Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

TẤT ĐẠT

29 tuổi, Nguyễn Văn Thiên Vũ đang điều hành doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ drone tại Việt Nam, hợp tác cùng Hoàng Anh Gia Lai, Bayers, ADC, Lộc Trời,…
Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Trong vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), đội ngũ của Nguyễn Văn Thiên Vũ là đơn vị duy nhất sử dụng thiết bị bay không người lái ( drone ) để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Chàng trai chưa tròn 30 tuổi này còn được biết đến là một trong những người tiên phong về công nghệ drone ở Việt Nam. Thiên Vũ hiện là nhà đồng sáng lập và CEO của Công ty Cổ phần Thiết bị bay AgriDrone , Công ty Cổ phần Thiết bị bay IFlight Việt Nam và nhiều công ty khác hoạt động trong lĩnh vực này.

Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Anh hãy thuật lại quá trình tham gia cứu nạn ở Rào Trăng 3. Vì sao anh tham gia cứu nạn?

Thời điểm vụ sạt lở ở Rào Trăng 3 diễn ra, chúng tôi nhận được lời mời của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Huế là quê hương của tôi nên khi nhận được tin, tôi liên hệ ngay hai anh em ở TP.HCM và Hà Nội để tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân.

Drone đã giúp gì trong việc tìm kiếm cứu nạn?

Tại đây, chúng tôi sử dụng hai drone có gắn camera phóng to đến 200 lần và camera tầm nhiệt để tìm kiếm nạn nhân. Trước tiên, drone sẽ bay vòng quanh khu vực để vẽ bản đồ toàn bộ dự án Rào Trăng 3 ở thời điểm đó. Nhờ đó mà lực lượng chức năng có thể hình dung rõ hiện trạng bên trong khu sạt lỡ, tìm được đường tiếp cận phù hợp.

Lúc bấy giờ, đường vào thuỷ điện còn chưa thông tuyến, không thể di chuyển bằng đường bộ. Chúng tôi cùng lực lượng chức năng phải di chuyển bằng ca nô. Cùng lúc, thuỷ điện vẫn đang phải xả nước, mỗi ngày chỉ có hai lần đóng đập, chúng tôi phải canh thời gian để đi ca nô vào gần khu vực sạt lở mới có thể điều khiển drone. Nghĩ lại, tôi cũng cảm thấy lúc đó rất nguy hiểm nhưng ở thời điểm đó, việc giúp đỡ tìm kiếm nạn nhân mới là quan trọng.

Đội điều khiển drone của Thiên Vũ cùng lực lượng chức năng di chuyển ca nô để tiến sát khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Thành Luận
Đội điều khiển drone của Thiên Vũ cùng lực lượng chức năng di chuyển ca nô để tiến sát khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Thành Luận

Trước đây, anh đã từng ứng dụng drone trong việc tìm kiếm cứu nạn chưa? Lần này, anh rút ra được bài học gì?

Trước đây, chúng tôi cũng đã ứng dụng drone vào công tác tìm kiếm cứu nạn. Đơn vị chúng tôi cũng phối hợp với nhiều lực lượng trong việc này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên drone được sử dụng trong trường hợp thực tế với yêu cầu cấp bách và điều kiện sử dụng khó khăn, thời tiết không suôn sẻ.

Nhưng qua lần cứu nạn này, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng drone. Tiềm năng của drone trong việc tìm kiếm cứu nạn thật sự rất lớn. Với những khu vực bị cô lập, nhân lực chưa thể tiếp cận, drone là sự lựa chọn hợp lý, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với trực thăng.

Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Thành lập khá nhiều công ty, anh có thể nói thêm về hệ sinh thái drone của mình không? Các công ty phụ trách lĩnh vực nào, bổ trợ nhau ra sao?

Về hệ sinh thái drone, chúng tôi đang phân thành hai lĩnh vực chính: nông nghiệp và công nghiệp. Ở nông nghiệp, chúng tôi có AgriDrone, ngoài các drone sử dụng cho trồng trọt còn có drone chuyên dụng cho canh tác rừng. Trong công nghiệp, chúng tôi có nhiều công ty khác nhau hoạt động riêng lẻ từng mảng như năng lượng, đô thị thông minh, điện lưới, giám sát công trình, trắc địa,… Các công ty phụ trách từng mảng, hoạt động theo dạng modun.

Việc tách thành nhiều công ty đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế. Tôi có thể kiểm soát được từng modun, biết được modun nào hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Có những modun mang đến giá trị kinh tế, có những modun lại đem về giá trị thương hiệu, uy tín… Việc tách ra như thế giúp tôi có thể điều chỉnh và cân đối tốt hơn. Do chúng tôi đã dẫn đầu thị trường nên phải tham gia rất nhiều lĩnh vực có liên quan đến drone. Theo đó, chúng tôi mới có thể duy trì được vị thế trên.

Mở nhiều doanh nghiệp như thế, anh phải chịu lỗ trong thời gian bao lâu?

Chúng tôi kinh doanh với tâm thế đợi lỗ. Vì theo mô hình modun nên chúng tôi sẵn sàng tâm thế để biết được đâu là modun làm tốt, đâu là modun hoạt động chưa hiệu quả hay thua lỗ. Tuy nhiên, thật may là thời gian lỗ chung của toàn hệ thống chỉ kéo dài trong vài tháng đầu.

Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Cơ duyên nào đưa doanh nghiệp của anh hợp tác với nhiều “ông lớn” ngành nông nghiệp? Các thương vụ trên giúp ích ra sao cho AgriDone?

Lý do trước hết là nhờ vị trí tiên phong của AgriDrone. Khi chúng tôi xuất hiện trên thị trường đã tạo nên “cơn địa chấn”. Ban đầu các “ông lớn” cũng rất nghi ngờ về khả năng của AgriDrone vì trước đó cũng có không ít công ty hay tập đoàn nông nghiệp lớn đã ứng dụng drone nhưng không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tốc độ phát triển của AgriDrone và xu thế ứng dụng drone vào nông nghiệp hiện nay, họ đã có cái nhìn khác.

Xu hướng là thế nhưng các công ty, tập đoàn nông nghiệp hay thuốc bảo vệ thực vật lớn luôn tìm kiếm một đơn vị có đủ năng lực và công nghệ để đồng hành cùng họ. AgriDrone đáp ứng được điều này nên liên tiếp trở thành đối tác của Hoàng Anh Gia Lai , Bayers , ADC , Lộc Trời ,…

Việc hợp tác với các “ông lớn” như trên giúp ích rất nhiều cho tôi. Bản thân tôi là một người thuần về kỹ thuật, không biết gì về nông nghiệp. Khi tôi muốn đưa drone vào nông nghiệp, tôi cần đồng hành cùng các tập đoàn lớn vì họ đã có nền tảng từ rất lâu. Uy tín của các tên tuổi này sẽ tiếp cận nông dân tốt hơn so với AgriDrone. Từ đó, giá trị về marketing, giá trị lan toả hay việc ứng dụng rộng rãi được đẩy lên rất nhiều. Nhờ thế mà việc áp dụng drone vào nông nghiệp mới có thể bùng nổ như thời điểm hiện tại.

Trước đây, bản thân tôi cũng đã làm việc với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia nên khi bắt tay với những doanh nghiệp này, đôi bên hợp tác rất dễ dàng. Nhưng áp lực khi đi cùng các “ông lớn” là điều chắc chắn có. Làm cùng họ, chúng tôi phải luôn đảm bảo sự chuyên nghiệp. Nhưng càng thấy áp lực, chúng tôi càng có được nhiều cơ hội và thử thách. Vượt qua được những thử thách đó sẽ giúp AgriDrone trưởng thành hơn.

AgriDone xác định đâu là khách hàng trọng yếu, doanh nghiệp lớn hay người nông dân?

Để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường, chúng tôi xác định sẽ phục vụ cho toàn bộ khách hàng gồm cả doanh nghiệp lớn và bà con nông dân. Nhưng nông dân sẽ là đối tượng khách hàng chính của AgriDrone.

Khoảng 2 năm trước, chúng tôi rất cực khổ trong những lần đầu tiếp cận với nông dân. Công nghệ mới khi áp dụng trong đời sống đã khó, áp dụng với những người nông dân lại khó hơn. Chưa kể, vào thời điểm đó, công nghệ này đem lại cảm giác quá khác biệt với họ. Việc phun thuốc bằng drone tiết kiệm nước và thuốc đến 90% khiến nhiều nông dân nghi ngờ. Khi đi hội thảo giới thiệu, hầu như 100% bà con đều cảm thấy công nghệ này rất kỳ quái.

Lúc bấy giờ, chúng tôi quyết định sẽ phải thử nghiệm thực tế cho người nông dân nhìn thấy. Đến nay, AgriDrone đã có mặt trên 20 tỉnh như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Huế… Tại đây, người nông dân đã hiểu và công nhận công nghệ của chúng tôi. Hiện ở những vùng trọng điểm chúng tôi áp dụng, có đến 60% bà con đặt lịch đội bay đến phun thuốc. 

AgriDrone đang phục vụ người nông dân theo 2 hình thức: mua drone hoặc thuê đội bay. Với những hộ canh tác gia đình, chi phí mua một bộ drone vào khoảng 100-150 triệu đồng. Hiện tại, chi phí trên đã được giảm rất nhiều so với mức 500 triệu đồng/bộ trước đây. Với dịch vụ thuê đội bay, mức giá chúng tôi đang áp dụng là khoảng 16.000-20.000 đồng/công đất. Với mức giá trên, việc sử dụng drone có thể tiết kiệm hơn so với thuê nhân công xịt thuốc. Trong 6-12 tháng tới, AgriDrone sẽ cố gắng tinh giảm chi phí xuống thêm 30%.

Tỷ lệ các sản phẩm AgriDrone tự sản xuất và các sản phẩm phân phối hiện nay ra sao?

Trước đây, chúng tôi có những sản phẩm tự sản xuất dựa trên đơn đặt hàng. Hiện tại, phần lớn chúng tôi chỉ phân phối sản phẩm từ nước ngoài, trong đó có hãng drone lớn nhất thế giới về thương mại - DJI. Chúng tôi nhập về và chỉnh sửa lại đôi chút để sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam dù đã dần hoàn thiện nhưng vẫn còn mỏng, một số linh kiện còn thiếu rất nhiều và phải nhập khẩu như pin, mô-tơ, cánh quạt,… Do đó, việc tự sản xuất drone trong nước sẽ bị đội giá thành lên rất nhiều.

Thức tế, Việt Nam có rất nhiều kỹ sư đã làm chủ công nghệ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có drone. Ngay cả ở hãng DJI hay các hội thảo quốc tế, cũng có rất nhiều kỹ sư người Việt. Vấn đề chung duy nhất mà các anh em gặp phải là việc gia công và thương mại trong nước còn hạn chế. Nhưng hiện tại, Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều công ty gia công, sản xuất linh kiện. Đó sẽ là động lực để có được những sản phẩm tự sản xuất trong nước chất lượng.

Việc tự sản xuất drone là xu hướng tất yếu. Dự kiến trong năm 2021, chúng tôi sẽ có một nhà máy sản xuất drone. Trước mắt, chúng tôi sẽ tham gia lắp ráp. Về sau, nhà máy sẽ tiến đến việc tự sản xuất toàn bộ. Lúc đó, chúng tôi có thể giảm chi phí rất nhiều, có thể lên đến 50% so với hiện tại.

Tháng trước, AgriDrone có đăng tin tuyển dụng 500 phi công nông nghiệp. Nhu cầu về lao động trong nghề thật sự đang ở mức nào?

Nhu cầu lao động ở thị trường phi công nông nghiệp rất lớn. Riêng đơn vị chúng tôi, mỗi năm cần đến 4.000 phi công. Chúng tôi nhận thấy, khâu tuyển dụng cũng đã thu hút không ít bạn trẻ vì đây là một nghề thú vị. Tuy vậy, để làm được nghề này, chúng tôi cần những bạn yêu nông nghiệp. Dù công nghệ đảm nhiệm phần chính nhưng vẫn cần người điều khiển máy bay thức khuya, dậy sớm hay đội nắng như người nông dân.

Thực tế, ở vùng nông thôn Việt Nam hiện nay đang “hiếm” thanh niên. Làm nông, ngay cả ở những vùng trồng lúa lớn, phần lớn là người cao tuổi. Khi về những huyện miền Tây để triển khai drone, chúng tôi rất khó để tìm được lao động trẻ tuổi. AgriDrone muốn nhân rộng dịch vụ của mình để kéo người trẻ về với nông nghiệp, về với quê hương của mình nhiều hơn.

Việc phát triển kinh doanh tại Campuchia, Lào và Thái Lan của anh đang tiến triển ra sao? So với Việt Nam, thị trường nước bạn có gì khác?

Chúng tôi có mặt tại thị trường nước ngoài, trước hết là để phục vụ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phục vụ cho một số công ty địa phương canh tác về cao su, điều,… 

Khi có mặt tại một số nước, chúng tôi nhận ra, ở Đông Nam Á, thị trường Việt Nam có quy mô và tiềm năng số 1. Ở những nước kể trên, chúng tôi có mặt, hỗ trợ và phục vụ khi có nhu cầu. AgriDrone dồn toàn tâm, toàn lực để phát triển thị trường Việt Nam, đặc biệt là miền Tây.

Thị trường drone toàn cầu ước tính đạt 127 tỷ USD vào năm 2020, riêng tại Việt Nam đang vào thời điểm bùng nổ. Ảnh: FMC APAC
Thị trường drone toàn cầu ước tính đạt 127 tỷ USD vào năm 2020, riêng tại Việt Nam đang vào thời điểm bùng nổ. Ảnh: FMC APAC

Anh nhận định thị trường Việt Nam sẽ phát triển ra sao? Đội ngũ của anh chuẩn bị gì cho kịch bản đó?

Khoảng 2 năm đổ lại đây, thị trường drone ở Việt Nam thật sự bùng nổ, cao trào là cuối năm nay. Chúng tôi cũng nhận tham vấn cho không ít công ty bắt đầu nhảy vào nghiên cứu và phát triển drone. Theo tôi, khoảng 6-10 năm nữa thì thị trường drone vẫn giữ được sức nóng.

Chuẩn bị cho kịch bản trên, chúng tôi hướng đến đẩy mạnh cung cấp dịch vụ. Bên cạnh việc tự sản xuất, chúng tôi sẽ phát triển các trung tâm bảo trì - bảo dưỡng và đào tạo về drone để nhân rộng độ phủ và tầm ảnh hưởng. Đây là hướng đi giúp chúng tôi tận dụng thế mạnh của đội ngũ là về công nghệ.

Trước mắt, chúng tôi đã phối hợp với Đại học Bách Khoa - ĐHQG-HCM để thành lập Học viện drone. Ở đây, chúng tôi sẽ đào tạo và chuyển giao công nghệ, hướng đến phổ cập drone đến nhân lực trẻ. Đây là hướng vừa giúp nhân rộng độ phủ của drone vừa giúp nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực để phát triển lâu dài.

Quy mô còn rất rộng, nhưng đâu là điểm trở ngại trong thị trường drone?

Thị trường rộng là thế nhưng trở ngại chắc chắn vẫn có. Trở ngại lớn nhất trong ngành chính là việc quản lý. Chúng tôi phải quản lý chặt chẽ người dùng vì drone với tác vụ bay có thể gây nguy hại về nhiều mặt. Có như thế mới tránh được tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng để quản lý drone lại là việc không hề dễ dàng. Hiện tại, chúng tôi cũng bắt tay vào xây dựng các hệ thống giúp cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát dễ dàng hơn.

Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Nhìn lại những lần đổ vỡ trong khởi nghiệp trước đây, anh có nghĩ nguyên nhân là do “thời thế kỵ người tài”?

Làm gì cũng vậy, mình cần phải “đúng người và đúng thời điểm”. Giai đoạn 2015, tôi và các cộng sự đã sản xuất thành công drone trong nông nghiệp nhưng không ai chấp nhận được việc này. Làm sản phẩm cho bản thân chứ không phải cho người dùng là một lỗi rất phổ biến ở các nhà khoa học và những người mới khởi nghiệp. Chúng ta không biết nhu cầu của người dùng đang ở đâu, họ thật sự cần gì nên khi đưa sản phẩm ra thị trường phải nhận về những trái đắng. Đó là việc tất yếu!

Trước đây, tôi chỉ làm trong phòng thí nghiệm. Cứ thấy có thứ gì hay mà mình làm được thì cứ thực hiện mà không hề tham khảo thị trường. Tôi cứ nghĩ: “Ta đây vô địch thế giới rồi!”. Vì thế, thất bại là chuyện đương nhiên.

Khi đó tôi buồn lắm! Đó là thời điểm tôi hụt hẫng nhất. Vì thời trẻ mà, đã làm thì dồn mọi tâm huyết và sức lực. Chúng tôi làm say xưa, có khi thức đến 5 giờ sáng. Nhờ lại, lúc còn một tháng trước khi tung sản phẩm ra thị trường, chúng tôi cứ làm việc với cường độ như thế liên tục.

Khát vọng 'chinh phục bầu trời' để giúp người nông dân của chàng trai 9X

Khởi nghiệp, thất bại rồi lại khởi nghiệp, vì sao anh kiên trì với drone đến thế?

Tôi chỉ biết đó là cơ duyên của Thiên Vũ và drone. Ngày xưa tôi có xem phim Ba chàng ngốc và thấy máy bay rất thú vị, tôi muốn nghiên cứu. Và rồi drone rất hấp dẫn với tôi!

Lần đầu tiên thất bại, tôi cảm thấy ê chề lắm! Tôi đi tìm một công việc khác để làm. Nhưng làm được khoảng 6 tháng, tôi chán. Tôi cứ cảm thấy tự trong bản thân thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó khác đi. Rồi tôi cũng làm thêm việc này, việc nọ. Nhưng rồi tôi ngồi lại suy nghĩ: Những thế mạnh của bản thân là thế, mình không khai thác mà lại đi làm những việc nhiều người khác có thể làm, thậm chí tốt hơn cả mình. Tôi tự hỏi: Mình là một trong những người đi đầu về máy bay không người lái, tại sao mình lại không tập trung vào thế mạnh của bản thân?

Tôi luôn trăn trở sau khi thất bại và luôn tìm kiếm một người đồng hành cùng mình để trở lại với drone. Lúc đó, tôi gặp được một nhà đầu tư. Vị này cũng đang trăn trở làm sao để đưa drone về Việt Nam. Cả hai cùng trao đổi và nhận thấy định hướng rất hợp nhau. Thế là hai anh em hợp tác.

Ở tuổi đầu đôi mươi, anh bán cả tài sản cá nhân cho sự nghiệp, động lực nào để anh làm việc này?

Tôi là một người khá liều lĩnh. Làm việc ảnh hưởng đến người khác, tôi sẽ cân nhắc. Nhưng khi làm việc chỉ liên quan đến bản thân mình thôi, tôi có máu liều.

Lúc đó, tôi vẫn làm freelancer và dành thời gian nghiên cứu thêm về hệ sinh thái drone hiện tại. Cha mẹ không rõ về việc này nên liên tục khuyên tôi nên về công ty này, về chỗ kia làm việc. Thời gian đó tôi bị áp lực từ phía gia đình và cả gia đình bạn gái nên tự khăn gói ra Hà Nội làm việc, một phần là để gần hơn với nhà đầu tư.

Thời điểm đó kinh tế của tôi rất khó khăn. Thế là tôi bán dần tài sản của mình, tôi bán một số tài sản tích luỹ trước đây, tôi bán điện thoại cá nhân, bán cả chiếc flycam hay được tôi sử dụng khi đi du lịch. Cuối cùng, trên tay tôi chỉ còn lại một chiếc laptop để làm việc. Nhà đầu tư của tôi lúc đó nói vui rằng: Giờ thằng Vũ đã ra tới Hà Nội, trên tay nó còn mỗi chiếc laptop, nếu mà để nó bán luôn laptop thì mất mặt lắm!

Được một thời gian, tôi Nam tiến. Nhà đầu tư giao cho tôi hai thứ: một chiếc flycam cũ và một chiếc xe hơi cũng khá cũ. Anh ấy nói: Đây là hai tài sản mà lúc trước anh khởi nghiệp và mang lại tiếng vang cho anh, giờ anh trao lại cho Vũ để Vũ vào miền Nam “làm cách mạng”!

Giờ đây ngồi nghĩ lại, tôi cảm thấy mình vẫn may mắn. Ít nhất tôi vẫn còn chiếc laptop để làm việc cơ mà!

Thiên Vũ từng thất bại khi khởi nghiệm ngay từ những năm 2012, điều này để lại cho anh nhiều bài học lớn. Ảnh: Thành Luận
Thiên Vũ từng thất bại khi khởi nghiệm ngay từ những năm 2012, điều này để lại cho anh nhiều bài học lớn. Ảnh: Thành Luận

Hiện tại, không ít startup rất ngại sự tham gia của nhà đầu tư. Họ sợ áp lực tâm lý, sợ mất quyền điều hành và sợ bị “nuốt chửng”. Anh có sợ những việc này không?

Về những điều kể trên, tôi cũng từng suy nghĩ tới nhưng không quá nhiều. Tôi sống và làm việc dựa trên tư tưởng: Mình nhìn vào những gì mình nhận được, đừng nhìn vào những thứ người khác có.

Khi còn trẻ, tôi vẫn hay so đo, tại sao cùng làm việc mà người ta được nhiều, mình lại được ít vậy. Nhưng đến lúc này, tôi tự cảm thấy điều đó vô nghĩa. Tôi chỉ biết làm việc hăng say, làm sao để doanh nghiệp của mình tốt nhất, tối ưu nhất về hiệu quả. Tôi ít quan tâm về chuyện cổ phần hay phân chia tài sản. Làm được bao nhiêu, tôi lại cho tái đầu tư. Đó cũng là quan điểm giao nhau giữa tôi và nhà đầu tư.

Trong việc điều hành doanh nghiệp, quyết định đều do tôi hết. Nhà đầu tư chỉ ở vai trò tham vấn. Anh ấy sẽ đứng ra cho tôi lời khuyên khi gặp vấn đề nhưng tôi sẽ dùng chính kiến của mình để xử lý. Tôi không gặp áp lực về việc điều hành. Áp lực duy nhất với tôi là nhà đầu tư đã bỏ tiền ra quá nhiều, bản thân phải làm sao kiếm được lợi nhuận xứng đáng.

Nhìn lại hành trình gần 10 năm qua, anh thấy Thiên Vũ hiện nay khác gì so với Thiên Vũ của những năm tập tành khởi nghiệp?

Tôi đã thay đổi rất nhiều. 9-10 năm trước, vấn đề cơm áo gạo tiền đè nặng tôi nhiều lắm. Tôi bị hai suy nghĩ thôi thúc bản thân: thu nhập của mình so với bạn bè đã ổn chưa và kiến thức của mình đã hơn người ta chưa. Tuổi trẻ nên chỉ biết hơn thua. Nhưng giờ đây tôi đã có suy nghĩ khác. Tôi âm thầm làm việc và hoàn thiện bản thân. Tư duy tôi cởi mở nhiều hơn trước.

Về con đường sự nghiệp, tôi thay đổi gần như 180 độ. Ngày xưa tôi thật sự không biết kinh doanh là gì cả. Qua nhiều năm, tôi được làm việc ở nhiều nơi, nhiều mảng và tích luỹ được nhiều kiến thức, kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực từ bán hàng, tiếp thị đến nghiên cứu, quản lý,…

Đến thời điểm hiện tại, với những gì mình đạt được, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi tự hào vì đã đồng hành cùng hầu hết các công ty và tập đoàn lớn về nông nghiệp của Việt Nam. Trong ngành drone, giờ đây ai cũng biết đến chúng tôi. Nhưng mục tiêu của chúng tôi sẽ còn lớn hơn nữa.

Cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn của chúng tôi!

Nguyễn Văn Thiên Vũ chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp với người trẻ.

Một báo cáo mới phát hành từ BI Intelligence cho thấy, nhu cầu về drone thương mại đang tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo báo cáo, doanh thu bán drone sẽ từ 8 tỷ USD trong năm 2017 tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2021. Quy mô thị trường drone dân dụng sẽ tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm tới nhờ cạnh tranh mạnh về giá và công nghệ mới giúp người dùng ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn, sử dụng dễ hơn.

Trong đó, dịch vụ drone toàn cầu ước tính đạt 127 tỷ USD vào năm 2020. Lớn nhất là các mảng như hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ,… Ở Mỹ hay Trung Quốc, số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực máy bay không người lái lên tới hàng trăm, hàng nghìn đơn vị.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thị trường nông nghiệp bằng công nghệ của MarketsandMarkets, quy mô sản phẩm AI trong nông nghiệp ước tính đạt 1 tỷ USD năm nay và dự kiến tốc độ tăng lũy kế 25,5% từ 2020 đến 2026. Riêng thị trường thiết bị phân tích bằng drone dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất do được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và lập bản đồ nhằm đánh giá tình trạng cây trồng cũng như đưa ra quyết định xử lý theo thời gian thực.

Các chính phủ tạo thuận lợi cho việc sử dụng drone trong nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường phân tích bằng drone. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của các chủ trang trại về những lợi thế liên quan đến công nghệ AI dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy AI trong thị trường nông nghiệp phát triển.