Cổ phiếu cần quan tâm 17/12: AGG, DLG, VIB, MSN

AGG, DLG, VIB, MSN là những mã cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 17/12 được các công ty khuyến nghị.

Khuyến nghị AGG: Giá mục tiêu 65.200 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC): CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE – Mã: AGG) thành lập năm 2006 và chuyển đổi sang hình thức CTCP vào năm 2012 với mức vốn điều lệ 100 tỷ.

Từ 2012 đến nay, AGG tăng vốn từ 100 tỷ lên 824 tỷ qua hình thức thưởng cổ phần, hoán đổi khoản vay cho Creed Group… Từ 2012 đến nay, Công ty dần dần xây dựng thương hiệu là một nhà phát triển BDS phân khúc trung bình khá thông qua các dự án như: The Garden, The Star, Riverside, Skyline, River Panaroma 1&2.

Hiện tại, An Gia được xem đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp Bất động sản lớn như Nam Long, Khang Điền, Hưng Thịnh, Đất Xanh.

Được biết, dự án quy mô lớn là WestGate với khoảng 2.284 căn. Hiện tại, AGG hoàn tất điều chỉnh 1/500 và có giấy phép xây dựng cho dự án. Công ty đang đẩy mạnh công tác bán hàng để sớm kết thúc kinh doanh trong Q1.2022.

Như vậy với tiến độ mới từ WestGate, triển vọng lợi nhuận của AGG trong 2022-2023 là tích cực với doanh số chưa ghi nhận lên đến 16.000 tỷ. Lợi nhuận gộp từ 5 dự án ước tính lên đến 5.500 tỷ, và phần lợi nhuận thuộc sở hữu của AGG là 3.180 tỷ.

Với tiến độ các dự án đang triển khai, BVSC ước tính doanh thu năm 2022 là 3.548 tỷ, tăng 31% so với ước 2021. Lợi nhuận sau thuế trừ cổ đông thiểu số là 577 tỷ, tăng 36% yoy. EPS 2022 là 6.996 đồng/cp, tương đương mức PE2022 là khoảng 7x. Về kết quả kinh doanh 2023, BVSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao 30-35% so với năm 2022.

Bên cạnh dự án đang triển khai, AGG sở hữu dự án BC27 có quy mô 27ha, ở Tân Kiên, Bình Chánh. Dự án có vị trí liền kề với dự án KDT Tân Tạo của Khang Điền. Giá trị quỹ đất này vẫn gia tăng từ 2018 đến nay do thị trường bất động sản vẫn duy trì ổn định.

Dự kiến từ 2021 đến 2024 với định hướng mới lên Thành phố của Bình Chánh (vào 2025) thì thị trường bất động sản ở khu Nam vẫn còn nhiều điểm nhấn. Với giá thị trường đất nông nghiệp hiện tại khoảng 7-8 triệu/m2, quỹ đất này của AGG ước tính sơ bộ khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng.

BVSC sử dụng phương pháp định giá NAV và so sánh để xác định giá trị hợp lý của AGG. Kết quả, giá trị hợp lý xác định của AGG là 65.146 đồng/cp, tương ứng với mức thặng dư 35% so với giá thị trường ngày 15/12/2021.

Từ những đánh giá trên, BVSC cho rằng AGG là cơ hội đầu tư tốt cho năm 2022 khi mà nhiều cổ phiếu ngành bất động sản được định giá lại nhanh trong thời gian qua. BVSC kỳ vọng những điểm nhấn mới về i) kế hoạch phát hành điều chỉnh;

ii) LN tăng trưởng 36% trong 2022; iii) thông tin mới về tiến độ lên Thành Phố ở Bình Chánh sẽ giúp AGG được định giá lại phù hợp đúng với tiềm năng của doanh nghiệp.

Với kết quả từ 3 phương pháp, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với lợi nhuận kỳ vọng là 35%, tương ứng giá mục tiêu là 65.200 đồng/cp.

Thời gian nắm giữ 3-6 tháng. Rủi ro: sự điều chỉnh chung của nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến AGG trong ngắn hạn.

Khuyến nghị DLG: Chốt lãi tại ngưỡng 10.500 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu DLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng 7.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20, MA50, cho thấy tín hiệu vận động tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 8.15, chốt lãi tại ngưỡng 10.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 7.5.

Khuyến nghị VIB: Mua với giá mục tiêu 54.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS): Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế với giá mục tiêu 54.800 đồng/CP (tăng 25,4% upside).

Luận điểm đầu tư dành cho VIB, đó là: Ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao với động lực chính là mảng cho vay cá nhân; NIM được kỳ vọng tiếp tục được nâng cao nhờ các mảng cho vay chủ lực có được lợi suất cao; Thu nhập ngoài lãi gia tăng chủ yếu từ các mảng doanh thu từ phí, đặc biệt là banca và các hoạt động thu phí;

Chất lượng tài sản bị suy giảm nhẹ sau đợt giãn cách nhưng có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Rủi ro đầu tư: Những hạn chế về nguồn vốn sẽ khiến việc phê duyệt hạn mức tín dụng cho VIB gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, lạm phát cũng là một trong những yếu tố khiến NIM của ngân hàng bị suy giảm.

Nhu cầu bán lẻ bị suy giảm khá nhiều sau đại dịch cùng với áp lực nợ khiến chi tiêu bị suy giảm, kéo theo đó là nhu cầu tín dụng của các mảng bán lẻ không đạt được tăng trưởng như kỳ vọng.

Khuyến nghị MSN: Duy trì nắm giữ với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): CTCP Tập đoàn Masan (HOSE - Mã: MSN) ghi nhận doanh thu thuần trong Q3/2021 đạt 23.605 tỷ đồng, tăng 17% YoY, LNST đạt 1.586 tỷ, tăng 63% YoY. Lũy kế 9T2021, MSN ghi nhận doanh thu 64.801 tỷ, tăng 17% YoY, LNST đạt 2.983 tỷ, tăng 268% YoY. Như vậy, MSN đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 119% kế hoạch LNST.

Doanh thu 9T2021 tăng trưởng tại các mảng chính: MCH (+14% YoY), MML (+33% YoY), MML (+33% YoY), MHT (+89% YoY) nhờ hợp nhất H.C.Starck (HCS), VCM (+1% YoY).

Điểm nhấn trong KQKD là Q3/2021 là quý đầu tiên WCM, tên mới của VinCommerece đạt lãi ròng dương (137 tỷ đồng) sau 7 quý kể từ lúc được MSN mua lại, nhờ việc tái cấu trúc các cửa hàng kém hiệu quả và hưởng lợi khi các chợ truyền thống đóng cửa trong Q3. Đây cũng là nguyên nhân khiến LNST tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

MSN đã công bố giao dịch với nhóm các nhà đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi – ADIA và Temasek Holdings với khoản đầu tư 350 triệu USD cho 4,3% cổ phần The CrownX (sở hữu MCH và WCM), tương ứng mức định giá The CrownX là 8,2 tỷ USD, tức là cao hơn 12% so với lần định giá gần nhất trong thương vụ với Alibaba. FSC đánh giá đây là thông tin tích cực cho giá cổ phiếu MSN khi giá trị tổng công ty tiếp tục được định giá lại ở mức cao hơn. MSN dự kiến sẽ IPO TCX trong năm 2023-2024.

MSN hiện đang tái cơ cấu với chiến lược tập trung vào mảng tiêu dùng, lĩnh vực FSC kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh từ Q4/2021 sau khi COVID được kiểm soát.

Vừa qua, MML cũng đã bán lại mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, theo đó, MSN có thể ghi nhận một khoảng thu nhập tài chính khoảng 5 nghìn tỷ đồng trong 2022. MSN sẽ tập trung vào mảng cung cấp thịt lợn sạch với mục tiêu đến 2025 là 10% thị phần thịt lợn trong nước, biên lợi nhuận gộp kỳ vọng 40-50%.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, MSN đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 77.3x (tương ứng EPS TTM là 2.032 VNĐ).

Mức Stock Rating của MSN ở mức 82 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá của MSN vẫn thấp hơn 80 điểm cho nên các NĐT ngắn hạn chỉ nên nắm giữ với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Đồ thị giá của MSN đóng cửa tăng 2.7% và xác lập mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng nhẹ so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của MSN bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn.

Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể duy trì vị thế MUA và NẮM GIỮ cổ phiếu MSN với tỷ trọng thấp dưới 5% và mục tiêu kỳ vọng ngắn hạn là 166.69.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương