Thanh xuân rực rỡ
"Bỏ phố về rừng" nương nhờ vào thiên nhiên, những người trẻ này có cách lưu giữ thanh xuân rực rỡ theo cách riêng của họ.
Cô designer bỏ Hà Nội lên Sa Pa sống
Tâm An (tên thật là Phạm Thị Thanh Loan), sinh năm 1991 quê Đắk Lắk được biết đến là chủ nhân của loạt video gây “sốt” về cuộc sống yên bình ở vùng cao Tây Bắc.
Tâm An từng là một designer, với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội, lên làm đầu bếp cho một homestay ở Sa Pa, Lào Cai. |
Cô còn được mệnh danh là “Lý Tử Thất - tiên nữ đồng quê" của Việt Nam. Hình ảnh cô gái 9x sống giữa núi rừng, hàng ngày tự trồng rau, lên nương rẫy, đọc sách, uống cà phê, an yên tận hưởng cuộc sống, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Trước đây, Tâm An từng là một designer, với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội. Cuộc sống bận rộn, với những áp lực vô hình khiến cô gái 9x luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian dành cho bản thân. Đúng lúc chán chường, Tâm An bất ngờ nhận được lời đề nghị của một người chị, mời lên làm đầu bếp cho một homestay ở Sa Pa, Lào Cai.
Điều khiến Tâm An hạnh phúc nhất là tình cảm mà người dân nơi đây dành cho mình. |
Nơi Tâm An ở là một homestay nhỏ nhắn, nằm giữa thung lũng Mường Hoa, bản Ý Linh Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Công việc chính hàng ngày của cô là nấu ăn cho khách đến nghỉ dưỡng, chăm chút homestay, thời gian còn lại Tâm An lên nương rẫy, đọc sách, chơi với lũ trẻ trong bản hoặc quay video về cuộc sống của bà con nơi đây.
Mọi sinh hoạt của cô gần như “tự cung, tự cấp”, rất ít khi cần đến tiền. Tâm An tự trồng vườn rau nhỏ xinh ngay cạnh homestay với đủ loại từ: cà chua, rau muống, cải, dưa chuột… Cô cũng học cách nhuộm quần áo, tự làm tương đậu, nuôi giấm và chế nước rửa bát, dung dịch xịt muỗi bằng các loại cây, củ quả thiên nhiên trong rừng.
Tâm An hái chanh vàng trên nương. |
Mùa quả chín, cô vào rừng thu hoạch chanh vàng, đào, mận, bồ quân… rồi về làm bánh, mứt hay các loại nước ép hoa quả cho lũ trẻ trong bản. Cuộc sống mà theo mô tả của Tâm An là “nương nhờ hoàn toàn vào thiên nhiên”.
Những điều bình dị ở Tây Bắc khiến Tâm An cảm nhận được hạnh phúc ý nghĩa của cuộc sống. |
An kể, thời gian đầu “bỏ phố, về rừng” cô cũng phải mất một tháng để làm quen và thích nghi. Cuộc sống thiên nhiên, thiếu thốn trăm bề không đơn giản như những gì cô gái trẻ hình dung.
Tuy nhiên, càng sống ở Tây Bắc, cô gái trẻ càng nhận ra, mình thuộc về nơi này. Không ít lần, Tâm An bật khóc vì xúc động bởi tình cảm chân thành mà người dân nơi đây dành cho mình.
Hiện tại, ngoài công việc ở homestay, Tâm An dành hầu hết thời gian dạy lũ trẻ trong bản học chữ, chơi đàn, ca hát… Vào những ngày nghỉ, cuối tuần, cô cũng tự tay vào bếp làm bánh, đồ chơi handmade cho tụi nhỏ.
Tâm An tự tay làm đèn trung thu cho trẻ nhỏ trong bản nơi cô ở. |
Mỗi lựa chọn luôn có sự đánh đổi... Với mình bây giờ thì cơm rau rừng, hít thở không khí ở rừng, mùa hè đến được đắm mình dưới dòng nước suối mát lành, mùa đông được sưởi ấm bên bếp lửa cùng tụi nhỏ, được ngắm sương giăng khắp núi đồi, mỗi tối, mỗi sáng thức dậy không gian yên tĩnh chỉ có tiếng gà gáy, tiếng côn trùng… là hạnh phúc không gì có thể đánh đổi”, Tâm An tâm sự.
Chàng trai K’Ho bỏ phố về rừng làm nông nghiệp thuận tự nhiên
Tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai (trường Đại học Tây Nguyên) và tìm được một công việc ổn định với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng K’Brooke, chàng trai trẻ người dân tộc K’Ho, xã Gung Ré, Di Linh, Lâm Đồng vẫn quyết tâm bỏ phố về rừng để hiện thực hóa ước mơ xây dựng một nền nông nghiệp “hạnh phúc”.
K’Brooke tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng năm 2019. |
Trở về với buôn làng, điều khiến Brooke luôn trăn trở là làm thế nào để thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống của bà con. Cách làm cũ dẫn đến tình trạng đất đai bị thoái hóa, cà phê già cỗi, năng suất thấp và chất lượng không cao.
Brooke bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chuẩn cân bằng sinh thái để chăn nuôi, kết hợp trồng cà phê theo hướng hữu cơ theo một vòng tuần hoàn chuẩn và khép kín.
K’Brooke tự hào giới thiệu về những cây cà phê được trồng dưới tán cây rừng. |
Với tư duy mới lạ và quyết tâm của tuổi trẻ, K’Brooke đã chuyển 3 ha đất làm nông nghiệp truyền thống thành mô hình nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương. Đầu năm 2017, K’Brooke gom hết vốn liếng tích lũy và kêu gọi thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên để nuôi lợn đen tập trung.
Sau một thời gian chăm sóc, đàn lợn trong trang trại K’Brooke bắt đầu sinh sôi và tăng đàn. Hiện tại, với số lượng 45 con trong giai đoạn sinh sản, bình quân một năm sẽ sản sinh ít nhất trên 300 lợn con/hai lứa. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm khoảng là 450 triệu đồng, chưa trừ chi phí.
Nhờ sự chịu khó, cần cù mà giờ đây Brooke đã có trong tay mô hình nông nghiệp độc đáo nhất địa phương cho thu nhập cao. |
Ngoài chăn nuôi, K’Brooke còn thực hiện trồng cà phê dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả như mắc ca, cây bơ kết hợp các loại rau củ của người bản địa. Theo anh, việc canh tác này giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, tạo bóng mát cho cây cà phê. K’Brooke cho biết đó là cách canh tác theo hướng “thuận theo tự nhiên”, một quy trình khép kín, ít bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật và thân thiện với môi trường.
Anh tận dụng sự cộng sinh lẫn nhau giữa các loại cây để bảo vệ đất đai tốt nhất trước mọi tác động của môi trường, dùng phân lợn thải ra và vỏ cà phê có sẵn tại địa phương để bón cây. Để tận dụng cỏ trong vườn, anh còn nuôi thêm khoảng 30 con dê bán thịt.
K’Brooke giới thiệu các sản phẩm của trang trại tại Phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt. |
Hiện trang trại của K’Brooke đã có một số khách quen đặt hàng, chủ yếu là nhà hàng, khách sạn. Mục tiêu mà chàng trai K’Ho này hướng đến là nhân rộng mô hình cho các hộ quanh vùng để cùng sản xuất cà phê bền vững và chăn nuôi, trồng trọt sản phẩm đặc sản bản địa, nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân trong buôn làng.
K’Brooke tâm niệm. “Cuộc sống của buôn làng sẽ luôn dựa vào rừng. Chúng ta hãy tự trồng cây, tự cho đất đai của chúng ta trù phú, màu mỡ lên từng ngày. Một cuộc sống luôn đong đầy và no đủ là khi hệ sinh thái của buôn làng được hoàn thiện.”
Đôi bàn tay màu chàm của Vân
Cô gái quê Nam Định học ngành lâm nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, đi Israel 1 năm thực tập sau tốt nghiệp để nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vào Đà Lạt nửa năm sống thử rồi đột ngột sang Sa Pa. Họ hàng, bố mẹ sợ Vân trở thành "bom nổ chậm" nên luôn giục cô lấy chồng. Vân lúc đó chưa có mảnh tình vắt vai, lại vốn sợ sự ngột ngạt vùng đồng bằng nên vội vàng...đi trốn.
Như một đám mây bồng bềnh giữa núi rừng Cát Cát, Vân có đủ thời gian để làm điều mình thích. |
Khi đó, A Nủ - một chàng trai Sa Pa nổi tiếng với nghề làm tinh dầu từ hoa cỏ núi rừng tuyển tình nguyện viên và Vân hăm hở đi. Vân ở với gia đình Nủ 1 năm, túc tắc làm việc, đi rừng để tìm cây cỏ, về nhà lại lao vào làm thảo dược, muối tắm, xà bông, tinh dầu, trồng lúa trồng rau sống qua ngày... Ở đây, Vân học được nghề nhuộm chàm từ mẹ của Nủ và những người H'Mông khéo tay, tìm cách để trở thành một người nhuộm chàm thành thục.
Đôi bàn tay màu chàm xanh của Vân cũng huyền bí như cái cách cô sống ở Cát Cát. Vân hòa nhập vào cộng đồng nơi đây, lẫn với những người H'Mông giữ nghề truyền thống se đay nhuộm vải - nghề thủ công cổ xưa hàng nghìn năm.
Sự yêu thương, thấu hiểu và trân trọng nghề truyền thống đã dẫn lối đưa Vân từng bước trở thành cô chủ nhỏ của hai cửa hàng thời trang handmade 100% ở Sa Pa. |
Vân vất vả học 2 năm, đánh vật với sự bất đồng ngôn ngữ để hiểu tinh hoa nghề thủ công và văn hóa bản địa cả nghìn năm của những nghệ nhân dân gian ở Sa Pa, nhưng sẵn lòng dạy lại những người học nghề thời trang từ khắp nơi đến tìm hiểu và kết hợp với xu hướng thời trang họ đang theo đuổi mà chẳng màng đến học phí hay sợ mất nghề.
Cô chỉ buồn khi nhìn thấy những người có tiềm lực tài chính hơn bê nguyên xi ý tưởng của mình về, copy y hệt các sản phẩm cô đã phát triển, từ áo thun, sổ tay, mũ, váy…
Cô không quá bận rộn với công việc, không sợ hãi tương lai, không lo nghĩ quá nhiều hay tự đặt nặng áp lực kinh tế hoặc "sự nghiệp" tương lai. |
Sống trên núi, Vân vẫn thi thoảng làm workshop đón người đến học nhuộm chàm, viết câu chuyện của mình lên Facebook, cuối tuần đi chợ phiên ăn bắp ngô luộc hay bát phở gà, lượn lờ ngóc ngách xem thổ cẩm vải vóc, có khi mua về khúc vải dệt từ cây gai dầu hay cục sáp ong vàng óng thơm nức, về nhà đun nóng chảy sáp ong rồi ngồi vẽ và mang đi nhuộm chàm...
Ngày nào với cô cũng có thể là ngày nghỉ, ngày nào cũng đi du lịch được. |
Vì không có dự án, hợp đồng này kia đang làm dở và phải sắp xếp thời gian mới có thể đi chơi, cũng không có quá nhiều tiền để sợ bị mất, bị lừa, Vân cứ thong dong đi chơi bất cứ đâu, bất cứ khi nào mình thích.