Mới đây, cây bút John J. Metzler đã đăng tải bài viết trên Tờ Thời báo Hàn Quốc về các vấn đề ngoại giao và quốc phòng cho rằng việc trả lời những câu hỏi sau là điều khá đơn giản: Có phải Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo đầu tiên về dịch COVID-19 hay không?
Ai đã hạ thấp rủi ro y tế thực sự của COVID-19?
WHO làm dịu hay gây thêm sự sợ hãi phi lý trên thế giới? Các chính phủ và giới chức y tế các nước đã tin tưởng tổ chức có trụ sở ở Geneva này là một cơ quan sẽ cảnh báo cho chúng ta biết những nguy cơ lớn dần từ dịch COVID-19.
WHO - với vai trò là tổ chức y tế toàn cầu - lẽ ra phải có trách nhiệm đưa ra cho chúng ta những lời cảnh báo và đánh giá đúng tình hình dịch bệnh.
Một công nhân kiểm tra quan tài, hầu hết trong số đó có chứa thi thể của các nạn nhân COVID-19, trong bãi đậu xe của một nhà tang lễ ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 2/4. Ảnh: REUTERS |
Thế nhưng, thay vì đó, WHO đã coi nhẹ giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) gây chết người này, khiến nhiều nhà quan sát bên ngoài tưởng rằng ổ dịch này là nhỏ và có thể kiểm soát được ở bên trong Trung Quốc.
Thời gian là quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu chậm tại thung lũng sông Dương Tử của Trung Quốc hồi cuối tháng 11/2019.
Chính phủ Trung Quốc đã không đưa ra những số liệu cảnh báo sớm, khiến chủng virus này “ăn sâu bén rễ” trước khi thế giới thực sự chú ý tới nó. Mãi tới tháng 12/2019, những lời cảnh báo đầu tiên mới được đưa ra, song lúc đó thế giới lại đang nghỉ đón Năm mới.
Một vở hài kịch
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia, đã trở thành ứng cử viên được Bắc Kinh lựa chọn làm người điều hành WHO.
Ông này nhậm chức năm 2017, với nhiệm kỳ 5 năm, kế nhiệm Tiến sĩ Margaret Chan, người Trung Quốc. Các mốc thời gian cho thấy một cách thuyết phục rằng mặc dù WHO biết về dịch bệnh sắp xảy ra, song tổ chức này đã quá thận trọng trong việc tiến hành các biện pháp khẩn cấp.
Tại sao lại như vậy? Tiến sỹ Tedros phát biểu ngày 23/1: "Tôi không tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên thế giới ngày hôm nay bởi đây là tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc, chứ nó chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu. Sự việc có thể chưa khẩn cấp".
Tổng thống Mỹ Donald Trump là người chỉ trích WHO mạnh mẽ nhất. |
Quan chức này nói thêm: "Tại thời điểm hiện nay, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc, song điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra".
Tiến sĩ Tedros tuyên bố một cách nghiêm túc: "Một lần nữa, tôi muốn cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì sự hợp tác và minh bạch. Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc cô lập và giải mã chủng virus này rất nhanh".
Đúng là vở hài kịch! Tiến sĩ Tedros đã quá muộn khi tuyên bố đại dịch vào ngày 11/3/2020.
Ai là người tài trợ cho WHO? Mỹ là nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho WHO. Năm 2019, các khoản đóng góp của Mỹ cho WHO đã vượt quá 400 triệu USD, bao gồm cả phần đóng góp theo nghĩa vụ (22%) và phần đóng góp tự nguyện, gấp hơn nhiều lần Trung Quốc, nước đóng góp lớn thứ hai với 44 triệu USD.
Trước đây, năm 2016, Trung Quốc chỉ đóng góp 12 triệu USD. Ethiopia, quê hương của Tiến sĩ Tedros, chỉ đóng góp 48.000 USD. WHO có lợi cho ai? Trung Quốc hiện kiểm soát 5 trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (LHQ) như WHO.
Với tính hợp pháp của tổ chức như một cơ quan theo dõi các vấn đề y tế trung lập, WHO đã có thể truyền bá một cách hiệu quả các luận điểm của Bắc Kinh tới nhiều đối tượng, trước tiên trong cộng đồng khoa học, sau đó là các chính phủ và thông qua các phương tiện truyền thông tới người dân trên thế giới. WHO giữ vai trò như một "bộ máy tuyên truyền" của Trung Quốc về chủng virus này.
Ai là nạn nhân?
Một trong số những nạn nhân đầu tiên là bác sỹ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, người đã phát hiện và cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch COVID-19. Bác sỹ Lý Văn Lượng bị nhiễm virus, bị cảnh sát bắt giữ im lặng và sau đó tử vong. Ông đã trở thành biểu tượng của những người bất đồng chính kiến vì đã can đảm lên tiếng.
COVID-19 thực sự đã gây hoảng loạn trên toàn thế giới với hàng triệu người nhiễm, hàng trăm ngàn người tử vong. |
Hiện giờ, hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh trên thế giới, hàng trăm nghìn người đã chết vì chủng virus khủng khiếp này. Đây chưa phải là những con số cuối cùng.
Ai chịu trách nhiệm?
Tội lỗi chính là của Bắc Kinh, một chính quyền đã truyền bá thông tin sai lệch về số người chết do virus thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước cũng như WHO.
Lời kể rằng chủng virus này xuất phát từ loài dơi đã tạo ra một câu chuyện dân gian đầy hư cấu để che đậy những sai lầm và mưu mẹo rất có thể liên quan tới 2 cơ sở thí nghiệm nghiên cứu: Viện Virus học và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Vũ Hán. Mỹ và các quốc gia chủ chốt khác như Anh, Canada, Pháp, Đức và Nhật Bản đã tài trợ cho WHO để tổ chức này chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về y tế, tạo khả năng ứng phó và hoạt động chuyên môn.
Rõ ràng, WHO đã đóng góp tích cực vào việc loại bỏ và kiểm soát bệnh tật như bệnh bại liệt và sốt rét. Do đó, rõ ràng người lãnh đạo WHO, chứ không phải sứ mệnh quan trọng trên toàn cầu của tổ chức này, "có vấn đề".
Nguồn: TTXVN