Âm nhạc hải ngoại: Những cuộc trở về...

Âm nhạc chỉ thực sự là âm nhạc, khi người ta đón nhận nó bằng trái tim bao dung và nhân ái…

Những cuộc trở về…

Những năm gần đây, hàng loạt các nghệ sỹ hải ngoại quay trở về Việt Nam biểu diễn. Những sự trở về này khiến cho công chúng chia làm hai luồng ý kiến khác nhau: Một nửa cho rằng đây là dấu hiệu cho sự suy tàn của âm nhạc hải ngoại (là ngành công nghiệp âm nhạc của người Việt ở nước ngoài), Lý do chính để các ca sỹ hải ngoại trở về Việt Nam chỉ là để kiếm tiền? Nửa còn lại, cảm thấy hân hoan và xúc động khi lần đầu được nghe trực tiếp những giọng ca mà trước đây vốn chỉ được thưởng thức qua băng đĩa như Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Hương Lan, Bảo Yến…

Thực tế là, hơn 40 năm hình thành và phát triển, thị trường âm nhạc Việt ở hải ngoại ngày càng bị thu hẹp. Các trung tâm âm nhạc đóng cửa hầu hết, khán giả trẻ thế hệ 9x, 10x chủ yếu nghe nhạc Mỹ, không hứng thú với nhạc Việt, các trung tâm đang hoạt động phải rất chật vật để tồn tại.

Hơn 40 năm hình thành và phát triển, thị trường âm nhạc Việt ở hải ngoại ngày càng bị thu hẹp
Hơn 40 năm hình thành và phát triển, thị trường âm nhạc Việt ở hải ngoại ngày càng bị thu hẹp

Việc nghệ sỹ hải ngoại đang phải loay hoay tìm hướng đi mới để mưu sinh là có thực. Tuy nhiên, với người nghệ sỹ, chọn âm nhạc làm sự nghiệp của cuộc đời, thì có lẽ việc ở đâu còn khán giả, còn có những người sẵn sàng mua vé nghe mình hát thì còn cống hiến, đó là điều không có gì đáng chê bai và đàm tiếu.

Nhưng, đó là lý do “nhãn tiền”, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhớ một sự thật không bao giờ thay đổi, là những người nghệ sỹ ấy, dù ít dù nhiều, họ vẫn mang trong mình dòng máu Việt Nam. Cho nên trong rất nhiều những cuộc trở về, cũng có những sự trở về mang nặng nỗi lòng hoài nhớ quê hương, tìm về những hoài niệm, hay mong muốn đóng góp, cống hiến cho quê hương, như ca sỹ Phi Nhung, Khánh Ly, Chế Linh, Lệ Hằng…

Những năm gần đây,  các nghệ sỹ hải ngoại trở về việt Nam biểu diễn ngày càng nhiều
Những năm gần đây,  các nghệ sỹ hải ngoại trở về việt Nam biểu diễn ngày càng nhiều

Như ca sỹ Khánh Ly đã từng phát biểu: “Các bạn đến với tôi không phải tôi đẹp hơn như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm. Tôi sẽ rất hạnh phúc được gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những khoảnh khắc quý giá trên sân khấu quê nhà”.

Tất nhiên, với nhiều người, đón nhận những sự trở về này là đón nhận một phần của hoài niệm, nhưng có kí ức của ngày hôm qua, thì mới có hiện tại ngày nay. Và âm nhạc chính là một trong những công cụ lưu giữ tuyệt vời nhất cho kí ức, nếu trái tim chúng ta đủ bao dung để đón nhận.

Ca sỹ Khánh Ly và ca sỹ Lệ Thu
Ca sỹ Khánh Ly và ca sỹ Lệ Thu

Âm nhạc không có đường biên giới

Có thể hơi lạ kì, nhưng nếu tiếp xúc đủ nhiều với các nghệ sỹ hải ngoại, chúng ta dễ dàng nhận thấy, văn hoá Việt Nam có ảnh hưởng trực tiếp trong những sáng tác của họ, một cách mạnh mẽ. Thậm chí mạnh mẽ hơn rất nhiều một số nghệ sỹ trẻ trong nước đang ung dung tận hưởng nhưng chưa một lần nghĩ đến “nguồn cội”.

Điều đó trước hết thể hiện ở nhiều tác phẩm âm nhạc với chất liệu âm nhạc truyền thống làm chất liệu chính. Chúng ta đã có những Lữ Liên, Phạm Duy, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ… những nhạc sỹ trụ cột của Tân nhạc, những người luôn đau đáu hai tiếng Việt Nam trong âm nhạc của mình. Không chỉ ở nước ngoài, mà cả đối với âm nhạc trong nước, sức ảnh hưởng của những người nghệ sỹ này là vô cùng mạnh mẽ. Mới hơn, chúng ta có những thế hệ nhạc sỹ như Duy Cường, Trúc Hồ,…. với những nét nhạc rất Việt Nam được kết hợp với màu sắc mới của âm nhạc phương Tây. Hay mới đây nhất, là nhạc sỹ Nguyên Lê cùng Ngô Hồng Quang, những người luôn muốn mang âm nhạc dân gian Việt Nam đi khắp thế giới, hay Tôn Thất Tiết, người đã viết nhạc cho 3 cuốn phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Xích lô, v.v.)

Nhạc sỹ Lam Phương
Nhạc sỹ Lam Phương

Có lẽ một lý do nữa để âm nhạc hải ngoại bị hiểu sai, đó là các nghệ sỹ hải ngoại trở về nước đúng vào giai đoạn Bolero trở thành trào lưu cực thịnh, cho nên nhiều người mặc định, các nghệ sỹ hải ngoại chọn Bolero, nhạc “mùi” làm dòng nhạc chính để phát triển, vì dễ “mua” nước mắt khán giả.Quả thực điều này là một cái nhìn khá phiến diện.

Từ sau 1975, âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại tạm có thể được làm 3 dòng chính: nhạc cổ truyền, nhạc cổ điển, cận đại Tây phương và tân nhạc. Riêng với tân nhạc, chúng ta có có tình ca nhạc trẻ, có du ca, nhạc tiền chiến và cả nhạc sôi động Pop, Dance…Sau gần năm mươi năm xa xứ, người Việt vẫn bảo tồn và phát huy được một nền âm nhạc hải ngoại đặc sắc, đa dạng, đa văn hoá. Đa dạng vì nó kết hợp nhiều dòng âm nhạc khác nhau, nhưng lại chưa hề chối bỏ nguồn gốc của mình.

Nhạc sỹ Nguyên Lê và nhạc sỹ Ngô Hồng Quang
Nhạc sỹ Nguyên Lê và nhạc sỹ Ngô Hồng Quang

Có thể, nghệ sỹ Việt xa xứ phần nào mang nhiều buồn bã và mặc cảm, nhưng họ chưa bao giờ đến với âm nhạc, sáng tác và biểu diễn vì không còn lựa chọn nào khác. Mà hơn tất cả, họ đến với âm nhạc bằng đam mê, dùng âm nhạc để nói lên nỗi lòng, tình cảm, điều đó là chính đáng. Âm nhạc, dù vang lên ở đâu, dưới thời đại nào, thì những giá trị mà nó mang lại vẫn nên được đối xử và nhìn nhận một cách công bằng. Và có lẽ, âm nhạc chỉ thực sự là âm nhạc, khi người ta đón nhận nó bằng trái tim bao dung và nhân ái…

Hơn tất thảy, hi vọng rằng, âm nhạc, với những sức mạnh diệu kì, một lần nữa có thể xoa dịu kí ức đau buồn, xóa bỏ những định kiến, những đường biên giới và những khác biệt, của những người cùng chung một quê hương, để có thể hòa chung một lời ca tiếng hát cho dân tộc.

Lan Anh

Giới hạn nào cho 'âm nhạc kể chuyện phim'?

Giới hạn nào cho "âm nhạc kể chuyện phim"?

"Yesterday", "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" và "Truyện ngắn" là những bộ phim kỳ lạ khi đứng giữa ranh giới của âm nhạc và điên ảnh.