Cổ phiếu cần quan tâm 26/1: SCS, GAS, VPG, SZC

SCS, GAS, VPG, SZC là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 26/1, theo các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị SCS: Khả quan với giá mục tiêu 200.800 đồng/CP

CTCK VNDirect (VND): Sau khi ghi nhận tăng trưởng sản lượng âm trong Q3/21 do dịch bệnh bùng phát mạnh, sản lượng hàng hóa của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE - Mã: SCS) đã phục hồi và ghi nhận tăng trưởng tốt với mức tăng 8,1% svck trong Q4/21 với đóng góp chủ yếu từ hàng hóa quốc tế (+22,9% svck).

Giá cước trung bình trong Q4/21 tăng 13,7% svck do SCS áp mức giá cước mới với mức tăng tương đối trong tháng 5/2021, đồng thời SCS cũng đã gia hạn hợp đồng với các hãng hàng không và tăng giá dịch vụ thêm ít nhất 10% so với trước.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong Q4/21 tăng mạnh 64,8% svck do phát sinh chi phí để phòng chống dịch bệnh. Tổng hợp lại, LN ròng Q4/21 tăng 23,7% svck đạt 159 tỷ đồng bất chấp khó khăn của toàn ngành.

Trong cả năm 2021, sản lượng hàng hóa của SCS tăng 8,5% svck trong khi giá dịch vụ trung bình tăng 9,9% svck. SCS ghi nhận doanh thu tăng 21,1% svck và LN ròng tăng 21,6% svck, hoàn thành 96,1% dự phóng cả năm của VND.

VND nhận thấy các cảng hàng hóa hàng không của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu công suất do không gian bị hạn chế, đặc biệt ở các sân bay trọng điểm.

Ở sân bay Tân Sơn Nhất, SCS là cảng hàng hóa duy nhất có dư địa để mở rộng công suất (khả năng tăng thêm 75% công suất hiện tại). SCS sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng với các hãng hàng không, và VND cho rằng công ty có vị thế đàm phán tốt nhờ khả năng tăng công suất duy nhất tại Tân Sơn Nhất, do đó chúng tôi kỳ vọng giá dịch vụ trung bình của SCS có thể tăng trung bình 3,5%/năm giai đoạn 2022-24 từ mức cơ sở cao trong năm 2021.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 200.800 VND/cp. VND tăng giá mục tiêu cho SCS thêm 17,6% do (1) VND chuyển định giá DCF sang năm 2022, và (2) VND tăng dự phóng EPS 2022-24 thêm 4,8-6,3% so với dự phóng trước nhờ khả năng tăng phí dịch vụ.

Rủi ro tăng giá gồm sản lượng hàng hóa cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá gồm những bất định đến từ dịch bệnh có thể ảnh hưởng giao thông hàng không. Tiềm năng tăng giá gồm: (1) SCS được chấp nhận đầu tư cảng hàng hóa hàng không tại sân bay Long Thành, và (2) dự án M&A phê duyệt và được công bố.

Khuyến nghị GAS: Chốt lãi tại ngưỡng 121.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP đang hình thành xu hướng hồi phục sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 106.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20, MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 109. 5, chốt lãi tại ngưỡng 121 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 106.0.

Khuyến nghị VPG: Xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE - Mã: VPG) ghi nhận doanh thu Q4/2021 đạt 794 tỷ đồng, giảm 9% YoY, LNST đạt 61 tỷ, tăng 1% YoY. Lũy kế cả năm 2021, VPG ghi nhận doanh thu 3,883 tỷ đồng, tăng 66% YoY, LNST đạt 421 tỷ đồng, tăng 377% YoY. Như vậy, VPG đã hoàn thành lần lượt 129% kế hoạch doanh thu và 281% kế hoạch LNST.

Trong Q4/2021, doanh thu từ quặng sắt đạt 244 tỷ đồng, tăng mạnh 165% YoY, tuy nhiên, tổng doanh thu VPG giảm do dự án Việt Phát South City đã bàn giao gần hết từ Q3/2021. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 12,8% (cùng kỳ 15,3%) do giảm biên lợi nhuận mảng phân phối than (2,8% so với 10,5% cùng kỳ) và thiếu đóng góp từ mảng BĐS.

LNST duy trì tăng trưởng dương còn nhờ khoản lãi từ tỷ giá 6,7 tỷ đồng (+145% YoY) và khoản thu nhập bất thường 7,3 tỷ đồng (bao gồm phí phạt đối tác và nhận bồi thường).

Phân phối than và quặng sắt là mảng kinh doanh lớn nhất của VPG, lần lượt chiếm khoảng 65% và 17% doanh thu VPG. FSC đánh giá mảng than đang có dấu hiệu suy giảm do giá than giảm nhưng động lực 2022 của VPG sẽ đến từ mảng phân phối quặng sắt.

Tỷ trọng doanh thu từ mảng phân phối quặng sắt của VPG đã tăng lên 30,7% so với 5,2% cùng kỳ. Giá quặng sắt đã hồi phục 42% từ mức đáy tháng 11/2021 sau khi giảm mạnh từ đầu tháng 8/2021 giúp biên lợi nhuận gộp mảng phân phối quặng sắt trong Q4/2021 tăng lên 37,5% (cùng kỳ 7,6%) cho thấy nhu cầu quặng sắt có dấu hiệu hồi phục. Ngoài ra, khoản người mua trả tiền trước của VPG tại thời điểm cuối quý 4 cũng tăng mạnh 289% QoQ cho thấy nhu cầu tiêu thụ tốt.

Cho năm 2022, VPG đặt mục tiêu doanh thu 8.300 tỷ đồng (+113% YoY), LNST 203 tỷ đồng (-52% YoY). FSC cho rằng VPG đã đặt mục tiêu thận trọng trong 2022 do kỳ vọng mảng phân phối than suy giảm và không còn ghi nhận doanh thu từ mảng BĐS.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, VPG đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 5,5x (tương ứng EPS TTM là 9.353 VNĐ). Mức Stock rating của VPG ở mức 95 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của VPG cắt lên trên đường trung bình 20 phiên với KLGD vẫn trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VPG được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.

Khuyến nghị SZC: Tiếp tục nắm giữ

Mức Stock Rating của SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức – sàn HOSE) ở mức 89 điểm cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của SZC đóng cửa phiên 24/1 tăng 1,3% với KLGD tăng hơn 58% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của SZC tiến về gần mức kháng cự 74.0 và đồ thi giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho thấy đồ thị giá chưa thể vượt qua được mức kháng cự 74.0 trong 1-2 phiên tới.

FSC đã khuyến nghị mua SZC vào phiên 21/01/2022 với lợi nhuận tạm tính là 0,42% cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu SZC.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương