Chuyện gì sẽ xảy ra khi châu Âu cấm vận khí đốt và dầu mỏ Nga?

Các chuyên gia nhận định, một lệnh cấm vận của châu Âu đối với khí đốt Nga sẽ gây tổn hại cho “xứ Bạch dương” vì thiếu khách hàng thay thế.

Số tiền bị đe dọa mất đi là rất lớn. Theo Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell, châu Âu đã trả 1 tỷ euro mỗi ngày cho Nga để nhập khẩu năng lượng bao gồm khí đốt, dầu mỏ, than đá, kể từ khi cuộc xung đột với Ukraina bùng phát.

Áp lực đối với Nga đang ngày càng gia tăng trước những lời kêu gọi tăng cường cấm vận từ châu Âu đối với khí đốt và dầu của nước này. Theo Đại diện EU Joseph Borrell, Liên minh sẽ tiếp tục thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào hai nguồn nhiên liệu này của Nga.

screen-shot-2022-04-13-at-10.40.06.png

Nga không thể bán khí đốt của mình ở nơi khác

Một lệnh cấm vận của châu Âu đối với khí đốt Nga sẽ làm tổn hại đến khả năng tài chính của nước này. Phần lớn khí đốt Nga tại thị trường châu Âu được vận chuyển bằng đường ống. Tuy nhiên, dòng chảy sang châu Âu này không thể chuyển hướng.

Ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tư vấn ICIS, cho biết phần lớn khí đốt của Nga được cung cấp cho châu Âu không thể được bán trên các thị trường khác.

Bà Anne-Sophie Corbeau, thuộc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu, Đại học Columbia, cũng cùng chung quan điểm. Trong số 155 tỷ m3 khí đốt Nga bán hàng năm cho EU, có 142 tỷ m3 được vận chuyển bằng đường ống, so với 14 tỷ m3 bằng tàu dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, chỉ có LNG mới có thể được bán cho các quốc gia khác và một vài tỷ m3 khí đốt khác có thể được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì EU.

Bà Anne-Sophie Corbeau cho biết thêm trong ngắn hạn, người ta không thể chuyển hướng khí đốt của Nga đến châu Á thông qua các đường ống dẫn khí đốt. Thị trường châu Âu được cung cấp bởi các mỏ khí đốt nằm ở phía Tây Siberia, còn Trung Quốc được cung cấp bằng các mỏ nằm ở phía Đông Siberia.

Sẽ cần phải đợi cho đến khi dự án Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) ra đời để mỏ khí ở phía Tây Siberia, chuyển sang châu Âu, cũng được liên kết với thị trường Trung Quốc.

Ông Tom Marzec-Manser ước tính: "Power of Siberia 2 sẽ là cơ hội thực sự đầu tiên để Gazprom bán khí đốt dành cho châu Âu tại một thị trường khác. Nhưng dự án này vẫn chưa phải là quyết định đầu tư cuối cùng. Và ngay cả khi điều đó xảy ra, có thể sẽ phải đợi đến cuối thập kỷ để dự án hoạt động".

Ông Mauro Chavez, Giám đốc thị trường khí đốt châu Âu tại công ty nghiên cứu và tư vấn Woodmac, ước tính việc xây dựng Power of Siberia 2 có thể mất đến 4 năm. Một lựa chọn khác sẽ là phát triển cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG.

"Nhưng không chắc rằng Nga có công nghệ cần thiết nếu không có sự hỗ trợ của các công ty phương Tây", ông Mauro Chavez nhấn mạnh. Nói tóm lại, trong trường hợp bị châu Âu cấm vận, Nga chắc chắn sẽ phải giảm sản lượng khí đốt và thu nhập tài chính đi kèm cũng giảm mạnh, "điều này có nguy cơ làm tổn hại một số lĩnh vực nhất định", ông Mauro Chavez nhận định.

10045fc389ddab577c2fe5d74aaa0748.jpg

Thách thức đối với châu Âu

Về phần mình, liệu châu Âu có thể cho phép áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga không? Ông Tom Marzec-Manser cho biết: “Tham vọng kép là tăng lượng dự trữ khí đốt của châu Âu và giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga dường như rất khó đạt được đồng thời”.

Còn theo bà Anne-Sophie Corbeau, việc giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga của châu Âu là không thực tế cho lắm. Bà giải thích: “Chúng ta không được quên rằng các công ty châu Âu đã ký hợp đồng dài hạn với Gazprom. Những doanh nghiệp này có nguy cơ phải chịu mức phạt nặng nề nếu họ không tuân thủ cam kết. Hơn nữa, châu Âu không đạt được mục tiêu bổ sung 50 tỷ m3 LNG như dự kiến".

Phân tích tất cả các yếu tố này, bà Anne-Sophie Corbeau tin rằng "lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga sẽ gây ra một chi phí khổng lồ cho ngành công nghiệp châu Âu". Về phần mình, ông Mauro Chavez nhận định lệnh cấm vận của châu Âu sẽ dẫn đến việc buộc phải cắt giảm nhu cầu công nghiệp về khí đốt "ít nhất là 30%".

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác mang lại sự yên tâm hơn. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự gián đoạn hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ chỉ khiến Khu vực đồng euro mất 1,4 điểm phần trăm tăng trưởng vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023.

Bà Anne-Sophie Corbeau giải thích châu Âu không đặt trọng tâm vào việc giảm tiêu thụ khí. “Tôi vẫn chưa thấy một quảng cáo truyền hình nào giải thích tầm quan trọng của việc giảm tiêu thụ năng lượng của chúng ta”, bà nói. Tuy nhiên, việc giảm tiêu thụ này chỉ là một phần của các biện pháp do liên minh khuyến nghị.

image2.jpeg

Dầu mỏ rơi vào thế khó

Việc buôn bán dầu ít phụ thuộc vào các cấu trúc cứng nhắc như đường ống. Trong trường hợp châu Âu cấm vận dầu mỏ của Nga, EU có thể dễ dàng tìm được các nhà cung cấp khác.

Trong khi đó, người Nga cũng có thể tìm thấy những khách hàng khác. Nhưng dầu của Nga ngày càng bị xa lánh trên thị trường quốc tế. Sự tẩy chay áp đặt hoặc tự áp đặt này đã khiến giá dầu của Nga trên thị trường giảm mạnh.

Một lệnh cấm vận của châu Âu, cùng với lệnh cấm vận của Mỹ và Vương quốc Anh, sẽ là minh chứng rõ ràng về những thiệt hại đối với tài chính Nga.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương