Quy trình sốt đất lặp lại và câu hỏi về sự bền vững

Môi trường thông tin này luôn là điều kiện lý tưởng cho giới đầu cơ hoạt động lôi kéo những nhà đầu tư mới với mong muốn lướt sóng. Đây cũng chính là lý do khiến các cơn sốt “ảo” với quy trình cũ mèm vẫn tồn tại hết năm này qua năm khác.

Tại các địa phương từng tạo nên cơn sốt hiện nay vẫn chưa thấy một dự án nào hình thành, nguyên nhân có thể là tổng mức đầu tư quá cao, trong đó phần lớn là chi phí giải phóng mặt bằng khiến dự án chưa tìm được phương án tài chính phù hợp. Những người ôm đất giá cao cuối cùng cũng toan tính về các phương án thoát hoàng và đôi khi cũng có những chiếc bẫy thông tin được giăng ra trong kế hoạch này.

Một chuyên gia về bất động sản cho rằng giá đất chịu tác động rất nhiều của giới đầu nậu, “cò” đất, đầu cơ đẩy giá, tạo ra giá ảo, phá hỏng sự phát triển bền vững của nhiều địa phương.

Nhìn lại những cơn sốt đất trước đây tại các địa phương như Phú Quốc, Cần Giờ, Củ Chi, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều có một kịch bản y hệt nhau. Bắt đầu từ một dự thảo, cuộc khảo sát, ý tưởng phát triển dự án tại đại phương và thông tin được lan truyền khắp mạng xã hội về cơ hội sinh lời trong tương lai.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm đều xuất hiện vài cơn sốt đất với quy trình và hệ lụy đều giống nhau. Thế nhưng, sốt “ảo” tồn tại, có nghĩa là sau những cơn sốt “ảo” có hàng loạt người sập bẫy, cũng có nhiều cá nhân thu lợi và rút đi. Vòng lặp này lại tiếp tục và chỉ một thời gian ngắn, những cơn sốt ảo khác lại tới.

Ngoài ra các cơn sốt đất thường kéo theo việc đầu tư theo hiệu ứng đám đông sẽ tạo ra xu hướng kỳ vọng ảo nếu kéo dài sẽ tạo nên sức ì cho nền kinh tế. Mặt khác, đã có một nhóm người đã giàu lên nhanh chóng nhờ lướt sóng trên cơn sốt đất. Tuy nhiên, điều này mang tính tương đối cục bộ và không mang lại giá trị thặng dư cho xã hội, từ đó kịch bản phồn vinh giả đang được hình thành ngày một rõ nét.

Bình Phước sau khi lên thành phố đang nắm trong tay nhiều tiềm năng và đứng trước ngưỡng chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mạnh. Tuy nhiên, so sánh với các địa phương lân cận TPHCM, tỉnh này vẫn còn nhiều bất lợi do mạng lưới giao thông, hạ tầng đô thị chưa hoàn thiện bằng; khoảng cách về TPHCM cũng xa...

Điểm nóng sốt đất mới nhất được ghi nhận tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) sau thông tin UBND tỉnh Bình Phước đã có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19-2 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ cho phép xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng).

Dù theo UBND huyện Hớn Quản, dự án làm sân bay Técníc mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sát thực địa nhưng như vậy là quá đủ để giới đầu nậu khơi lên một cơn sốt mở đầu cho năm nay.

Theo phản ánh của nhà đầu tư, trên tuyến đường từ thị xã Bình Long vào trung tâm xã Tân Lợi, An Khương... xuất hiện hàng chục điểm giao dịch ở lề đường, biển rao bán đất được giăng khắp mặt tiền.

Ô tô đậu kín hai bên đường kéo dài hàng trăm mét trước cổng Khu du lịch Thác số 4, địa điểm được cho ở gần sân bay Técníc Hớn Quản - khu vực vừa có thông tin được địa phương khảo sát đưa vào quy hoạch làm sân bay.

Theo một người dân xã An Khương, giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tuần qua được đẩy lên cao ngất ngưỡng, từ 60-70 triệu đồng trước Tết một mét ngang mặt tiền, nay tăng lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang, có nhiều nơi đến 600 triệu đồng.

Trong khi đó, giá đất rẫy điều, vườn cao su ở sâu bên trong rẻ hơn, trung bình một sào đất nông nghiệp được bán với giá từ 2 đến 3 tỉ đồng.

Kịch bản sốt đất này diễn ra hàng năm và không cần diễn giải để thấy được kết cục sau vài tuần, đầu nậu và cò đất đạt được mục đích và rời đi, người dân địa phương hụt hẫng, nhà đầu tư cuối cùng hoang mang… Đến khi chính quyền địa phương chấn chỉnh thì họ đã chính thức lún sâu vào cái bẫy tài chính của mình trước đó.

Nhìn lại những kịch bản na ná nhau xuyên qua các đợt sốt đất ảo thì câu hỏi về tính bền vững của thị trường trong bức tranh sáng - tối của quy hoạch lại được đặt ra.