Vào những năm 1970, khi công chúng bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho đại dương và những sinh vật ẩn mình dưới lòng biển, tiến sĩ Mary Elizabeth Livingston đã tốt nghiệp với tấm bằng Động vật và hải dương học trước khi tiếp tục nghiên cứu tiến sĩ tại New Zealand về cá bơn.
Dù cánh cửa sự nghiệp trong ngành khoa học biển khi đó ngày càng rộng mở, nhưng với phụ nữ, việc bước chân vào lĩnh vực này vẫn là một thách thức lớn. Thế nhưng, bà Livingston vẫn kiên trì theo đuổi đam mê để giờ đây, bà có thể tự hào nhìn lại sự nghiệp kéo dài hơn 4 thập kỷ của mình.
![]() |
Bà Livingston và con tàu RV Tangaroa trước khi lên đường tới Nam Cực, năm 2006. |
Trong bài báo trên tạp chí Frontiers in Ocean Sustainability, nữ khoa học gia đã kể lại những thăng trầm trong sự nghiệp, chia sẻ về sự chuyển mình của lĩnh vực khoa học này và cả những giá trị vĩnh cửu trong hành trình gắn bó với biển.
"Trong bài viết “Mối tình với biển cả” của tôi, tôi đã kể về tình yêu đại dương ngay từ khi bản thân còn rất nhỏ, và chính tình yêu ấy đã dẫn lối tôi qua những năm tháng tuổi trẻ, đến giảng đường đại học, và cuối cùng đưa tôi trở thành một nhà khoa học thủy sản trong suốt 40 năm.
Những thay đổi chính trị về cách phụ nữ được nhìn nhận trong môi trường làm việc đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi, và tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có cơ hội được làm một công việc đưa tôi đến nhiều nơi trên thế giới, đồng thời cho tôi một cách ý nghĩa để góp phần vào sự thịnh vượng của con người và hệ sinh thái", nữ tiến sĩ chia sẻ.
Vốn là người Anh, nhưng vào năm 1976, bà Livingston đã chuyển đến New Zealand để học sau đại học. Từ đó, bà đã quyết định ở lại mảnh đất xa xôi này của hành tinh và chính thức nghỉ hưu vào năm 2022. Thế nhưng, tình yêu của bà dành cho biển cả vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn nồng nàn hơn bao giờ hết. Ngày nay, người ta vẫn thường thấy bà ở bờ biển phía Nam Wellington, tay cầm máy ảnh, say sưa ghi lại từng khoảnh khắc, từng cảm xúc và sự thất thường của biển ở eo biển Cook.
Vượt qua rào cản
Tiến sĩ Livingston tin rằng, những áp lực đối với phụ nữ trong ngành khoa học thủy sản vào giai đoạn đầu sự nghiệp của bà, tức những năm 1970 và 80 (cùng các lĩnh vực liên quan khác như quan sát viên, quản lý thủy sản, công nghiệp), là vô cùng lớn. Khi đó, trên biển và ngoài thực địa, các nhà khoa học nữ phải bước vào một thế giới do nam giới thống trị ở New Zealand.
"Không chỉ làm việc trong một môi trường nam tính, mà ít nhất ở New Zealand, còn có sự phân hóa gay gắt giữa ngành công nghiệp và các nhà bảo tồn, điều này càng làm mọi thứ thêm phức tạp", bà kể.
![]() |
Hình ảnh bà Livingston lấy mẫu cá bơn ở Cảng Wellington, New Zealand trong những năm học tiến sĩ 1979 |
"Ví dụ, tôi thấy phụ nữ trên biển không những phải liên tục chứng minh mình là “một trong những chàng trai”, mà còn mặc nhiên bị coi là “người ít kinh nghiệm” hay “kẻ ăn bám” khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng trong hầu hết các chuyến khảo sát đều có ít nhất 2 phụ nữ trong đội ngũ nhóm nhà khoa học, và chúng tôi luôn hỗ trợ nhau một cách mạnh mẽ".
Việc gửi đơn khiếu nại khi ấy rất khó khăn, và điều đó không được xem là cách để xây dựng môi trường làm việc hợp tác. Những định kiến cũng xảy ra trên đất liền tại các tổ chức khoa học, nhưng các nhà khoa học nữ cũng dần biết cách giữ vững lập trường khi tham dự các cuộc họp khoa học.
"Có thể những vấn đề tương tự cũng xảy ra ở các nước phương Tây khác, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy ở Úc, Mỹ, Anh, Scandinavia, EU và Chile, khoa học thủy sản nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, với cơ sở hạ tầng và cơ chế ra quyết định vững chắc, so với New Zealand", bà nhận định.
Với con tàu nghiên cứu nhỏ RV 'James Cook' không thực sự phù hợp với vùng biển xa bờ của New Zealand, nhóm khoa học khi đó đã phải tìm cách thuê các tàu nghiên cứu lớn và tàu đánh cá thương mại từ các quốc gia khác.
"Rào cản văn hóa và ngôn ngữ càng làm tăng thêm những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trên biển (cả nam và nữ). Tuy nhiên, thường thì phụ nữ lại giỏi hơn trong việc xoa dịu các thuyền trưởng nước ngoài", bà nhớ lại. "Ý tôi là chúng tôi thể hiện trí tuệ cảm xúc cao hơn đáng kể, điều này đã giúp làm thông suốt con đường cho các cuộc khảo sát thành công và thu thập dữ liệu đáng tin cậy khi ở trên tàu".
Hướng đi mới
Trong giai đoạn sự nghiệp sau này của tiến sĩ Livingston, mọi thứ đã dần được cải thiện khi các chính sách quản lý trở nên thân thiện hơn.
"Những nhà tuyển dụng mới của tôi rất ủng hộ cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ và đã xây dựng một trung tâm chăm sóc trẻ em tại chỗ cho chúng tôi sử dụng – tất cả đều là một phần của chính sách Cơ hội việc làm bình đẳng được tập trung khi đó”, bà chia sẻ.
![]() |
Bà Livingston cùng bà Helen Clark (áo đỏ), khi đó là Thủ tướng New Zealand, tại lễ ra mắt Khảo sát năm cực quốc tế, 2008. |
Trên biển, các quy trình kỷ luật nghiêm ngặt hơn để bảo vệ phụ nữ được áp dụng và đã nghiêm túc hơn trong việc đảm bảo tiếng nói của phụ nữ trong mọi khía cạnh của khoa học thủy sản được lắng nghe.
"Tôi cho rằng, mặc dù luôn có chỗ để cải thiện vấn đề bình đẳng nam nữ, nhưng những vấn đề lớn hơn mà phụ nữ ngành khoa học thủy sản ngày nay phải đối mặt là việc thiếu kinh phí trong việc giám sát khoa học và hiểu biết về sự bền vững của quần thể, cũng như thiếu ý chí chính trị để thúc đẩy việc điều tra rộng hơn về hệ sinh thái đại dương và giới hạn sinh học đối với nghề cá đánh bắt tự nhiên", tiến sĩ Livingston nhấn mạnh. "Nhiều đánh giá chuyên sâu đã đưa ra các gợi ý về cách kết hợp quyền của người bản địa, khoa học, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ngư dân giải trí và chính phủ, nhưng cho đến nay, cơ sở hạ tầng và cam kết vẫn chưa được thực hiện".
Tiến sĩ Mary Elizabeth Livingston cảm thấy vô cùng may mắn khi đã có một sự nghiệp thú vị và đầy thử thách. "Là phụ nữ thậm chí có thể là một lợi thế, nhưng kiểu sự nghiệp này không dành cho những người yếu tim. Niềm đam mê với đại dương và mong muốn bảo vệ các loài động vật sống trong đó là một phần quan trọng giúp tôi tiếp tục kiên trì", bà bộc bạch.
Marie Tharp, nhà khoa học tiên phong lập bản đồ đáy đại dương
Dù công trình của bà đã giúp chứng minh sự trôi dạt lục địa là có thật, thế nhưng chúng ban đầu bị coi là "chuyện của con gái".