Căng thẳng Nga – Ukraine: Một số hãng hàng không hủy chuyến đến Kyiv

Một số hãng hàng không đã hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến Ukraine trong bối cảnh phương Tây cảnh báo rằng Nga có thể sắp tấn công Ukraine. Trong khi đó chính quyền Kyiv nói rằng họ sẽ vẫn mở không phận của mình.

Nga phủ nhận ý định tấn công Ukraine bất chấp việc họ đã điều hàng chục nghìn quân đến gần biên giới Ukraine và tố cáo phương Tây là "cực điểm của sự cuồng loạn".

2022-02-13t111006z_1399001244_rc.jpg
Căng thẳng Nga – Ukraine: Một số hãng hàng không hủy chuyến đến Kyiv.

Một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đạt được đột phá vào hôm thứ Bảy và Mỹ đã cảnh báo Nga rằng nước này sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu như có hành động quân sự với quốc gia láng giềng.

Nga yêu cầu liên minh NATO do Mỹ đứng đầu rút khỏi Đông Âu và không được kết nạp Ukraine vào tổ chức này.

Phản ánh những lo ngại mà các cường quốc phương Tây đưa ra, hãng hàng không Hà Lan KLM đã hủy các chuyến bay đến Ukraine cho đến khi có thông báo mới, công ty này cho biết hôm thứ Bảy.

Sự nhạy cảm của Hà Lan đối với nguy cơ tiềm ẩn trong không phận Ukraine tăng cao sau vụ một máy bay thương mại của Malaysia bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị bắn rơi vào năm 2014. Khi bị bắn, chiếc máy bay xấu số này đang trong không phận miền Đông Ukraine, nơi các phiến quân do Nga hậu thuẫn kiểm soát. Tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 198 công dân Hà Lan.

Hãng hàng không thuê chuyến SkyUp của Ukraine hôm Chủ nhật cho biết, chuyến bay của họ từ Madeira, Bồ Đào Nha, đến Kyiv đã được chuyển hướng đến thủ đô Chisinau của Moldova sau khi công ty cho thuê máy bay của Island bị thu hồi giấy phép bay vào Ukraine.

Trong khi đó, chính phủ Ukraine vào Chủ nhật đã phân bổ 16,6 tỷ hryvnia (592 triệu USD) để đảm bảo việc tiếp tục các chuyến bay qua không phận Ukraine, Thủ tướng Denys Shmygal cho biết.

“Quyết định này sẽ ổn định tình hình trên thị trường vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và sẽ đảm bảo sự trở về Ukraine của các công dân của chúng tôi hiện đang ở nước ngoài’, ông cho biết thêm qua mạng xã hội.

Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm duy trì hoạt động du lịch và giữ cho đất nước mình không bị cô lập bởi sức nóng của cuộc khủng hoảng.

“Không phận Ukraine vẫn mở và nhà nước đang làm việc để đối phó với rủi ro cho các hãng hàng không”, Bộ này cho biết sau cuộc họp hôm Chủ nhật.

Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine thừa nhận rằng “một số hãng vận tải đang phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến những biến động trên thị trường bảo hiểm”.

Hãng thông tấn Interfax của Ukraine cho biết, các công ty bảo hiểm Ukraine đã nhận được thông báo từ các nhà tái bảo hiểm rằng các hãng hàng không không được bảo hiểm rủi ro chiến tranh.

Hoa Kỳ, các đồng minh phương Tây và một số quốc gia khác đã thu hẹp lại hoặc sơ tán nhân viên đại sứ quán đồng thời khuyến cáo công dân của họ không nên đến Ukraine trong thời điểm hiện nay.

Ngoài Mỹ, Australia, New Zealand, Anh, Nhật Bản, Latvia, Na Uy, Slovakia, Israel, Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan là một trong những quốc gia đã khuyến cáo công dân của họ rời Ukraine.

Cuộc đàm phán ngoại giao đã ảnh hưởng đến các nhân viên của phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác (OSCE) ở Ukraine, nơi diễn ra sau cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa quân đội Ukraine và quân ly khai do Nga hậu thuẫn. Cuộc xung đột đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.

THÁI BÌNH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương