'Vị đắng' của Trump và Biden

CHẤN HƯNG

Báo chí Pháp tuần qua đã dành nhiều bài viết trên trang nhất để bình luận về chính trường Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi với việc ông Trump đang tìm mọi cách để cản đường Joe Biden dù thất bại của đương kim tổng thống đang ngày càng rõ nét.

Ngoài ra, áp lực và chính sách sắp tới của tân chính quyền Mỹ cũng được truyền thông châu Âu hết sức quan tâm.

Donald Trump “chống đối đến cùng”

Trên trang nhất của tờ La Croix là bài viết “ Donald Trump tác oai tác quái”, với nhận định rằng hai tuần sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống sắp mãn nhiệm liên tục có các biện pháp gây khó khăn cho đối phương.

Một bài xã luận khác mang tựa đề “Vườn không nhà trống” nhấn mạnh rằng ông Trump hoàn toàn có quyền khiếu kiện ra tòa khi cho rằng cuộc bầu cử “có nhiều gian lận”. Tuy nhiên, tổng thống sắp mãn nhiệm đã chọn con đường đơn phương khẳng định ông mới là “người chiến thắng”, và “cự tuyệt đối thoại với ứng cử viên Dân chủ”.

Hơn nữa, ông Trump còn cách chức nhiều cộng sự của ông, trong đó có người phụ trách tổ chức việc bầu cử, chỉ vì nhân vật này tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua là “không thể chê trách”. Nhật báo Công giáo nhấn mạnh hành động của ông Trump cho thấy ông đang tấn công vào chính nền dân chủ Mỹ, khiến hàng triệu cử tri Mỹ mất lòng tin vào tính trung thực của cuộc bỏ phiếu.

Đại cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu để chính thức công nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử vào ngày 14/12. Đây là thời điểm chính thức xác nhận thất bại của Trump, trừ khi bằng cách nào ông có các đại cử tri ủng hộ được bổ nhiệm ở những bang Biden chiến thắng.
Đại cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu để chính thức công nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử vào ngày 14/12. Đây là thời điểm chính thức xác nhận thất bại của Trump, trừ khi bằng cách nào ông có các đại cử tri ủng hộ được bổ nhiệm ở những bang Biden chiến thắng.

Trước khi buộc phải chấp nhận thất bại, ông Donald Trump muốn “để lại sau mình một đống hoang tàn”, La Croix kết luận. Nhật báo Kinh tế Les Echos cũng cùng một ghi nhận rằng vào lúc thất bại “ngày một rõ nét”, tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ quyết định dùng mọi quyền lực trong tay để khiến cho việc chuyển giao quyền lực trở nên bội phần phức tạp.

Bài viết “Trump gây khó khăn cho cuộc chuyển giao quyền lực như thế nào?” của Les Echos khẳng định rằng đã hai tuần trôi qua sau Ngày bầu cử, không có bất cứ một phán quyết nào của tư pháp đứng về phía tổng thống sắp mãn nhiệm, trong khi đó các cuộc kiểm phiếu lại đều xác nhận các kết quả đã có.

Tuy nhiên, điều này không cản trở luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, ngày 18/11, một lần nữa lớn tiếng tuyên bố bên Dân chủ đã có một kế hoạch gian lận bầu cử quy mô lớn tại nhiều thành phố. Theo RFI, nỗ lực của Donald Trump ngăn chặn tiến trình chuyển giao quyền lực vẫn tiếp diễn dù hy vọng lật ngược kết quả bầu cử mất dần cùng với liên tiếp thất bại trong các vụ kiện gian lận bầu cử do nhóm của ông tiến hành.

Trưa 20/11, bang Georgia đã chính thức xác nhận kết quả bầu cử tại bang miền Nam này với chiến thắng cho Joe Biden, cách biệt 12.000 phiếu. Trước đó ông Brad Raffensperger, Thư ký của bang, người Cộng hòa, đã tuyên bố: “Các con số không nói dối… nó thể hiện phán quyết của nhân dân”.

Cùng ngày, Tổng thống Trump đã tiếp các lãnh đạo đảng Cộng hòa của bang Michigan nhằm thuyết phục các cơ quan lập pháp của bang do phe Cộng hòa nắm giữ tuyên bố ông Trump chiến thắng dù kết quả phiếu bầu vẫn nghiêng về phía ông Biden. Tuy nhiên sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, các nghị sĩ Cộng hòa ở Michigan tuyên bố “không có thông tin nào có thể thay đổi kết quả bầu cử ở Michigan” và “tiến trình xác nhận kết quả sẽ phải diễn ra mà không bị đe dọa, răn đe”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney thậm chí còn tố tổng thống gây “áp lực lộ liễu đối với các cơ quan quốc gia và địa phương” nhằm “lật ngược nguyện vọng của nhân dân”.  Trong tuần này, lần lượt các bang Michigan, Pennsylvania, sẽ phải chính thức xác nhận kết quả sau khi mà hầu hết các đơn kiện của ông Trump về gian lận bầu cử đều không được chấp nhận vì thiếu bằng chứng.

Ông Donald Trump vẫn tiếp tục níu giữ niềm tin mình chiến thắng và tố cáo gian lận. Mỗi ngày, ông vẫn tung lên Twitter thông tin về những vụ được cho là gian lận ồ ạt làm vấy bẩn cuộc bầu cử. Phần lớn các vụ khởi kiện của ê-kíp tranh cử của tổng thống đều đã thất bại vì thiếu bằng chứng hay nhân chứng khả tín.

Không thắng được trước tòa án, Donald Trump cố gây áp lực với các dân biểu địa phương. Cũng trong ngày 20/11, Tổng thống đã tiếp các quan chức đảng Cộng hòa của bang Michigan phụ trách việc xác nhận kết quả bầu cử ở bang. Phe Dân chủ đánh giá hành động trên là lạm dụng quyền lực.

Chiến thắng được dự báo của Cộng hòa tại Thượng viện có thể là “nụ hôn thần chết” của Donald Trump dành cho Biden.
Chiến thắng được dự báo của Cộng hòa tại Thượng viện có thể là “nụ hôn thần chết” của Donald Trump dành cho Biden.

Chiến thắng mang vị đắng cho Biden

Theo nhận định trên tạp chí L’Observateur trong bài viết “Chiến thắng đắng nghét ở Mỹ”, làn sóng xanh Dân chủ được cho là sẽ tràn ngập Florida hay Texas đã không diễn ra, chiến thắng sít sao của Joe Biden tại các bang dao động khiến người ta phải mỏi mòn chờ đợi kết quả chung cuộc.

Về phần Donald Trump, cứ ngỡ sẽ đại bại vì COVID-19, ông đã chống chọi mạnh mẽ hơn dự đoán. Một trong số những hậu quả tiềm tàng của điều này có thể là một Thượng viện vẫn do Cộng hòa kiểm soát. Cho dù ông Biden kêu gọi đoàn kết, sự phân cực chính trị vẫn bền bỉ. Hiện đang có hai nước Mỹ đối mặt với nhau, thù ghét nhau hơn bao giờ hết. 

Thành công của ông Donald Trump là đã gắn bó được những người da trắng thuộc giới bình dân với người giàu có, đây là liên minh trong mơ của các đảng cánh hữu trên thế giới. Được bầu lên nhờ tâm lý ghét Donald Trump thay vì chương trình hành động của mình, ông Joe Biden sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Chiến thắng được dự báo của Cộng hòa tại Thượng viện có thể là “nụ hôn thần chết” của Donald Trump dành cho người kế nhiệm.

Chính sách Trung Quốc của Joe Biden: Trump + Obama

Nhận định về chính sách Trung Quốc của ứng viên Dân chủ được truyền thông xác nhận sẽ tân tổng thống Mỹ, tuần báo Anh The Economist cho rằng đó sẽ là sự kết hợp giữa ông Trump và Obama. Hồi đầu chiến dịch tranh cử, Biden bác bỏ quan điểm rằng Trung Quốc rất đáng lo ngại.

Tháng 5/2019, ông chế giễu: “Trung Quốc sẽ xơi mất bữa trưa của chúng ta chăng? (…) Họ không phải là người xấu, sẽ không cạnh tranh với chúng ta”. Tuy nhiên, sau khi thấy Donald Trump thu hút được nhiều người ủng hộ nhờ nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc, Joe Biden mới thôi phát biểu như thế. 

Các đối thủ đả kích, cho rằng Biden ngây thơ trước Bắc Kinh. Ngay cả một số cố vấn của ông cũng lo lắng vì Biden vẫn khoe đã trải qua nhiều giờ với Tập Cận Bình khi còn là Phó tổng thống thời Obama. Trong khi vận động tranh cử, Biden thay đổi, gọi Tập Cận Bình là “côn đồ”, chỉ trích ông Trump vì đã khoan dung với ông Tập trong thời gian đầu dịch mới xuất hiện, và kết thúc chiến dịch với lời hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên ông chỉ gọi Bắc Kinh là “nước cạnh tranh lớn nhất”, chứ không coi là “mối đe dọa lớn nhất”.

The Economist cho rằng chính sách của Biden sẽ là một sự phối hợp: Nghi kỵ Bắc Kinh như ông Trump, và thận trọng trong các vấn đề chiến lược như Obama. Biden sẽ bị ràng buộc bởi một Quốc hội đã trở nên thù địch hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây, và với một Thượng viện do Cộng hòa nắm giữ, ông khó có thể bổ nhiệm những nhân vật quá thân thiết với Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ - Trung sẽ có nhiều thay đổi dưới thời của Joe Biden, song không hoàn toàn dễ thở đối với Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ có nhiều thay đổi dưới thời của Joe Biden, song không hoàn toàn dễ thở đối với Trung Quốc.

Thêm vào đó, trong bối cảnh suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc của dân Mỹ đã đạt đến mức độ lịch sử, dư luận cũng tác động nhiều đến chính sách của ông. Biden sẽ thừa hưởng cuộc chiến tranh thương mại. Tuy không thích dùng vũ khí thuế quan như Donald Trump nhưng cũng khó có việc Joe Biden nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh lên hàng Trung Quốc để gây áp lực trước mắt trong đàm phán thương mại và các vấn đề khác.

Ông cũng khó thể quay lại với TPP. Biden sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng tránh điều động các quan chức cao cấp đến hòn đảo này bởi các cố vấn của ông cho đó là một sự khiêu khích không cần thiết. Một số biện pháp cứng rắn được duy trì như bóp nghẹt Huawei, hạn chế các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc, gây áp lực trong lĩnh vực công nghệ cao…

Về mặt quân sự, chính quyền Biden tiếp tục củng cố Bộ Tứ, tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông và Eo biển Đài Loan, trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc là Mỹ sẽ hoạt động tích cực tại châu Á. 

Các biện pháp trừng phạt được Tổng thống Trump áp đặt xung quanh vấn đề nhân quyền, trong đó có Hong Kong, Tân Cương, được cho là sẽ giữ nguyên, tuy không còn những phát biểu nảy lửa như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr- những người đã gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa cho thế giới tự do.

Song song với đó, Biden có thể dỡ bỏ việc hạn chế cấp visa cho sinh viên Trung Quốc, không gọi SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán”, quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hợp tác với Bắc Kinh trong vấn đề môi trường… Các cố vấn khuyên Joe Biden nên đợi lâu hơn thường lệ trước khi nói chuyện điện thoại với Tập Cận Bình, không nghe lời ngon lẽ ngọt của ông Tập về một khuôn khổ mới trong mối quan hệ.

Tuần báo Anh kết luận rằng quan điểm về Trung Quốc của các nhân vật từng làm việc với Obama giờ đây đã xích lại gần hơn với các quan chức của Donald Trump.

(Nguồn: TTXVN)