GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng: Người phụ nữ đi tìm những phương thuốc quý từ cỏ cây Việt Nam

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã dành hơn 40 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học để tìm ra những hoạt chất ức chế tế bào ung thư từ cỏ cây.

Năm 1977, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng tốt nghiệp Khoa Hóa - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh. Trong các phân ngành hóa học, GS.TS Phi Phụng chọn Hóa hữu cơ.

Đi vào chuyên ngành hẹp nghiên cứu hợp chất thiên nhiên, mục tiêu nghiên cứu duy nhất của bà là tìm ra chất mới trong cây cỏ tự nhiên. Nhờ vậy, bà có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là những loài chưa được khoa học nghiên cứu hay chỉ nghiên cứu sơ bộ. Bà phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt đối với sự phát triển của tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, nám da, Alzheimer…

Đến nay, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Kết quả các công trình nghiên cứu của bà đã làm phong phú thêm kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp dữ liệu cơ sở cho các nhà khoa học định hướng nghiên cứu tài nguyên, phục vụ cho nền công nghiệp dược Việt Nam và thế giới.

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng (phải) hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm.
GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng (phải) hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm.

Trên thực tế, so với các nhà khoa học ở những phòng thí nghiệm tiên tiến khắp thế giới, việc phát hiện ra một chất thật sự mới trong điều kiện nghiên cứu ở một nước đang phát triển như Việt Nam là vô cùng khó. Từ lúc mới vào nghề, GS.TS Phi Phụng đã đối diện với vô số lần thất bại. Quy trình thoạt nghe rất đơn giản: chỉ cần lấy một loại cây lạ đem về phân tích, rồi nghiên cứu, xác định công thức hóa học, kết thúc nghiên cứu bằng việc dùng phần mềm Scifinder để kiểm tra xem hợp chất đó đã được tìm thấy trên thế giới chưa. Thế nhưng, từng công đoạn lại có những thách thức riêng, phần mềm Scifinder lại chưa có ở Việt Nam, nên cứ sau một hành trình dài dặc, người làm nghiên cứu phải gửi công thức hợp chất tìm được cho đồng nghiệp ở nước ngoài kiểm tra giúp.

Hơn 40 năm, bà bao lần hào hứng tìm, đắm mình với những loại cây lạ, tách chất, nghiên cứu, vỡ òa niềm vui khi tìm ra được một chất mới sau hàng tháng trời miệt mài, đến khi gửi công thức đi kiểm tra xong lại thất vọng vì hợp chất ấy từng được người khác phát hiện. Không chỉ thế, “cây mới” chỉ có ở những vùng đất mới. Người làm nghiên cứu có khi phải lên cao nguyên, lặn lội đến tận những cánh đồng ngập mặn. Phải sau bao nhiêu “quy trình” như thế, bao nhiêu “chất mới” được tìm thấy, mới có được một chất thật sự mới trên thế giới. GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng gọi thành công của những quy trình dài dặc và đầy rủi ro ấy là “duyên”, là “may mắn”. Nhưng nhìn lại mấy chục năm làm việc, với 35 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, 98 bài báo khoa học trong nước, hàng trăm nghiên cứu thành công, lớp lớp học trò thành tài, mới thấy cái gọi là “may mắn” của bà, nếu có, cũng chỉ là “công đoạn” cuối của tất cả những bền bỉ dấn thân.

Trong suốt quá trình nghiên cứu cũng như tham gia giảng dạy, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã chủ trì và tham gia 11 đề tài các cấp, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, xuất bản 7 sách giáo trình đại học và sau đại học. Bà nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Huân chương Lao động hạng ba năm 2011. Năm 2016, bà là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia.

Dành cả đời cho công tác khoa học, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng vẫn luôn trăn trở làm thế nào để “bình dân hóa” thuốc chống ung thư bằng cây thuốc Việt, giúp người bệnh có thể kéo dài cuộc sống, đỡ tốn kém... Bởi tới thời điểm này vẫn chưa thể triển khai ứng dụng thành sản phẩm ra thị trường. Từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất hai, ba giai đoạn nữa, cùng với đó là vốn đầu tư và công sức lớn. Trong khi đó, các công ty dược hiện nay chỉ muốn sản xuất những thứ có sẵn, không muốn đầu tư nhiều vào nghiên cứu. Tuy nhiên, ngọn lửa nghề vẫn cháy trong tim GS. TS Nguyễn Kim Phi Phụng và bà vẫn vững tin vào tương lai của thế hệ trẻ sẽ là người thay thế góp phần phục vụ cộng đồng.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ giáo sư người Việt chiến thắng giải thưởng liên ngành của Hiệp hội hoá học Hoàng gia Anh

Nữ giáo sư người Việt chiến thắng giải thưởng liên ngành của Hiệp hội hoá học Hoàng gia Anh

Giáo sư Thanh rất vui khi nghiên cứu của mình có thể mang lại những lợi ích trực tiếp trong kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân ung thư.