Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức lễ ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em”. Sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường vai trò của truyền thông trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức từ môi trường sống và không gian mạng ngày càng gia tăng.
![]() |
bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến trẻ em. Bà khẳng định, báo chí là kênh quan trọng để phản ánh tình hình trẻ em, định hướng dư luận xã hội, biểu dương những điển hình tích cực và đặc biệt là đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Chính từ nhận thức này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã quyết định thành lập và kiện toàn Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, với kỳ vọng tạo ra nhiều hoạt động thiết thực, huy động toàn xã hội cùng chung tay vì trẻ em.
Ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của vai trò báo chí. Ông cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, khi trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ môi trường sống, những tác động tiêu cực của mặt trái xã hội và không gian mạng, vai trò của báo chí trong việc bảo vệ quyền trẻ em càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.”
Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, ông Thắng đề nghị các nhà báo và cơ quan báo chí cần phát hiện, phản ánh kịp thời và trung thực các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; đồng thời kiên quyết đấu tranh, lên án những hành vi tiêu cực làm tổn hại đến trẻ. Báo chí cần góp phần xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng.
![]() |
Lễ ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em” |
Việc ra đời Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em” được kỳ vọng sẽ tập hợp những nhà báo có tâm huyết, có chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Ông Thắng nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ, các nhà báo cần nâng cao nghiệp vụ, trau dồi kiến thức về pháp luật, tâm lý trẻ em và kỹ năng tác nghiệp một cách nhân văn, đảm bảo không gây tổn hại thêm cho trẻ khi phản ánh vụ việc.
Với phương châm hành động “Chung tâm – Chung trí – Chung sức bảo vệ quyền trẻ em”, Câu lạc bộ sẽ tập hợp các nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, hội viên Hội Nhà báo các cấp và những người làm công tác truyền thông. Ban Chủ nhiệm do Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam quyết định thành lập, gồm 1 Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các thành viên. Nội dung, hình thức hoạt động sẽ do thành viên đề xuất và được Ban Chủ nhiệm thông qua, nhằm tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng thực hiện quyền trẻ em.
Tại buổi lễ, các đại biểu đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Hoa Kỳ) và các tổ chức trong nước đã chia sẻ, thảo luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ em. Các chủ đề bao gồm: gánh nặng và thực trạng đuối nước trẻ em; kinh nghiệm triển khai chương trình phòng, chống đuối nước; đặc biệt là việc dạy kỹ năng “bơi an toàn”, kỹ năng phòng tránh và cứu người bị đuối nước.
Vai trò của báo chí trong truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em cũng là nội dung được nhấn mạnh, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các bên liên quan đến một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.
Sự ra đời của Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em” được kỳ vọng sẽ tạo nên một luồng gió mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam thông qua sức mạnh của báo chí và truyền thông.
Hội bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng vụ bar bãi biển ở Hạ Long để vũ công múa lồng phản cảm trước mặt trẻ
Việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch là việc làm cần thiết, song cần có những biện pháp và hình thức phù hợp, cân nhắc tới các đối tượng.