AFP,  Ý hiện đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh tại Châu Âu.

Tại Trung quốc, Ủy Ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, tính đến 6h50 ngày 28/2, đại lục đã có thêm 327 ca nhiễm mới và 44 ca tử vong, 3.622 ca hồi phục và xuất viện. Như vậy tính đến nay, Trung Quốc có 78.824 ca nhiễm, 2.788 ca tử vong và 36.117 ca được xuất viện.

WHO: Cần phải “hành động nhanh chóng” để ngăn chặn dịch

Tại Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng mối đe dọa của covid-19 ở Mỹ hiện còn thấp. Nhà Trắng cũng bắt đầu thảo luận với các nhà lãnh đạo của Quốc hội Mỹ về dự luật chi tiêu bổ sung giúp đối phó với sự lây lan của dịch bệnh. Ông Pence nói: "Theo đánh giá của chúng tôi, mối đe dọa đặt ra với công chúng Mỹ hiện vẫn còn thấp. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn lực của chính quyền liên bang tiếp tục được đưa vào sử dụng để đối đầu covid-19".

Tại Pháp, Tân Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết số ca nhiễm covid-19 ở Pháp đã tăng khoảng gấp đôi trong 24 giờ qua, từ 18 ca tăng lên 38 ca. Trong số này, có 2 ca tử vong, 12 ca đã được chữa trị và 24 ca nhập viện.

Những nước khác ở châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm covid-19 gồm: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Áo, Croatia, Hi Lạp, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, Georgia, Bắc Macedonia, Na Uy, Romania, Thụy Sĩ. Ngoài ra, vừa có thêm trường hợp nhiễm covid-19 mới ở Hà Lan.

Trước tình hình này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện tại chúng ta đang ở thời điểm quyết định cần phải hành động quyết liệt hơn nữa. Chỉ có nhanh chóng ngăn chặn được virus mới có thể cứu được nhiều mạng người.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: "Đừng nước nào cho rằng sẽ miễn nhiễm với Covid-19, đó sẽ là một sai lầm chết người".

Bên cạnh đó, ông Tedros cho rằng, hiện giờ không phải Trung Quốc mà chính những gì đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới mới là vấn đề lo ngại lớn nhất. Ông yêu cầu các nước cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn dịch, nâng cao hệ thống y tế sẵn sàng đối phó với dịch bùng phát. “Chúng ta đang ở tình thế rất nhạy cảm, dịch có thể diễn biến theo bất cứ hướng nào tùy thuộc vào cách ứng phó của chúng ta”, ông Tedros nói.

Thanh Mai

WHO chưa công bố covid-19 là đại dịch

WHO chưa công bố covid-19 là đại dịch

Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng dịch virus corona mới đã "đạt đỉnh" tại Trung Quốc, nhưng lo ngại việc tăng vọt ở nhiều nước.