Nữ Tiến sĩ của nhà nông

Hơn 30 năm cống hiến hết mình cho khoa học, TS. Hà Thị Thúy sở hữu nhiều đề tài nghiên cứu giống cây trồng mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp.

Năm 1987, tốt nghiệp chuyên ngành Sinh lý thực vật, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), TS. Hà Thị Thúy về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp.

Được công tác đúng chuyên ngành đào tạo, cộng với niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự hỗ trợ, động viên của gia đình, đồng nghiệp, chị Hà Thị Thúy đã gặt hái được nhiều thành công trong hàng loạt các công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về chọn tạo và nhân nhanh các giống cây ăn quả, các giống mía mới, nhiều giống  hoa, cây cảnh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Với những tâm huyết trong nghiên cứu các loại cây trồng gắn bó với đời sống miền quê nên bà con nông dân thường gọi TS. Hà Thị Thúy là nhà khoa học của nông dân.

TS. Hà Thị Thúy.
TS. Hà Thị Thúy.

Công trình đầu tay của nhà khoa học Hà Thị Thúy khi bước vào nghề là nghiên cứu về cây bắp cải chịu nhiệt. Với sự nỗ lực của mình, năm 1994, chị đã nghiên cứu thành công việc nhân giống các dòng bắp cải bất tự hòa hợp (không có hạt trong điều kiện tự thụ phấn) và xây dựng quy trình sản xuất bắp cải lai. Sau đó, chị đã tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ nhân nhanh các giống chuối, giống mía ưu việt và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nhiều Viện nghiên cứu,trường đại học và địa phương.

Năm 1995, chị đã trực tiếp chuyển giao công nghệ nhân giống mía cho công ty mía đường Hiệp Hòa (Long An) giúp công ty xây dựng phòng thí nghiệm sản xuất giống và nhân nhanh giống mía mới K84-200 có năng suất và hàm lượng đường cao. Nhờ vậy, giống mía này đã được nhân sản xuất quy mô lớn từ một vài mầm mía ban đầu. Giống mía K84 200 đã được công nhận là giống mía quốc gia từ năm 1998. Từ đó đến nay, nhà khoa học Hà Thị Thúy đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào nhân nhanh các giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao như các giống hoa Phong lan, Cúc, Đồng Tiền… Những công trình nghiên cứu về các loài hoa này cũng đã được đánh giá cao về giá trị công nghệ và thẩm mỹ.

TS. Hà Thị Thúy thăm vườn kiểm tra chất lượng cây trồng.
TS. Hà Thị Thúy thăm vườn kiểm tra chất lượng cây trồng.

Trước thực trạng phải nhập khẩu một lượng rất lớn hoa quả từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, vừa mất ngoại tệ vừa gây nhiều lo ngại về an toàn sức khoẻ, TS Hà Thị Thúy đã mạnh dạn đi sâu nghiên cứu chọn tạo các  giống cam, quýt, bưởi mới không hạt. Đây là một đề tài rất khó và đòi hỏi thời gian nghiên cứu dài hạn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, muốn tạo được một giống cây ăn quả có múi thông thường phải mất 20 năm, thậm chí còn kéo dài hơn. TS. Hà Thị Thuý cho biết, khó là cái chắc, nhưng đó là một định hướng chiến lược quốc gia, phải có người làm và phải có cách làm sáng tạo.

Từ xác định quyết tâm, TS. Thuý đã cùng đồng nghiệp thực hiện 2 định hướng chọn tạo giống không hạt. Định hướng thứ nhất là nhập nội các giống cam, quýt không hạt tốt nhất trên thế giới về nước, khảo nghiệm đánh giá ở các vùng sinh thái khác nhau để chọn giống thích hợp. Phải mất 4-5 năm, cây cam mới cho quả và phải thử nghiệm rất nhiều giống, mới tìm thấy một vài giống tốt. Sau khi phát hiện giống tốt, nữ Tiến sỹ và đồng nghiệp phải mời các công ty đến thăm và cùng họ đưa giống mới về công ty ở Nghệ An và Hoà Bình để trồng thử. Sau 4 năm, các vườn cam ở địa phương mới ra hoa kết quả, có năng suất và chất lượng tốt. Chị Thuý lại lên đường tổ chức thăm quan, hội thảo, mời nông dân đến tham dự. Như vậy, để minh chứng cho nông dân thấy được và chấp nhận 1 giống mới phải mất 10 năm lăn lộn với ruộng đồng. Đến nay, 4 giống cam, quýt mới, không hạt, chất lượng cao đã đi vào sản xuất lớn và được nông dân, các công ty cả nước hào hứng phát triển. Định hướng thứ 2 là tạo giống cam, quýt, bưởi mới không hạt từ các giống bản địa nhiều hạt.

Để thực hiện thành công đề tài này, chị đã gặp không biết bao khó khăn, thử thách. Khó khăn không chỉ vì nắng mưa, ngập lụt đã từng nhấn chìm cả vườn giống mới không chỉ một lần; cây cam, bưởi một năm chỉ ra quả một lần, gặp mưa, hoa quả non có thể rụng mà thách thức lớn hơn cả là không ít người đã tỏ ra hoài nghi đề tài mà tập thể của TS. Hà Thị Thúy có thể thành công. Nếu không có bản lĩnh, không có đồng nghiệp cùng tâm huyết, chị Thúy đã bỏ kết quả nghiên cứu vào ngăn kéo để đi tìm các đề  tài khác dễ dàng hơn. Sau bao năm tháng nỗ lực không ngừng, niềm vui đã đến thật bất ngờ và không chỉ một lần với nhà khoa học nữ Hà Thị Thúy là từ năm 2006 cho đến nay, có hàng nghìn hộ dân, nhiều trang trại và các công ty đã bội thu nhờ giống cam mới. Nhiều gia đình trồng cam, quýt đã có cuộc sống ấm no hơn.

Lòng say mê nghiên cứu khoa học luôn khiến TS. Hà Thị Thúy không bao giờ tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Chị vẫn đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ và giống mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và thị trường.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Câu chuyện khám phá vùng đất cửa biển của nữ tiến sĩ mê khảo cổ

Câu chuyện khám phá vùng đất cửa biển của nữ tiến sĩ mê khảo cổ

Khảo cổ học là nghề được cho không phù hợp với nữ giới. Nhưng vẫn có bóng hồng ngày đêm cặm cụi trên công trường khảo như Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.