Cách 'Nữ hoàng hột vịt' Ba Huân vượt sóng thương trường và sắp xếp người kế nghiệp

CẨM VIÊN - NGUYỄN BÌNH - THẾ PHAN

Trải qua nhiều biến cố thương trường, dù giữa dịch cúm gia cầm hay đại dịch COVID-19, doanh nhân Phạm Thị Huân vẫn giữ tinh thần thép của "bà trùm hột vịt", giúp chuỗi sản xuất và cung ứng trứng gia cầm không đứt gãy.

 

Để doanh nghiệp đứng vững và phát triển giữa đại dịch, ít ai biết được trước đó, bà Ba Huân - nữ doanh nhân chưa học hết lớp 5, đã có những dự đoán đúng tác động của dịch bệnh và quyết định thay đổi toàn bộ hoạt động của công ty. 

Bà Ba Huân nói năm 2020, ngay đợt dịch đầu tiên, bà dự đoán dịch bệnh sẽ kéo dài, và bắt đầu tính đến trường hợp xấu nhất dịch bùng phát nặng thì bài toán nhân công sẽ như thế nào? Giữa sự phát triển của công nghệ tự động, thì doanh nghiệp không thể duy trì lượng nhân công lớn mà công suất thì không bằng dây chuyển sản xuất tự động.

Ngay lập tức đầu năm 2021, Ba Huân quyết định đầu tư nhập khẩu dây chuyền sản xuất trứng tự động từ nước ngoài về để tự động hóa các khâu sản xuất. Nhờ vậy mà khi dịch diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, cung ứng hàng triệu quả trứng ra thị trường và các bệnh viện dã chiến trên cả nước. 

Bà Ba Huân thừa nhận kinh nghiệm và sự nhạy bén của doanh nhân kinh doanh trứng gia cầm hơn 40 năm đã giúp doanh nghiệp đứng vững giữa đại dịch COVID-19.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên "Nữ hoàng hột vịt" Ba Huân có những quyết định táo bạo thay đổi vận mệnh của công ty. Giai đoạn 2003 - 2005 thời điểm dịch cúm gia cầm hoành hành, người tiêu dùng quay lưng với trứng gia cầm do dịch bệnh đã khiến người chăn nuôi điêu đứng, doanh nghiệp như Ba Huân gần như phá sản, vì suốt thời gian dài không kinh doanh được.

Thời điểm ấy, bà định bỏ nghề và chuyển sang làm kim hoàng. Nhưng những lần xuống thăm nông trại chăn nuôi, chứng kiến cảnh khổ của nông dân, bà lại không kìm lòng được.

Quay về nhà, bà bán tất cả sản nghiệp còn lại, vay mượn người thân, bạn bè rồi một mình đi đến các nước có công nghệ sản xuất trứng gia cầm tiên tiến, để tìm đường khôi phục ngành gia cầm. 

Cách 'Nữ hoàng hột vịt' Ba Huân vượt sóng thương trường và sắp xếp người kế nghiệp

Bà đánh liều nhập dàn thiết bị xử lý trứng gia cầm của Hà Lan giữa sự phản đối gay gắt từ người thân và bạn bè, vì với số tiền đó, nếu đầu tư bất động sản hay ngành nghề khác sẽ lợi nhuận gấp nhiều lần.Nhưng người phụ nữ mấy chục năm gắn bó với người chăn nuôi gà vịt vẫn kiên định, và đó là dấu mốc thay đổi khiến Ba Huân làm nên cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp trứng.

Bà đã xây nên nhà máy đầu tiên vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Bình Chánh (TP.HCM) năm 2006, với quy trình xử lý trứng gia cầm hiện đại, tự động hóa 100%.

Tiếp đó, công ty Ba Huân kết nối các khoa học, chính quyền, ngân hàng và nông dân, bắt đầu bước vào quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tạo nguồn thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

Công ty đã hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về vốn và kỹ thuật, xây dựng trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, để cung ứng giống và thức ăn chăn nuôi cho nông dân.

Bà Ba Huân cùng lúc phát triển khu liên hợp chăn nuôi ở Tân Uyên, Bình Dương, nhà máy thực phẩm Ba Huân ở Long An, giúp doanh nghiệp hoàn thiện thêm quy trình khép kín của mình và làm phong phú các sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Không chỉ có trứng gia cầm, Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, lạp xưởng xúc xích, chà bông gà, trứng gà, cút, vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà, …

Đến giữa 2018, Ba Huân đã chiếm hơn 30% thị trường trứng tiệt trùng ở Việt Nam. Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Doanh nghiệp cũng chuyển hướng phát triển sản phẩm, liên tục ra mắt các dòng trứng dinh dưỡng có bổ sung omega 3, DHA, vitamin E. 

"Nữ hoàng hột vịt" chia sẻ về kinh doanh trứng gia cầm trước thềm năm mới

Kể chuyện kinh doanh giữa thời điểm TP.HCM chống chọi với đại dịch COVID-19 suốt gần nửa năm trời, bà Ba Huân cho biết khi thành phố đóng cửa, doanh nghiệp bà cũng như bao doanh nghiệp khác đều rơi vào khó khăn.

Tất cả xí nghiệp, trường học, nhà hàng quán ăn đóng cửa khiến một lượng trứng lớn tồn động ngay thời điểm TP.HCM và các tỉnh phía Nam rất căng thẳng. Chuỗi sản xuất của Ba Huân lại nằm giữa tâm dịch, khắp nơi đều là lệnh cấm duy chuyển, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất lớn.

Vào lúc cần bình tĩnh nhất để lèo lái doanh nghiệp, người phụ nữ đã bước sang tuổi 68 ấy hiểu rằng, bà không được quyền để nguồn thực phẩm khan hiếm, dù đây là cơ hội hay thách thức của doanh nghiệp.

Bà chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng bị đứt gãy sang các bệnh viện dã chiến và siêu thị. Bà đã trực tiếp liên hệ với Tổ công tác đặc biệt 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để hàng hóa được hỗ trợ thông xe cung ứng trứng cho thị trường.

Toàn bộ công nhân của doanh nghiệp Ba Huân phải thực hiện chiến dịch "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ).

Để động viên anh em đồng hành cùng doanh nghiệp và cũng để đảm bảo đời sống cho công nhân, doanh nghiệp Ba Huân đã thực hiện chính sách làm việc 4 tiếng tính tiền 8 tiếng.

Công nhân của Ba Huân đã là việc 24/24, hàng trăm đầu xe liên tục chạy để kịp chuyển trứng đến các bệnh viện dã chiến và hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại tâm dịch TP.HCM, các tỉnh phía Nam và cả nước... 

Nhưng việc thực hiện "3 tại chỗ" và các kinh phí về y tế đã khiến chi phí sản xuất trứng đội lên rất nhiều lần, chưa kể nguồn nguyên vật liệu, thức ăn gia súc, bao bì tăng lên gấp 2-3 lần... Đây lại là một bài toán khó khiến bà Ba Huân trăn trở, có nên tăng giá trứng để đảm bảo lợi nhuận, khi thị trường đã tăng giá gấp 2-3 lần.

Thời điểm ấy giá trứng trên thị trường dao động 55.000-60.000 đồng/chục, trứng Ba Huân khoảng 30.000 đồng/chục. Giữa lúc khó khăn ấy, Sở công thương TP.HCM 2 lần cho phép Ba Huân tăng giá trứng.

"Nếu tăng giá trứng, tôi có thể thu lợi nhuận 200 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, tôi quyết định giữ nguyên mức giá, để phục vụ người dân giữa lúc khó khăn. Bởi nhờ những người tiêu dùng mới có doanh nghiệp Ba Huân như ngày hôm nay.

Giờ lúc người dân gặp khó thì mình phải đồng hành cùng họ. Kinh doanh là việc cả đời, không kiếm tiền lúc này, thì còn lúc khác. Còn bây giờ người dân cần doanh nghiệp nhất", "Nữ hoàng trứng vịt" khẳng định.

Bà nói thêm rằng Ba Huân còn là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, nếu tăng giá trứng thì các doanh nghiệp nhỏ khác cũng sẽ tăng theo. Như vậy người tiêu dùng sẽ gặp khó. Với suy nghĩ đó, Ba Huân đã giữ giá, cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu quả trứng bình ổn mỗi ngày cho đến hôm nay.

"Bán trứng với giá bình ổn, chúng tôi chỉ đủ kinh phí chi trả cho công nhân và các chi phí tài chính khác, không có lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình", bà Phạm Thị Huân bộc bạch.

Trong đợt Tết Nhâm Dần này, bà Ba Huân cũng quyết định  giảm giá mạnh các sản phẩm của doanh nghiệp, để công nhân và người dân nghèo có điều kiện mua sắm. Bởi dù nghèo khó thì Tết về, các gia đình Việt vẫn không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt.

"Nữ hoàng hột vịt" chúc Tết bà con nông dân

Tuy là người phụ nữ thành công trên thương trường nhưng bà Ba Huân cho biết đường con cái nhiều lận đận.

Nỗi đau lớn nhất của bà là mất cậu con trai lớn giỏi dang trong một tai nạn giao thông, khi đang trên đường xuống trại chăn nuôi tìm hiểu nguyên nhân sao trứng về ít.

Sau khi con trai mất, bà có sinh thêm 2 người con khác khi đã ngoài 40 tuổi. Hiện tại các con của bà khoảng 25-26 tuổi nhưng vẫn chưa thể kế thừa sự nghiệp của bà.

Cũng may bà còn có một đứa cháu gái đang sinh sống bên Úc. Bà khoe cháu nội sắp lập gia đình, và bà sẽ sắp xếp thời gian sang thăm cháu. 

Nói về chuyện chuẩn bị nhân sự tiếp nối nghề nghiệp của Công ty TNHH trứng gia cầm Ba Huân, bà Ba Huân cho biết bà thiệt thòi đường con cái, các cháu đi theo nghề ở Ba Huân cũng không nhiều, chỉ có 1-2 người. Công việc ở Ba Huân chủ yếu do bà và các anh em trực tiếp xử lý.

Tuy là doanh nghiệp gia đình với cánh tay đắc lực là anh chị em trong nhà, nhưng bà có tầm nhìn xa, đã chủ động đào tạo đội ngũ kế thừa là lớp cán bộ quản lý, chuyên gia tại doanh nghiệp. Bà không chỉ dùng chính sách lương để thu hút nhân tài, mà nhiều người còn được bà tạo điều kiện lập gia đình và sinh sống tại đây. 

Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1954 ở Long An, hiện là Chủ tịch HĐQT , Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân.

Năm 2012, bà Ba Huân từng vào Top 100 người phụ nữ nổi bật nhất năm của thế giới, do TIAW bình chọn. Bà được lãnh đạo TP.HCM trao tặng bằng khen Doanh nhân tiêu biểu vào năm 2014. 

Năm 2016, bà Ba Huân là đại diện Việt Nam, vượt qua đại diện 45 quốc gia khác, trở thành 1 trong 5 nông dân điển hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng FAO cùng với Fiji, Mông Cổ, Pakistan, Thái Lan.

Bà nhiều lần góp mặt trong "Danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" do Forbes Việt Nam bình chọn.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ xử lý trứng sạch về Việt Nam. Trứng sạch Ba Huân được phân phối rộng rãi trong các hệ thống Metro, Coopmart, Vissan, hệ thống các siêu thị từ TP.HCM đến các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.

- Nội dung: CẨM VIÊN

- Thiết kế: THẾ PHAN

- Quay phim: NGUYỄN BÌNH