5 điều cần biết về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina

Ngay sau khi ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai thực thể ly khai nằm ở miền Đông Ukraina là Donetsk và Luhansk, Tổng thống Putin đã điều quân đội Nga vào 2 lãnh thổ này và cho biết đây là một phần của "sứ mệnh gìn giữ hòa bình” khiến thế giới lo ngại về một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu.

Ngay sau khi ông Putin ký sắc lệnh và động binh, nhiều quốc gia phương Tây đã lập tức lên tiếng phản đối, Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp đột xuất ngay trong đêm để xem xét vấn đề này.

ukraine-live-blog.jpg
Tình hình Ukraina căng thẳng trong những ngày gần đây.

Cuộc khủng hoảng này diễn ra như thế nào và đây là những điều chúng ta cần nên biết khi theo dõi cuộc khủng hoảng này.

1. Cuộc khủng hoảng gần đây nhất bắt đầu như thế nào?

Hôm Chủ nhật, ông Putin nhắc lại sự “thất vọng” của mình khi cho rằng, yêu cầu của Nga về việc viết lại các thỏa thuận an ninh của châu Âu đã nhiều lần bị từ chối.

Ông muốn Mỹ và NATO thực hiện cam kết không kết nạp Ukraina vào khối này và nói rằng Ukraina nên là một quốc gia trung lập, là một vùng đệm. Moscow cũng đã kêu gọi NATO ngừng mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và cho rằng khối này phá hoại an ninh của khu vực.

Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây đã bác bỏ những yêu cầu đó. Họ nói rằng Điện Kremlin không được phép có quyền phủ quyết đối với các quyết định về chính sách đối ngoại của Kiev và đã bảo vệ “chính sách mở cửa” của NATO, cho phép bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng có quyền đề nghị tham gia vào liên minh này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đó là một nỗ lực nhằm đe dọa Ukraina và Moscow đã tập trung khoảng 150.000 quân dọc theo biên giới chung.

Các quốc gia phương Tây do Washington dẫn đầu tin chắc rằng, Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn. Moscow phủ nhận điều này và nói rằng họ có thể di chuyển quân đội và thiết bị quân sự của mình đến bất cứ nơi nào họ thấy phù hợp trên lãnh thổ của mình và tuyên bố hành động của họ là để tự vệ.

2. Thỏa thuận với hai khu vực ly khai là gì?

Những người ly khai do Nga hậu thuẫn ở các vùng Donetsk và Luhansk nằm trong một khu vực được gọi chung là Donbas - đã tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ Ukraina vào năm 2014 và tự xưng là “các nước cộng hòa nhân dân” độc lập.

Động thái này dẫn đến một cuộc xung đột đẫm máu giữa Ukraina và các lực lượng do Nga hậu thuẫn. Một năm sau, năm 2015, một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk, thủ đô của Belarus đã làm cho tình hình tạm lắng dịu.

60868015_401.jpg
Tổng thống Putin bất ngờ công nhận độc lập cho 2 vùng đất ly khai của Ukraina.

Theo thỏa thuận, các lực lượng nước ngoài phải rút ra khỏi khu vực và nâng cao mức độ tự trị cho các khu vực do phe ly khai nắm giữ.

Nhưng Nga nói rằng họ không tham gia vào cuộc xung đột dọc theo đường liên lạc dài 420 km; giao tranh chưa bao giờ thực sự dừng lại và Nga cáo buộc Kiev vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ukraina cũng cáo buộc Moscow có ý đồ tương tự.

Cuộc xung đột đã âm ỉ diễn ra trong một năm qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã ghi nhận hơn 2.000 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có 1.100 vụ nổ từ ngày 18 đến 20/2- một con số tương đối cao.

Ông Putin bất bình đối với phương Tây, trong một bài phát biểu hôm thứ Hai, ông tức giận nhắc lại rằng miền Đông Ukraina là vùng đất cổ của Nga từ thời đế chế Ottoman.

“Tôi cho rằng cần phải đưa ra một quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu - công nhận ngay độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk,” ông nói trước khi ký sắc lệnh.

3. Các cường quốc đã phản ứng như thế nào?

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngay lập tức ký một lệnh hành pháp để ngừng hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ tại các khu vực ly khai.

Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ nhất trí với một loạt các biện pháp trừng phạt "mạnh mẽ và quy mô" chống lại Nga vào thứ Ba. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức đã thực hiện các bước để tạm dừng quá trình chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2 – đường ống dẫn khí tự nhiên từ Nga sang Đức.

Trung Quốc, một đồng minh của Nga, cho biết họ “lo ngại” trong khi Nhật Bản cho biết họ sẵn sàng tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Moscow trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Nga nên “rút quân vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraina và ngừng đe dọa các nước láng giềng.

Trong khi đó chính phủ Syria cho biết họ “ủng hộ” động thái của Putin và “sẽ hợp tác” với hai khu vực ly khai.

4. Liên hợp quốc đã nói gì?

Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và hòa bình Rosemary DiCarlo đã mở đầu phiên họp vào cuối ngày thứ Hai với cảnh báo rằng “nguy cơ xảy ra xung đột lớn là có thật và cần phải ngăn chặn bằng mọi giá”.

Đại sứ Liên hợp quốc của Nga, Vassily Nebenzia, cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang nhắm vào Ukraina theo hướng "một hành động khiêu khích có vũ trang". Ông cáo buộc Ukraina gia tăng pháo kích vào các khu dân cư của các vùng ly khai vào cuối tuần qua và ở một số thị trấn, làng mạc của Nga gần biên giới.

Ông Sergiy Kyslytsya, đại sứ tại Liên hợp quốc của Ukraina, yêu cầu Moscow hủy bỏ sự công nhận của mình, ngay lập tức rút "quân chiếm đóng" và quay trở lại đàm phán.

Kyslytsya lên án quyết định "bất hợp pháp" của Putin.

Trung Quốc đưa ra lưu ý thận trọng, kêu gọi kiềm chế và đưa ra giải pháp ngoại giao.

Đại sứ Kenya tại LHQ Martin Kimani đã lên án động thái của Nga và nói rằng “chủ nghĩa đa phương nằm trên giường bệnh tối nay”. Một video về bài phát biểu của ông đã được chia sẻ rộng rãi - và được ca ngợi - trên mạng xã hội.

5. Điều gì đang chờ đợi cuộc khủng hoảng?

Lo lắng về tác động của một cuộc chiến tranh châu Âu vẫn còn, nhưng một số người tin rằng, vẫn còn có cơ hội cho ngoại giao.

Trước khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của 2 thực thể ly khai ở miền Đông Ukraina, Tổng thống Mỹ và ông Putin dự kiến có cuộc điện về cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông vẫn quan tâm đến việc theo đuổi một giải pháp ngoại giao.

2022-01-26t184046z_1703798466_rc247s9mpetn_rtrmadp_3_ukraine-crisis-russia-drills.jpg
Tương lai bất định đang chờ đợi cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Như nhiều nhà quan sát đã lưu ý, cuộc khủng hoảng là không thể đoán trước và không ai thực sự biết những gì Putin đang cố gắng đạt được.

Cho đến thứ Hai, Nga vẫn từ chối công nhận hai "nước cộng hòa". Nhưng bây giờ họ đã thay đổi lời nói của mình, niềm tin vào các tuyên bố phát ra từ Điện Kremlin đã giảm hơn nữa.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương