Trung Quốc vẫn sẽ không từ bỏ chính sách ‘Zero Covid’ sau 2 năm áp dụng?

Đúng hai năm kể từ ngày Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” đầy hà khắc vào ngày 23/1/2020, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ nới lỏng chính sách này.

Đối mặt với mối đe dọa từ một loại virus bí ẩn, ngày 23/1/2020, chính quyền TP Vũ Hán với 11 triệu dân đã áp đặt phong tỏa đầu tiên trên thế giới, đánh dấu sự khởi đầu của chính sách không khoan nhượng đối với đại dịch của Trung Quốc.

2 năm sau, biến thể Omicron xuất hiện và có tốc độ lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với những biến thể trước đó và dư luận đang đặt ra câu hỏi về tính bền vững của cách tiếp cận này của Trung Quốc.

2021-12-22t052839z_78714370_rc28.jpg
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã có 2 năm áp dụng chính sách "Zero Covid".

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển qua xu hướng sống chung với Covid-19, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục kiên trì với chiến lược “Zero Covid” của mình bất chấp những thiệt hại về kinh tế và xã hội do việc phong tỏa trong nước và đóng cửa biên giới nghiêm ngặt tạo ra, theo các nhà phân tích.

“Biến thể Omicron gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc so với các biến thể trước đó”, Ben Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông nói,

Cũng theo vị chuyên gia này, khả năng lây truyền của biến thế thể mới này cao gấp ba lần so với biến thể Delta.

“Với những công cụ có sẵn ở đại lục, tôi nghĩ rằng họ có thể kiểm soát ngay cả những đợt bùng phát do biến thể Omicron gây ra. Nhưng nó sẽ tốn rất nhiều nguồn lực và gây ra nhiều gián đoạn trong quá trình này”, chuyên gia Ben Cowling cho biết thêm.

Nhà chức trách Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để dập tắt các đợt bùng phát mới trước khi Thế vận hội Olympic mùa Đông diễn ra, dự kiến ​​khai mạc vào ngày 4/2 tại Bắc Kinh.

Hôm thứ Hai tuần này, Trung Quốc ghi nhận 223 ca nhiễm trên toàn quốc, đây là số tăng cao nhất trong gần hai năm qua nhưng đã giảm xuống mức hai con số trong những ngày gần đây.

Sau khi một nhân viên văn phòng ở thủ đô Bắc Kinh trở thành người đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron vào Chủ nhật trước, chính quyền địa phương đã ngay lập tức phong tỏa khu nhà ở và tòa nhà văn phòng, cấm tất cả những người bên trong ra ngoài.

Chính quyền Bắc Kinh đổ lỗi cho một bưu kiện được gửi từ Canada bị nhiễm virus và khuyến cáo người dân giảm thiểu việc mua hàng hóa ở nước ngoài cũng như xử lý hàng hóa quốc tế một cách thận trọng bất chấp việc các chuyên gia nước ngoài nghi ngờ về khả năng lây truyền này.

Trước sự xuất hiện biến thể Omicron, nhà chức trách Trung Quốc trong những tuần gần đây đã kiểm soát một đợt bùng phát biến thể Delta ở TP Tây An, tỉnh Sơn Tây bằng việc phong tỏa nghiêm ngặt. Việc phong tỏa này được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực và khiến ít nhất hai phụ nữ , bị sẩy thai.

Tuy nhiên, khi ổ dịch trên được kiểm soát, những ổ dịch mới mọc lên trên khắp đất nước.

Trong đợt mới nhất, 69 hộ gia đình ở Thiên Tân, nơi có chung ranh giới với thủ đô Bắc Kinh, được phát hiện dương tính với Covid-19. Thành phố đã xét nghiệm toàn bộ 14 triệu người trong hai ngày, điều mà tờ Global Times - một tờ báo của nhà nước, cho rằng đây là bằng chứng về “phép màu tốc độ” của Trung Quốc trong việc truy vết virus.

Trong khi đó Hồng Kông cũng đã tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn biến thể Omicron bằng cách đình chỉ học việc trực tiếp tại các trường học, đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ đêm, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm bắt đầu 6h tối đối với việc ăn uống tại các nhà hàng.

Tuần này, nhà chức trách cũng đã ra lệnh tiêu hủy 2.000 chuột hamster và động vật nhỏ, với lý do nguy cơ lây truyền từ động vật sang người – điều mà đến nay vẫn không có bằng chứng - sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên của biến thể Delta ở  người bán hàng tại một cửa hàng thú cưng.

c51eae940a2b42fbaa582b5d4a7cdfde.jpg
Trung Quốc đã phong tỏa TP Vũ Hán từ ngày 23/1/2020.

Jin Dong-Yan, một nhà virus học của Đại học Hồng Kông nói rằng, cần thận trọng khi sử dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và cần nhiều thời gian để hiểu rõ hơn về Omicron.

Jin cho biết, không có lý do gì để hoảng sợ bởi các nghiên cứu ở Hoa Kỳ và châu Âu cho thấy thời gian tồn tại của biến thể này ngắn hơn, các triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Mặc dù các biện pháp hà khắc của Trung Quốc được cho là giúp giảm thiểu tử vong, nhưng Jin đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của chúng từ quan điểm sức khỏe cộng đồng khi virus bùng phát.

“Đối với chính quyền, đó là vấn đề danh dự quốc gia và họ tin rằng mình có chiến lược tốt nhất trên thế giới. Nếu chúng ta có thể kiểm soát đại dịch ở Vũ Hán, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự ở những nơi khác”, ông nói.

Chính sách "Zero Covid" nhận được sự ủng hộ của người dân?

Bắc Kinh lo ngại về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể mới, vì kết quả từ phòng thí nghiệm cho thấy, vaccine Sinovac không tạo ra đủ kháng thể để chống lại biến thể Omicron. Điều đó làm tăng khả năng số ca bệnh tăng cao gây áp lực lên hệ thống y tế công cộng mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao.

“Lời khuyên của tôi là họ nên điều chỉnh dần dần và công nhận thực tế rằng COVID-19 hiện diện khắp thế giới. Họ nên từng bước rời xa chính sách này”, ông nói.

Không giống như ở các nước phương Tây, nơi mà sự phản đối việc phong tỏa và bắt buộc tiêm vaccine đang gia tăng, Trung Quốc đã không phải nhận những đợt phản ứng của công chúng đối với việc áp dụng các chính sách hà khắc.

Theo Christian Göbel, Giáo sư chuyên nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Vienna (Áo), chiến lược “Zero Covid” dường như nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.

“Tôi cũng không nghĩ rằng mọi người phản đối việc phong tỏa vì họ rất coi trọng sự nguy hiểm của COVID”, Göbel nói.

Lynette Ong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Toronto cho biết: “Nền văn hóa của Trung Quốc cho rằng quyền tự do cá nhân có thể bị hy sinh ở mức độ lớn vì lợi ích tập thể. Và một cuộc khủng hoảng sức khỏe được coi là nguyên nhân chính đáng cho sự hy sinh quyền tự do cá nhân".

Cũng theo nhà khoa học chính trị này, Trung Quốc - quốc gia có số người chết vì COVID-19 chỉ là 4.636 người - cũng đã ca ngợi quyền kiểm soát của họ đối với đại dịch như một bằng chứng về tính ưu việt của mô hình quản trị.

Bà nói, bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chính sách đều có thể khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Thật vậy, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, thiệt hại kinh tế cho việc chống dịch này đang gia tăng, đặc biệt là khi thị trường bất động sản Trung Quốc và tiêu dùng nội địa sụt giảm.

“Cần phải có một cách tiếp cận khác trong tương lai”, Chen Xingdong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại BNP Paribas, cho biết trong một hội thảo trực tuyến vào đầu tháng này.

“Có vẻ như chính phủ trung ương đã nhận ra cái giá phải trả cho chính sách “Zero Covid” - chính sách này chắc chắn là rất đáng tiếc và khó có thể tiếp tục”, Chen cho biết thêm.

Không thể thay đổi chính sách trong năm nay

Đầu tháng này, công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc là rủi ro chính trị quan trọng nhất trong năm tới, với lý do mà chính sách này tạo ra có thể gây ra căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và các thị trường mới nổi.

ap21312292044972.jpg
Chính sách này có dấu ấn cá nhân của ông Tập Cận Bình.

Việc đóng cửa để kiểm soát các đợt bùng phát trong tương lai sẽ “dẫn đến sự gián đoạn kinh tế lớn hơn, sự can thiệp của nhà nước nhiều hơn và người dân sẽ bất mãn hơn với khẩu hiệu ‘Trung Quốc đánh bại Covid’ của truyền thông nhà nước”, các nhà tư vấn của Eurasia Group viết trong một báo cáo được công bố hôm 3/1.

Báo cáo còn cho biết thêm rằng, thành công ban đầu của chính sách “Zero Covid” và sự gắn bó cá nhân của ông Tập Cận Bình với chính sách này khiến nó khó có thể thay đổi hướng đi”, báo cáo cho biết thêm.

Vào tháng 12/2021, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc xuống 5,1% vào năm 2022, từ 5,4% theo dự báo trước đó. Đó sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1990 và giảm mạnh so với mức tăng 8,1% của năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích tin rằng, chính sách này gần như chắc chắn sẽ được duy trì ít nhất cho đến sau Đại hội Đảng, diễn ra vào nửa cuối năm 2022, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba lịch sử

Thậm chí, sau đại hội đó, cách chống dịch của Trung Quốc vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Cowling cho biết: “Kịch bản lý tưởng cho Trung Quốc đại lục là virus tiếp tục phát triển và trong một năm, hoặc một thời gian gần. Khi đó, các biến thể sẽ ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người hơn, tỷ lệ vaccine bao phủ cao và Trung Quốc có thể nới lỏng các chính sách cứng rắn của mình mà không gặp phải bất kỳ rủi ro nào đến sức khỏe cộng đồng”.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương