"Xử kín ông Nguyễn Đức Chung vì từng là chủ tịch UBND TP Hà Nội là thông tin thất thiệt"

Có rất nhiều ý kiến thắc mắc về việc xét xử kín và cho rằng việc xử kín là do ông Chung từng là Chủ tịch UBND Hà Nội.

TAND TP. Hà Nội đã ra quyết định, ngày 11/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Vụ án được xét xử kín.

Nhiều người cho rằng vụ án được xử kín là do ông Nguyễn Đức Chung từng là chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo TAND TP Hà Nội khẳng định đây là cách hiểu sai và nếu ai đưa ra như vậy là thông tin thất thiệt. 

Ông Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung.

"Không phải riêng vụ án này, trước đây có rất nhiều vụ án các bị cáo bị truy tố cùng tội danh như ông Chung đều được xét xử kín theo đúng quy định để đảm bảo giữ bí mật nhà nước", lãnh đạo TAND TP Hà Nội nói.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, trong vụ án này có nhiều tài liệu mật nên theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước, vụ ông Nguyễn Đức Chung sẽ được xét xử kín.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết xét xử kín được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai.  Việc xét xử kín nếu nhằm đảm bảo lợi ích của đương sự, bị cáo hay lợi ích của Nhà nước thì việc xét xử kín là rất cần thiết.

Cụ thể tại điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: "TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".

Luật sư Tú nhận định các tài liệu bị các bị cáo chiếm đoạt  trong vụ án trên là tài liệu trong quá trình điều tra vụ án Nhật Cường nên được xác định là tài liệu mật theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, TAND TP Hà Nội quyết định xử kín vụ án này là đúng luật.

Luật sư Ngô Thủy cho cho biết: "Theo nguyên tắc chung về phương thức xét xử trong vụ án hình sự thì tòa án phải tiến hành xét xử công khai. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có một số trường hợp đặc biệt tòa sẽ tiến hành xét xử kín. 

Cụ thể, xét xử kín sẽ được tòa áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai. Đối với tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước mà ông Chung bị truy tố là một trong những trường hợp tòa có thể xem xét để tiến hành xét xử kín". 

Luật sư Thủy cũng cho rằng quá trình xét xử phải kín nhưng kết quả phải được công khai cho mọi người nhưng theo quy định thì bản án cũng chỉ được phép công khai phần quyết định, bởi lẽ việc công bố toàn bộ bản án sẽ trình bày hết các tình tiết vụ án. Sau khi đọc xong phần quyết định, hội đồng xét xử có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. Tòa sẽ chỉ công khai mức án và phần trách nhiệm dân sự (nếu có) đối với các bị cáo và người liên quan, không công bố nội dung vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị cáo.

Thanh Mai

Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm nhẹ hình phạt

Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm nhẹ hình phạt

Viện kiểm sát nhận định các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều thành tích trong công tác nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.