Nước Ý thiệt hại nặng nề vì COVID-19

P.V (t/h)

Trái ngược hoàn toàn với dấu hiệu ngày càng tích cực tại Trung Quốc, dịch COVID-19 lại đang tấn công mạnh ở Italy.

Hiện Italy là nước bị dịch COVID-19 tấn công mạnh nhất ở châu Âu và trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục. Tốc độ và quy mô của dịch lan rộng ở quốc gia này tăng nhanh đến “chóng mặt”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của người dân nước này.

Chính phủ phong tỏa toàn bộ đất nước với 60 triệu dân

Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, ngày 8/3, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa vùng Lombardy và 14 tỉnh khác của nước này với khoảng 16 triệu người nhằm đề phòng dịch COVID-19 lan rộng.

Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ 8/3 đến 3/4 và tất cả người dân hạn chế đi lại, không được rời khỏi vùng, người bên ngoài cũng không được vào. Bên cạnh đó tất cả trường học ở Lombardy sẽ đóng cửa trong thời gian này. Chính phủ Italy cũng đã quyết định chi 7,5 tỷ euro để chống dịch cũng như giảm thiểu tác hại kinh tế.

Bên ngoài quán cà phê lịch sử có tên 'Thiên đường đã mất' tại fondamenta della Misericordia vào thứ Hai ở Venice, Ý.
Bên ngoài quán cà phê lịch sử có tên 'Thiên đường đã mất' tại fondamenta della Misericordia vào thứ Hai ở Venice, Ý.

Tuy nhiên một ngày sau đó, ngày 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã quyết định đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng phong tỏa và cấm các hoạt động tụ tập, trong đó có các trận thi đấu bóng đá thuộc khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Serie A nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Thủ tướng Conte nhấn mạnh, lệnh phong tỏa trước đó chỉ được thực hiện ở các khu vực phía Bắc-nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, nhưng kể từ ngày 10/3, lệnh này sẽ phát huy hiệu lực trên quy mô toàn quốc.

Như vậy, không chỉ có một vùng đỏ, giờ đây cả đất nước Italy đã trở thành một vùng đỏ duy nhất, và toàn bộ Italy trở thành vùng được bảo vệ. Thủ tướng Conte cho rằng những số liệu cho thấy Italy đang ghi nhận sự tăng mạnh về những trường hợp phải chăm sóc đặc biệt và số ca tử vong. Do đó, Thủ tướng Conte nêu rõ người dân phải từ bỏ thói quen ngay bây giờ vì lợi ích của Italy, và Italy chỉ thành công nếu tất cả cùng hợp tác và thích ứng với các quy định khắt khe hơn.

Theo sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 10/3 đến ngày 3/4, Italy sẽ đóng cửa các trường học ở tất cả các cấp và trường đại học đến ngày 3/4; ngừng tất cả các hoạt động thể thao; nghiêm cấm hoạt động tụ tập đông người; tất cả các rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng cũng như các địa điểm vui chơi giải trí trên toàn quốc đều đóng cửa.

Toàn bộ lãnh thổ với dân số 60 triệu dân của Italy sẽ phải hạn chế di chuyển trừ những trường hợp vô cùng khẩn cấp. Người dân đều được kêu gọi ở nhà. Đây được xem là những biện pháp mạnh nhất của chính quyền Italy kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này cách đây 2 tuần.           

Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Italy tính đến sáng ngày 10-3 là 9.172 trường hợp (tăng 1.598 trường hợp so với một ngày trước đó), trong đó có 463 ca tử vong (tăng 97 trường hợp so với một ngày trước đó, tương đương 26,5%). Số ca hồi phục tại Italy là 724 trường hợp, tăng 102 người (tương đương 16,4%).

Trước đó, ngày 8/3 cũng đã ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm mới so với một ngày trước đó, đánh dấu mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát tại cách đây 2 tuần. Tính đến nay dịch đã lan ra tất cả 22 vùng của Italy song khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Italy vẫn là vùng Lombardy ở miền Bắc với thủ phủ là thành phố Milan.

  Quảng trường St. Mark gần như không một bóng người sau khi chính phủ Ý áp đặt lệnh phong tỏa ở phía bắc nước Ý, bao gồm cả Venice. Ảnh: REUTERS

Quảng trường St. Mark gần như không một bóng người sau khi chính phủ Ý áp đặt lệnh phong tỏa ở phía bắc nước Ý, bao gồm cả Venice. Ảnh: REUTERS

Số ca nhiễm không ngừng tăng đang tạo sức ép vô cùng lớn lên các bệnh viện tại Italy, đặc biệt ở các vùng dịch. Trong lúc tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng, giới chức Italy còn đối phó với vụ 50 tù nhân trốn khỏi nhà tù Foggia, thuộc vùng Puglia, miền Nam Italy, vì sợ lây nhiễm COVID-19. Cho đến nay, các vụ gây rối đã xảy ra tại 27 nhà tù trên khắp Italy, một số phạm nhân yêu cầu ân xá, quản thúc tại gia, vì lo ngại tình trạng lây nhiễm do dịch COVID-19. 

Thiệt hại đáng kể với nền kinh tế

Trước khi dịch COVID-19 leo thang, nền kinh tế Italy chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2019, một số nhà kinh tế đã dự báo đất nước này sẽ rơi vào suy thoái ngay đầu năm nay. Vì vậy cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này như một cú đẩy các hoạt động kinh tế của Italy lún sâu thêm vào bế tắc.

Việc chính quyền Italy phải phong tỏa khu vực miền Bắc, nơi được xem là trung tâm của các ngành chế tạo và tài chính của nước này, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19 đã khiến các hãng hàng không cắt giảm số chuyến bay tới Italy. Điều này đồng nghĩa với lượng du khách đến nước này sụt giảm, từ đó khiến các khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch và nhiều lĩnh vực liên quan thất thu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Venice, bà Stefania Stea, việc hủy Lễ hội Venice Carnival 2020 do dịch COVID-19 cũng đã khiến tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn ở thành phố du lịch nổi tiếng này giảm xuống mức thấp kỷ lục 1-2%.

Hiện du lịch và các ngành kinh doanh sản phẩm và dịch vụ cao cấp là những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các quan chức ngành du lich Italy dự đoán lượng du khách nước ngoài đến quốc gia này trong quý II-2020 sẽ giảm 32 triệu lượt và doanh thu thiệt hại 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD), trước mùa du lịch Hè bắt đầu diễn ra.

Các hãng hàng không nước ngoài đã hủy các chuyến bay đến Milan, thủ đô tài chính và thời trang của Italy, và Venice, điểm đến du lịch hàng đầu ở nước này.

Cảnh vắng vẻ ở quảng trường, thành phố Torino vào ngày 9/3/2020 vì Ý đang chiến đấu với sự bùng phát virus nguy hiểm thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Ảnh: AFP
Cảnh vắng vẻ ở quảng trường, thành phố Torino vào ngày 9/3/2020 vì Ý đang chiến đấu với sự bùng phát virus nguy hiểm thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trong khi đó, nhiều văn phòng và nhà máy cũng đã phải đóng cửa, trong đó có nhiều nhà máy sản xuất hàng hoá xa xỉ cao cấp, vốn được coi là một trong những hạng mục kinh tế quan trọng nhất của nước này. Trong bối cảnh đó, các quan chức lo ngại thị phần xa xỉ phẩm mà các công ty Italy đang nắm giữ sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Ngoài ra, các ngân hàng Italy thì vẫn trong nỗ lực để giải quyết “núi” nợ xấu do cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm trước trong khi nợ công của Chính phủ Italy-hiện ở mức cao nhất châu Âu sau Hy Lạp-đã hạn chế khả năng của nước này trong việc tăng cường chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế trong nước khi cần thiết.

Trong bối cảnh đó, nhà kinh tế Francesco Daveri của Đại học Bocconi dự đoán nền kinh tế Italy sẽ giảm 0,3% trong quý I/2020. Với dự đoán này, kinh tế Italy đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi đã giảm trong quý 4/2019. Thực tế, Italy đã để “mất” 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) sau những đợt suy thoái liên tiếp kể từ năm 2000 đến nay và sự hồi phục của nền kinh tế đã đình trệ trong hai năm qua.

Để giảm thiểu những tác động kinh tế do dịch COVID-19, chính phủ Italy đã quyết định chi khoảng 7,5 tỷ euro, tuy nhiên điều này cũng sẽ làm thâm hụt ngân sách năm nay của Italy tăng từ mức 2,2% GDP hiện nay lên 2,5% GDP.

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Italy mà còn tác động rộng hơn tới cả nền kinh tế châu Âu, với các quốc gia dựa nhiều vào lĩnh vực thương mại như Đức, Pháp và Anh cũng gặp khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế do sự bùng phát của dịch COVID-19…

Dữ liệu đang được cập nhật.

(Nguồn: TTXVN)