Thấy gì qua ba hội nghị thượng đỉnh tại Brussels?

Các nhà lãnh đạo NATO, G7 và EU đã nhóm họp tại Brussels để tìm cách hỗ trợ Ukraina mà không đẩy phương Tây vào cuộc chiến toàn diện với Nga. Một thỏa thuận năng lượng mới của Mỹ và châu Âu nhằm mục đích cô lập Moscow là những kết quả đạt được sau các cuộc họp vừa kết thúc tại Brussels.

Cụ thể, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý kích hoạt các đơn vị phòng thủ hóa học và hạt nhân của mình trước một cuộc tấn công hóa học tiềm tàng của lực lượng Nga ở Ukraina và cam kết củng cố sườn phía Đông của liên minh.

Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý chặn các giao dịch tài chính liên quan đến dự trữ vàng quốc tế của Ngân hàng trung ương Nga và tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraina.

61252816_403.jpg
Các nhà lãnh đạo phương Tây thể hiện tình đoàn kết, tiếp tục ủng hộ Ukraina.

Một hiệp ước năng lượng xuyên Đại Tây Dương mới, được ký kết bởi các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và Mỹ, đánh dấu một sáng kiến ​​mạnh mẽ hơn của phương Tây nhằm cô lập Điện Kremlin vì các hành động của họ ở Ukraina.

Trong một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga - khối nhập khẩu 41% khí đốt từ Nga - Mỹ đã đồng ý tăng xuất khẩu khí thiên nhiên lỏng (LNG) sang EU thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay.

Sau khi công bố thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh cách Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng năng lượng để "ép buộc và thao túng các nước láng giềng" là khôn thể chấp nhận được.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, hoan nghênh thỏa thuận này và cho rằng điều quan trọng là châu Âu phải chuyển hướng khỏi Nga và hướng tới các nhà cung cấp năng lượng "đáng tin cậy và thân thiện".

Bà cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục cảnh giác trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

"Bây giờ tất cả các nỗ lực của chúng tôi nên làm thực thi các lệnh trừng phạt này và ngăn chặn hành vi gian lận và trốn tránh", bà nói sau hội nghị thượng đỉnh EU.

Harry Nedelcu, giám đốc chính sách tại Rasmussen Global, cho biết những cam kết mới sau ba cuộc họp quốc tế cho thấy "sự thống nhất của phương Tây trên thực tế" khi cuộc chiến ở Ukraina đang bùng phát.

"Chúng tôi đã thấy TT Biden đến châu Âu và thấy những tuyên bố mạnh mẽ," ông nói với DW. "Chúng tôi cũng nhận thấy một số điểm có tác dụng ngay lập tức nhằm củng cố thế trận phòng thủ của NATO ở châu Âu. Từ góc độ biểu tượng đó cho thấy, các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh này rất quan trọng", ông nói thêm.

Ông Nedelcu nói thêm rằng, việc Hoa Kỳ đồng ý gửi dầu và khí đốt đến châu Âu cũng rất quan trọng trong một chặng đường dài về mặt "tín hiệu chính trị".

Yêu cầu của Ukraina được đáp ứng?

Trong khi ba hội nghị thượng đỉnh ở Brussels diễn ra thì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina bước sang tháng thứ hai, giết chết hàng nghìn người và hơn 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Đối với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy, các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga và tăng cường viện trợ nhân đạo sẽ không giúp ích cho đất nước mình.

61254263_401.jpg
TT Ukraina phát biểu trực tuyến tại hội nghị NATO.

Phát biểu qua đường dẫn video tới hội nghị thượng đỉnh EU, ông đã gửi lời yêu cầu tới các nhà lãnh đạo EU, đề nghị kết nạp Ukraina vào khối 27 thành viên này. Tuy nhiên, đề nghị của ông đã không nhận được phản ứng như ông hy vọng vì các nhà lãnh đạo EU chỉ thừa nhận "khát vọng châu Âu" của Kyiv và nhắc lại tuyên bố của họ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh trước đó ở Versailles (Pháp) rằng sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra ý kiến ​​về đơn xin gia nhập EU của Ukraina.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cam kết thành lập “Quỹ ủy thác đoàn kết Ukraina” để hỗ trợ quốc gia này.

TT Zelenskyy cũng chỉ ra rằng, chiến tranh sẽ gây tổn hại đến an ninh của châu Âu như thế nào và yêu cầu các đồng minh NATO hỗ trợ quân sự nhiều hơn.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg - người vừa được gia hạn thêm một năm cho nhiệm kỳ của mình do chiến tranh - thừa nhận yêu cầu hỗ trợ của Zelenskyy và cho biết liên minh sẽ tiếp tục cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến, vũ khí chống tăng, đạn dược và nhiên liệu cho Ukraina.

Nhưng Stoltenberg nói rõ rằng, để tránh xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc phương Tây và Nga, NATO sẽ không gửi quân hoặc triển khai máy bay phản lực trên lãnh thổ Ukraina.

Ông nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO: “Điều đó sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn, thậm chí nhiều chết chóc hơn, thậm chí nhiều tàn phá hơn”.

Phương Tây không muốn chọc “gấu Nga”

Ian Lesser, phó Chủ tịch tại German Marshall Fund of United có trụ sở tại Brussels cho biết, trong khi Ukraina muốn các hệ thống hiện đại hơn để đối phó với Nga, thì phương Tây muốn tránh kích động Moscow và tránh gây ra một cuộc chiến toàn diện với Nga.

Hơn nữa, khi thế giới tìm cách cô lập Nga vì xâm lược Ukraina, các hội nghị thượng đỉnh ở Brussels tuần này cũng đề cập đến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.

"Nếu Trung Quốc giúp Nga, thì các lệnh trừng phạt sẽ không đạt được kết quả như chúng tôi muốn", Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói trước hội nghị thượng đỉnh EU, đồng thời cho biết thêm rằng, điều quan trọng là phải đảm bảo "Trung Quốc đi đúng hướng của lịch sử".

Mặc dù Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc chiến ở Ukraina, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa lên án Moscow về hành động của chính quyền TT Putin.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO và G7, ông Biden nói với các phóng viên rằng, ông đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh có thể hối hận khi đứng về phía Nga trong cuộc chiến này.

"Tôi không đưa ra lời đe dọa nào, nhưng tôi đã nói rõ với ông ấy và đảm bảo rằng ông ấy hiểu hậu quả của việc giúp đỡ Nga", TT Biden nói.

"Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ gắn chặt với phương Tây hơn nhiều so với Nga".

Theo chuyên gia Nedelcu, Trung Quốc và phương Tây vẫn đang cố gắng đánh giá lẫn nhau giữa cuộc chiến này.

"Người Trung Quốc đang ở thế khó: Một mặt, họ cảm thấy như họ đang ở rất gần Nga. Mặt khác, nếu họ thực sự ủng hộ Nga, bao gồm cả việc đáp ứng yêu cầu của Putin thì họ cũng sẽ bị trừng phạt như vậy. Vì vậy, đối với người Trung Quốc, đó là một vấn đề so sánh về thương mại và địa chính trị", ông nói.

"Nhưng đối với phương Tây cũng vậy, họ bắt đầu một sự cẩn thận. Chẳng hạn, liệu châu Âu có tiến tới các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc không? Có lẽ đó là một bước đi quá xa bởi vì trong năm qua, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức phương Tây, mối quan hệ đã thực sự trở nên tồi tệ một chút. Nhưng, tôi nghĩ rằng có thể có điều gì đó mà phương Tây vẫn có thể hợp tác với Trung Quốc đủ để cho người Trung Quốc cảm thấy rằng có lẽ tốt hơn là không nên chống lưng cho Nga", ông nói thêm.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với những người đồng cấp Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraina và các mối quan hệ thương mại trong tương lai và theo các chuyên gia, thách thức khó khăn đối với mọi người lúc này là làm được nhiều hơn mà không gây chiến với Nga.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương