COVID-19 đánh dấu sự khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ

TRẦN NGHỊ

Các nhà sử học sau này có thể ghi lại rằng đại dịch COVID-19 đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Khẩu chiến khiến căng thẳng gia tăng

Căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc không ngừng gia tăng, nay còn trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19 . Sự bùng phát virus Corona được cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Clete Willems đánh giá là khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nhận định với CNBC hôm thứ ba, Clete Willems cho rằng trên thực tế căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng đáng kể trong thời điểm hiện nay. Theo ông, có thể nhiều người không đồng tình với nhận định này, nhưng rõ ràng đây là khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới. Nếu không xử lý thỏa đáng những xung đột, mọi thứ có thể càng trở nên tồi tệ hơn.

Nổi bật trong số các vấn đề tranh chấp mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh là nguồn gốc của virus corona chủng mới. Cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lây nhiễm gần 3,7 triệu người và giết chết hơn 255.000 người tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của trang worldometers.

Đại dịch COVID-19 khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Ảnh: Financial Times
Đại dịch COVID-19 khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Ảnh: Financial Times

Vấn đề ở chỗ, virus này lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới. Cách mà Bắc Kinh xử lý ổ dịch đã làm gia tăng sự phẫn nộ trên toàn cầu. Mỹ cho rằng Trung Quốc không trung thực trong việc cung cấp thông tin về sự nguy hiểm của virus Corona chủng mới, phản ứng quá chậm, che giấu số liệu trường hợp nhiễm bệnh và tử vong.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông tin chính sai lầm của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra đại dịch toàn cầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tuyên bố “có bằng chứng đáng kể” chứng minh virus Corona có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Về phía Trung Quốc, nhiều nhà quan sát cho rằng chính phủ nước này đang áp dụng “Binh pháp Tôn Tử”, khi đang ra sức chuyển bại thành thắng. Bắc Kinh một mặt bác bỏ các tuyên bố đó, mặt khác cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách phao tin quân đội Mỹ có thể đã mang virus đến Vũ Hán.

Hôm thứ Hai, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho rằng cáo buộc của ông Pompeo là vô căn cứ. Đồng thời cho rằng ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng kích động tâm lý bài Trung nhằm giúp ông Donald Trump tái đắc cử. Tờ báo này còn cáo buộc chính quyền Trump cố gắng cản trở những nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19.

Quyền lực Mỹ bị thách thức là cội nguồn xung đột

Đề cập đến sự khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh mới không chỉ có bài viết của CNBC, mới đây báo Financial Times của Anh cũng có nhận định tương tự. Theo tác giả, các nhà sử học sau này có thể ghi lại rằng đại dịch COVID-19 đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngay cả trước khi virus Coronavirus xuất hiện, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng.

Nguồn gốc của căng thẳng là do Trung Quốc đã thách thức quyền lực của Mỹ ở Thái Bình Dương, thông qua việc xây dựng chuỗi các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã đáp trả bằng cách khởi động một cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc đã thách thức quyền lực quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã thách thức quyền lực quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hiện nay khi đại dịch Covid-19 tàn phá toàn cầu, với Mỹ chiếm hơn 1/4 số người thiệt mạng trên thế giới, ông Donald Trump ngày càng tỏ ra đối nghịch trước Trung Quốc. Tổng thống Mỹ không chỉ bênh vực giả thuyết virus Corona có nguồn gốc từ Viện Virus học ở Vũ Hán, ông còn đi xa hơn với  suy đoán nó có thể đã được sản xuất có chủ ý (vũ khí sinh học). Đây là nghi vấn mà chính cộng đồng tình báo của Mỹ đã loại trừ.

Còn về phía đối thủ, Trung Quốc tỏ ra “không phải dạng vừa”, khi góp phần rất lớn vào sự gia tăng căng thẳng. Triệu Lập Kiên, gười phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đưa ra ý kiến không có bằng chứng rằng virus Corona có nguồn gốc từ Mỹ. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng sự gây hấn vô lý với tất cả nguyên thủ các nước đề nghị có một cuộc điều tra quốc tế về những gì đã gây nên một thảm họa toàn cầu.

Chẳng hạn, khi thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc virus Corona, đại sứ Trung Quốc tại quốc gia này đã đe dọa rằng người tiêu dùng nước ông có thể tẩy chay hàng hóa từ xứ sở Kangaroo để trả đũa. 

Theo Financial Times, những nỗ lực nêu trên của Bắc Kinh phản tác dụng và đang thúc đẩy tâm lý bài Trung trên khắp thế giới. Nếu có cách tiếp cận tinh tế hơn để bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đồng ý một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus Corona. Một cuộc điều tra sẽ giúp xóa đi một phần mâu thuẫn giữa hai nước.

Tất nhiên, Bắc Kinh rất khó chấp nhận cuộc điều tra nào, vì sẽ bị những người theo chủ nghĩa dân tộc xem là sự sỉ nhục. Cũng có thể đúng là Trung Quốc có những bí mật tai hại cần che giấu? Chính cách hành xử của Trung Quốc đã khiến những mâu thuẫn, xung đột với Mỹ không giảm đi, mà còn có thể leo thang và trở nên nguy hiểm hơn. 

Mâu thuẫn cũ, nguy cơ mới

Trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại một loạt vấn đề nan giải và chứa đựng nguy cơ xung đột: từ vấn đề Đài Loan và Hồng Kông đến việc đánh cắp bí mật công nghệ và đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược.

Nhưng rủi ro hiện tại là Mỹ khó có thể thiết lập lại quan hệ hợp lý và nguyên tắc với Trung Quốc mà không tránh khỏi những điều nguy hiểm hơn. Bởi Trung Quốc bây giờ đã tự cho mình ngang hàng với Mỹ, không còn muốn ẩn mình chờ thời như trước nữa.

Trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại một loạt vấn đề nan giải và chứa đựng nguy cơ xung đột.
Trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại một loạt vấn đề nan giải và chứa đựng nguy cơ xung đột.

Một yếu tố không thể bỏ qua trong quan hệ Mỹ - Trung là tâm lý của bài ngoại của cả hai phía. Người gốc Hoa ở Mỹ đang bị kỳ thị nặng nề. Các nhà chính trị cấp cao của Mỹ, như thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, đang vận động để ngăn chặn sinh viên Trung Quốc theo học các lĩnh vực kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử tại các trường đại học Mỹ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, khuynh hướng dân tộc đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường học cách đây 30 năm, sau sự kiện Thiên An Môn. Chính sách giáo dục này đã tạo nên một thế hệ sẵn sàng gây hấn trước những lời cáo buộc của nước ngoài, đồng thời mong muốn thể hiện quyền lực của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình huống tệ nhất là tâm lý tiêu cực ở cả hai phía sẽ dẫn đến không chỉ cuộc chiến tranh lạnh, mà còn là một cuộc chiến nóng: Một cuộc xung đột vũ trang thực sự. Cả Mỹ và Trung Quốc cần phải rời khỏi con đường nguy hiểm đó. Bước đầu tiên là đồng ý với một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19, theo Financial Times.

Dữ liệu đang được cập nhật.