Ứng phó thách thức thuế quan cần chính sách chủ động và tầm nhìn dài hạn
Trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu, các nền kinh tế toàn cầu – trong đó có Việt Nam – đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh, đây là "cú huých" không mong muốn nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội nếu chúng ta bình tĩnh đánh giá và có chiến lược ứng phó phù hợp.
Theo ông Thông, chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay có thể chia làm hai nhóm tác động rõ rệt. Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực, thường nằm trong các ngành có tính cạnh tranh cao với sản phẩm Mỹ như thiết bị điện tử, dệt may, đồ gỗ, giày da, thủy sản… Mục tiêu của Mỹ khi áp thuế là để thu hút dịch chuyển đầu tư trở lại nội địa, buộc các doanh nghiệp quốc tế phải mở nhà máy sản xuất tại Mỹ thay vì các nước khác.
Tuy nhiên, nhóm thứ hai lại có thể hưởng lợi, gồm các ngành mà Mỹ không thể tự sản xuất hoặc không có lợi thế cạnh tranh – điển hình như hạt điều, cà phê, dừa… Đây là những mặt hàng nông sản vùng nhiệt đới mà Mỹ buộc phải nhập khẩu.
Ví dụ, hồ tiêu của Brazil dù có sản lượng lớn vẫn bị áp thuế vì không được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Điều này cho thấy nếu Việt Nam biết phát huy lợi thế sản phẩm đặc thù, có chất lượng tốt và khó thay thế, sẽ mở ra dư địa thị trường lớn.
![]() |
Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh (bìa trái) và đối tác của doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, chính sách thuế quan của Mỹ hiện vẫn đang trong giai đoạn lắng nghe ý kiến, chưa có danh sách miễn trừ cụ thể. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam không thể đơn phương hành động mà cần tiếng nói từ cả cấp chính sách. Theo ông Thông, tổ chức có thể đàm phán lúc này chính là Chính phủ Việt Nam. Song song đó, doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tại Mỹ để đưa ra phân tích, phản biện hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích đôi bên.
Một yếu tố khác là thâm hụt thương mại – nguyên nhân khiến Mỹ “siết” thuế với Việt Nam. Đáng chú ý, phần lớn hàng hóa tạo ra thâm hụt lại đến từ khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này đặt ra yêu cầu cần xác lập rõ hơn vai trò và vị trí của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân đánh thức thị trường nội địa bứt phá
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế từ năm 2025. Đây là lần đầu tiên tầm nhìn chiến lược như vậy được khẳng định rõ ràng từ cấp lãnh đạo cao nhất. Trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng, việc hiện thực hóa tầm nhìn này bằng các chính sách cụ thể, sâu sát, hỗ trợ thực chất là yêu cầu cấp thiết.
Sự hỗ trợ ấy không chỉ dừng ở việc lắng nghe, mà cần là sự trao niềm tin toàn diện, chủ động gỡ khó, giúp doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – vươn lên và lớn mạnh. Kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu cho thấy, nội lực khu vực tư nhân chỉ có thể phát triển mạnh nếu được khuyến khích, hỗ trợ bài bản và kiên trì.
Một trong những giải pháp thiết thực mà ông Thông đề xuất là xây dựng một sàn giao dịch hàng hóa quy mô quốc tế tại trung tâm tài chính quốc tế. Việt Nam có lợi thế lớn về các mặt hàng nông sản, gia vị… nhưng hiện các sàn giao dịch hàng hóa vẫn còn quy mô nhỏ. Trong khi đó, Ấn Độ đã thành công trong việc xây dựng sàn giao dịch hàng hóa thu hút dòng vốn toàn cầu. Singapore dù có tham vọng với hồ tiêu và điều nhưng vẫn thất bại.
Nếu Việt Nam làm được, sàn giao dịch này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ bán hàng cho một thị trường, mà có thể điều tiết dòng chảy hàng hóa toàn cầu – từ đó giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp tài chính, trung gian, sản xuất – xuất nhập khẩu cũng sẽ hưởng lợi. “Không có chính sách nào là ‘liều thuốc tiên’ nhưng sàn giao dịch hàng hóa sẽ là cái ‘túi thần kỳ’ giúp doanh nghiệp chủ động hơn”, ông Thông nói.
Ngoài ra, các chính sách tài chính cho SME cần rõ ràng và dễ tiếp cận, bao gồm tín dụng ưu đãi thực chất, giảm thuế TNDN, miễn giảm thuê đất, hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy ESG... Ông Thông chia sẻ, Phúc Sinh đã nhận được gần 1.000 tỷ đồng từ ngân hàng quốc tế và các quỹ, trong đó có khoản không hoàn lại – để phát triển nông nghiệp bền vững. Mới đây, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan tài trợ 15 triệu USD cho Phúc Sinh, với nhận định: “Biến động thuế quan không đáng lo bằng biến đổi khí hậu” – một cảnh báo dài hạn cho doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách.
Từ thực tiễn đó, ông Thông nhấn mạnh: Chính sách hỗ trợ cần thiết nhưng phải thiết thực, dễ tiếp cận và tránh gây hệ lụy pháp lý như một số trường hợp kiểm toán doanh nghiệp từng gặp phải sau khi được ưu đãi. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp cũng phải có nỗ lực tự thân.
Việt Nam hiện có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh – con số thực tế có thể còn lớn hơn. Đã đến lúc tư duy và kỳ vọng của Nhà nước dành cho khu vực tư nhân cần được hiện thực hóa bằng những quyết sách có tầm vóc tương xứng – để không chỉ vượt sóng gió quốc tế mà còn vững vàng trên chính “sân nhà” 100 triệu dân.
Doanh nghiệp dịch vụ chú trọng xây dựng nền tảng công nghệ
Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp dịch vụ đang đứng trước áp lực không ngừng đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh.