Nhìn lại quá khứ
Câu hỏi đã trở nên phổ biến, với không ít câu trả lời thiên về chiều hướng Trung Quốc sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch COVID-19. Quốc gia này sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống trên sân khấu toàn cầu do nước Mỹ để lại.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo toàn cầu. Trong giai đoạn khủng hoảng này, Chủ tịch Tập Cận Bình tương tự Mao Trạch Đông 50 năm trước, rất muốn ưu tiên giải quyết các vấn đề riêng của đất nước.
Cách nay nửa thế kỷ, Trung Quốc phải đối mặt với môi trường quốc tế tồi tệ nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. |
Cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc phải đối mặt với môi trường quốc tế tồi tệ nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Bên cạnh việc bị các cường quốc phương Tây cô lập, Trung Quốc đã có cuộc chiến với Liên Xô trong cuộc đụng độ biên giới tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu tại đảo Zhenbao năm 1969. Cuộc xung đột quân sự này khi đó làm dấy lên nỗi lo của cộng đồng quốc tế về một thế chiến mới với vũ khí hạt nhân.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông kêu gọi người dân đào hầm sâu, tích trữ lương thực và không bao giờ nghĩ tới bá quyền. Nỗi sợ Moscow ngày càng tăng của Bắc Kinh đã khiến Mao Trạch Đông thay đổi chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Ông đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ với kẻ thù lâu đời của nước này là Mỹ, mở đường cho Trung Quốc tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Chưa đủ tầm
50 năm sau, hiện nay bối cảnh đã nhiều thay đổi. Bắc Kinh và Moscow nồng ấm trong mối quan hệ đối tác, dù chưa phải là đồng minh. Ngược lại, quan hệ Bắc Kinh - Washington đang đi từ xấu đến tồi tệ hơn.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm với vai trò lãnh đạo toàn cầu. |
Tuy nhiên, nửa thế kỷ trôi qua tư tưởng Mao (về bá quyền) vẫn còn ảnh hưởng to lớn trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ sở cho những ai cố gắng tìm hiểu cách mà Trung Quốc nhìn nhận, nắm bắt, tận dụng và thích nghi với tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng, được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19.
Khi hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc gia tăng khuấy động một thế giới bất ổn sau COVID-19, nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng này. Bắc Kinh cố gắng lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại trong vị thế nhà lãnh đạo toàn cầu, khi Washington thu mình lại theo tư tưởng “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Chính điều này đã gây lầm tưởng về “cái thời” của Trung Quốc đã đến.
“Phe” nhận định Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ thế giới sau đại dịch COVID-19, mà điển hình là Kishore Mahbubani, nhà ngoại giao người Singapore và là nhà tư tưởng có ảnh hưởng, gần đây đã nêu luận điểm trên tạp chí The Economist. Theo đó, đại dịch COVID-19 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một “thế kỷ châu Á” do Trung Quốc lãnh đạo. Ông so sánh việc xử lý hiệu quả dịch bệnh của chính phủ các nước châu Á với phản ứng lúng túng của phương Tây.
Các nhà bình luận cánh hữu ở Mỹ như Tucker Carlson của Fox News (người đã tuyên bố Bắc Kinh lợi dụng sự hỗn loạn để thúc đẩy kế hoạch thống trị thế giới) cũng cảnh báo thảm họa COVID-19 có thể báo trước một “thế kỷ Trung Quốc”.
Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ việc phong tỏa thành phố Vũ Hán (tâm chấn ban đầu của đại dịch) vào đầu tháng trước, truyền thông nước này đã mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để ca ngợi tính ưu việt của thể chế, tự ca ngợi những nỗ lực giúp các quốc gia khác như một cường quốc có trách nhiệm.
Tuy nhiên, đằng sau những lời hoa mỹ là một thực tế phủ phàng về tình hình trong nước và quốc tế mà Trung Quốc phải đối mặt, theo South China Moring Post.
Ngày 8/4, Ban thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu ra viễn cảnh ảm đạm hơn về những thách thức quốc tế do đại dịch gây ra. Ông Tập Cận Bình thừa nhận sự lan rộng của virus corona ra toàn cầu đã mang lại rủi ro to lớn cho nền kinh tế thế giới, đồng thời dẫn đến sự gia tăng đáng kể các yếu tố gây bất ổn trong nước.
Ông Tập kêu gọi phải sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất, chuẩn bị tinh thần và năng lực phù hợp để giải quyết những vấn đề bất lợi đối với nước này trong tình hình thế giới đầy biến động. Đây không phải lần đầu tiên ông Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức chuẩn bị tinh thần cho các tình huống xấu nhất. Đầu năm ngoái, ông từng đưa ra cảnh báo tương tự trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc lâm vào suy thoái do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tất cả những điều này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc có một cái nhìn rõ ràng về những thách thức. Trong khi “giấc mơ Trung Hoa” dẫn đầu thế giới chỉ là do tuyên truyền quá mức nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc nhắm vào đối tượng trong nước.
Không sẵn sàng
Sự tàn phá của đại dịch COVID-19 làm hình thành nên một phản ứng dữ dội toàn cầu chống lại Trung Quốc. Quốc gia này đang phải đối mặt với môi trường quốc tế thù địch nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn hồi năm 1989.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông Tập đã gọi điện thoại với hơn 40 người đứng đầu chính phủ nước ngoài, kêu gọi hợp tác quốc tế trong ngăn chặn virus corona, hứa hẹn cung cấp hỗ trợ chuyên gia và vật tư y tế nhằm xây dựng hình ảnh cường quốc có trách nhiệm.
Trung Quốc vẫn chưa thể hiện được hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. |
Nhưng Trung Quốc không được trang bị, cũng như không sẵn sàng bước lên vị trí lãnh đạo toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng quốc tế. Thực tế này đã diễn ra, ngay cả khi Mỹ rút lui khỏi sân khấu thế giới khiến các đồng minh phương Tây thất vọng, Trung Quốc vẫn chưa thể lấp đầy các khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại.
Ngay cả khi Washington dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bắc Kinh chỉ “nhỏ giọt” quyên tặng 50 triệu USD trong hai đợt cho các nỗ lực quan trọng của WHO để ngăn chặn đại dịch. Trong khi đó để so sánh, Bill Gates (người đồng sáng lập Microsoft) đã cam kết chi 305 triệu USD, trong đó bao gồm khoản tài trợ cho WHO để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Còn Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị quyên góp 8 tỷ USD dành cho những nỗ lực phát triển thuốc và vắc-xin. Trong khi các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản đều tham dự, còn Mỹ vắng mặt thì Trung Quốc chỉ cử đại sứ tại EU tham dự và không đưa ra bất kỳ cam kết tài chính nào.
Các phương tiện truyền thông quốc tế gần đây đã tập trung chỉ trích Trung Quốc về cách nước này cố tạo ra câu chuyện về sự lãnh đạo quốc tế của mình thông “ngoại giao khẩu trang”. Theo đó, việc tặng vật tư y tế cho nước khác chỉ mang tính nhân đạo và bày tỏ thiện chí, không nên coi đó là phương cách nhằm tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc đừng quên đã nhận được sự giúp đỡ hào phóng từ cộng đồng quốc tế, khi dịch COVID-19 ở Vũ Hán lần đầu tiên được báo cáo.
Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng, Trung Quốc không nên tự ca ngợi quá mức thành công của chính mình trong việc khống chế đại dịch, khi mà virus corona xuất phát từ nước này vẫn đang tàn phá khắp thế giới. Bởi vì cách tuyên truyền này chỉ khiến khơi lên nỗi bất bình từ những quốc gia đang gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch.
Việc Bắc Kinh chưa thể thay thế vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ một phần là do năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế. Phần khác còn vì bị cản trở bởi một cuộc tranh luận nội bộ về các ưu tiên của chính Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã khẳng định rằng, dù tình hình quốc tế có trở nên phức tạp đến đâu cũng phải ưu tiên xử lý tốt các vấn đề trong nước. Điều này đặc biệt đúng vào thời điểm khủng hoảng hiện nay, khi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.