Những tấm ảnh mang thông điệp hy vọng cho năm 2020

TM (theo theguardian)

9 nhiếp ảnh gia đã chia sẻ câu chuyện đằng sau những bức ảnh được cho là đem lại hy vọng cho năm mới.

Niềm hạnh phúc trong trại trẻ mồ côi, người tị nạn đến nơi an toàn, những “chiến binh” gặp một chú bò tót đen và khách sạn phủ sắc xanh là những bức ảnh đem lại niềm hy vọng cho năm 2020.

Đây là những chia sẻ của các nhiếp ảnh gia về tác phẩm của mình.

Hannah Franzén (Nhiếp ảnh gia của EPA)

Greta Thunberg bên ngoài quốc hội Thụy Điển, Stockholm, 2018 (Ảnh: Hanna FranzénEPA-EFE).
Greta Thunberg bên ngoài quốc hội Thụy Điển, Stockholm, 2018 (Ảnh: Hanna FranzénEPA-EFE).

Tháng 11 năm ngoái, tôi chụp ảnh họp báo tại quốc hội Thụy Điển. Bên ngoài quốc hội, gió thì lạnh và trời mây xám xịt nhưng vẫn có hàng tá người, cả người lớn lẫn trẻ em, tụ tập biểu tình, trong số đó là Greta Thunberg. Chúng tôi có trò chuyện với nhau, tôi hỏi về suy nghĩ của cô bé về tương lai và chợt nghĩ: “Đây có lẽ là khởi đầu của một thứ lớn lao”.

Thông điệp của Greta vô cùng quan trọng. Cô bé muốn chăm sóc và gìn giữ trái đất cũng như những tài nguyên còn lại của chúng ta. Tôi thấy tự hào khi có thể lan truyền được thông điệp đó bằng bức ảnh của mình tại cuộc triển lãm tại Canada, trên bìa sách, rồi cả bưu thiếp, ảnh dán…

Ami Vitale (Phóng viên ảnh người Mỹ)

Những chiến binh chạm vào Kilifi, một chú tê giác đen mồ côi tại Kenya, 2014 (Ảnh: Ami Vitale/National Geographic/EPA).
Những chiến binh chạm vào Kilifi, một chú tê giác đen mồ côi tại Kenya, 2014 (Ảnh: Ami Vitale/National Geographic/EPA).

Hiện trên thế giới, số lượng tê giác đen chỉ còn khoảng 5.500 con. Vì vậy, mỗi con tê giác đen thực sự vô cùng quý giá khiến các nhà bảo tồn phải làm việc vất vả để đảm bảo sự sống cho từng cá thể. Từ khi thành lập năm 1983, số lượng tê giác tại trung tâm bảo tồn Lewa đã tăng từ 15 lên đến 169 con. Tuy nhiên, với mức độ săn bắt hiện tại, số lượng tê giác và voi có nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng ta thường quên rằng, người bảo hộ tốt nhất chính là người dân địa phương, những người đối mặt trực tiếp trong cuộc chiến với nạn săn bắt. Những chiến binh Samburu này chưa từng nhìn thấy một con tê giác nào, thậm chí cả trên ảnh. Họ đã phải đến Lewa để học về việc bảo tồn.

Nếu không có tê giác, voi và các động vật hoang dã khác, chúng ta sẽ phải chịu thiếu hụt về sức khỏe hệ sinh thái như mất đi trí tưởng tượng, mất đi những kỳ quan và những vẻ đẹp. Một khi chúng ta nhận thức được rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên này, chúng ta sẽ hiểu rằng cứu giúp thiên nhiên tức là cứu chính chúng ta.

Ivan Kashinsky (Nhiếp ảnh gia sống tại Los Angeles, Mỹ)

Sandy Ramos (áo trắng bên trái, đang nhìn lên) đến thăm mộ anh trai cùng mẹ và cháu gái ở Rowland Heights, 2017 (Ảnh: Ivan Kashinsky/Panos Pictures).
Sandy Ramos (áo trắng bên trái, đang nhìn lên) đến thăm mộ anh trai cùng mẹ và cháu gái ở Rowland Heights, 2017 (Ảnh: Ivan Kashinsky/Panos Pictures).

Sandy sống khu trung tâm của những băng đảng tại miền đông Los Angeles. Trên cửa sổ nhà cô gái 22 tuổi này có lỗ đạn, còn trên trời thì trực thăng bay quá thường xuyên đến mức họ gọi là những chú chim ghetto. Tại thời điểm bức ảnh được chụp, tháng 10/2017, anh trai cô Edgar đang trong tù, còn một người anh trai khác Marco thì đã thiệt mạng bởi bạo lực băng đảng trước đó.

Tại đây, bọn trẻ biết tới cuộc sống băng đảng từ khi còn rất bé, vậy nhưng Sandy quyết không để bản thân bị hút vào vòng xoáy của thuốc và bạo lực. Tốt nghiệp trung học, cô vừa học đại học, vừa tham gia câu lạc bộ quyền anh ở trường và giúp nuôi dưỡng những đứa con của anh trai. Cô là một điều kỳ diệu, một sự lạc quan và biểu tượng của hy vọng.

Cứ chủ nhật hàng tuần, cô và gia đình đến thăm mộ Marco. Họ dành một đến hai tiếng ở đó tụ họp, vui chơi, kể cho bọn trẻ những khoảng thời gian tốt đẹp từng có với Marco.  

Moises Saman (Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Peru, đang sống tại Tokyo, thành viên chính thức của Magnum Photos)

Người tị nạn ào lên hòn đảo Lesbos, Hy Lạp, 2015 (Ảnh: Moises Saman/Magnum Photos).
Người tị nạn ào lên hòn đảo Lesbos, Hy Lạp, 2015 (Ảnh: Moises Saman/Magnum Photos).

Đó là một buổi sáng sớm, tầm 6h. Tôi ở Lesbo, một hòn đảo thuộc Hy Lạp, nơi chứng kiến sự kết thúc của nhiều cuộc hành trình tới châu Âu của những người tị nạn. Đồng thời, nó cũng đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình mới với những khó khăn.

Những chiếc xuồng thường xuất hiện dưới màn đêm. Vào ban ngày, bạn có thể thấy chúng tiến đến chậm chạp đến mức có thể lần theo dấu vết để biết được chúng đến từ hướng nào.

Ngay khi xuồng cập bến, hầu hết các “hành khách” lao xuống chạy về phía khu vực đón tiếp, một số thì dừng lại một chút để tháo dỡ điện thoại hay đợi cho người ráo nước một chút, và đó là lúc mà tôi có thể trò chuyện với họ. Những người này thường xuất phát tại Thổ Nhĩ Kỳ, những hầu hết họ từ Afghanistan.

Trong 10 năm qua, tôi luôn quan tâm về khủng hoảng tị nạn trên thế giới, và vẫn đầy cảm xúc khi nghĩ về sự tuyệt vọng đã khiến con người phải từ bỏ tất cả mà tìm đến những vùng đất vô định bằng những hành trình vô cùng nguy hiểm. Khi đám đông đặt chân thành công tới châu Âu, như chuyến đi này, bạn có thể thấy được niềm vui và hy vọng trên khuôn mặt mỗi người.

Shahidul Alam (Phóng viên ảnh người Bangladesh)

Bức ảnh cô bé Fatema xoay một vòng khoe váy mới từ seri ảnh 
Bức ảnh cô bé Fatema xoay một vòng khoe váy mới từ seri ảnh "Still She Smiles", 2014 (Ảnh: Shahidul Alam/Minority World).

Tôi gặp Hazera Beagum trong một chuyến đi tìm hiểu về HIV tại Bangladesh. Đó là vào năm 1996, khi cô là một nạn nhân tình dục. Chúng tôi trở thành bạn. Đến năm 2008, tôi biết được cô đã lập nên trại mồ côi này cho những đứa trẻ có số phận giống như cô.

Đây là một nơi rất đặc biệt. Cô không nhận tiền. Tôi có hỏi vậy cô sống bằng gì thì cô nói: “Chúng tôi cùng chia sẻ đồ ăn và có mái che trên đầu. 35 đứa trẻ gọi tôi là mẹ… vậy tôi còn ước mong gì hơn nữa chứ?”

Tôi ở với họ một đêm. Những đứa trẻ ca hát và nhảy múa. Tôi ngồi đó trò chuyện với bọn trẻ. Tôi không có thời gian để lấy máy quay mà chỉ dùng chiếc Panasonic nhỏ để ghi lại khoảnh khắc ấy.

Hazera là một người mẹ yêu thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc, cô luôn đảm bảo chúng phải làm bài tập, cầu nguyện và lau dọn. Bọn trẻ đều yêu quý cô. Chúng đều có những ước mơ, cô bé trong ảnh muốn trở thành người mẫu khi trưởng thành.

Hazera đã có một cuộc sống vô cùng khó khăn, cô bị bạo hành, cưỡng hiếp tập thể, rồi bị ép phải đi móc túi rồi trở thành gái mại dâm. Nhưng thay vì đắng cay với cuộc sống, cô chọn cách dùng đời mình để tạo ước mơ cho những người khác.

Dominique Catton (Nữ nhiếp ảnh gia, đạo diễn hình ảnh quốc tịch Mỹ - Italia, hoạt động chủ yếu ở Trung Phi và Pháp)

Bức ảnh bé gái trong một trại tị nạn ở Cameroon (Ảnh: Dominique Catton).
Bức ảnh bé gái trong một trại tị nạn ở Cameroon (Ảnh: Dominique Catton).

Bức ảnh được chụp tại Yaoundé, thủ đô chính trị của Cameroon. Quốc gia này hiện chứa khoảng 400.000 người tị nạn, chủ yếu từ Nigeria và Cộng hòa Trung Phi (CAR).

Năm ngoái, tôi dành 6 tháng theo đuổi hai gia đình trốn khỏi chiến tranh tại CAR hơn 10 năm trước. Họ đã chọn sống tại thành phố, hy vọng vào cơ hội làm lại cuộc sống. Thế nhưng trên thực tế, những người trốn chạy thường là đối tượng dễ tổn thương và bị lợi dụng, họ phải nhận một đồng lương vô cùng rẻ mạt. Cô bé Merveille 8 tuổi, đang chơi bóng trong sân nhỏ của gia đình. Không gian bé nhỏ đó vừa là nơi chơi đùa của cô bé với các anh, vừa là nơi các thành viên giặt giũ, nấu nướng và đổ rác thải.

Cha cô bé đã gặp tai nạn lao động, do không đủ tiền chữa trị nên giờ ông tàn phế và chỉ ngồi trên chiếc ghế dài. Mẹ cô làm trong một quán ăn với đồng lương 1 đô la mỗi ngày. Tôi hỏi cô bé về ước mơ, cô bé cho biết cô mong mẹ cô đừng nên lo lắng nữa và bố thì có thể ra khỏi nhà.

Cô bé muốn trở thành giáo viên tiểu học. Trong những tháng tôi ở bên gia đình ấy, tôi luôn thấy bọn trẻ vui vẻ cười đùa bất chấp những khó khăn bủa vây. Chừng nào bọn trẻ vẫn còn là trẻ con thì luôn có hy vọng. Những đứa trẻ này là tương lai, chúng ta cần tin tưởng và trao cho chúng cơ hội mà chúng xứng đáng được có.

Bức ảnh muốn gửi gắm thông điệp về sự hy vọng, những khát khao và mộng mơ dưới hoàn cảnh éo le.

Lucas Foglia (Nhiếp ảnh gia người Mỹ, chuyên về ảnh môi trường)

Bức ảnh chụp từ công trình tòa Park Royal on Pickering tại Singapore, 2014 (Ảnh: Lucas Foglia/Courtesy of Michael Hoppen Gallery).
Bức ảnh chụp từ công trình tòa Park Royal on Pickering tại Singapore, 2014 (Ảnh: Lucas Foglia/Courtesy of Michael Hoppen Gallery).

Singapore là quốc đảo với 100% dân số đô thị. Người dân hiện đang cố gắng kết hợp không gian xanh vào quy hoạch thành phố. Kế hoạch làm xanh Singapore khuyến khích việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia và áp dụng công nghệ xanh để duy trì môi trường. Công trình tòa ParkRoyal on Pickering gồm 15.000 m² diện tích phủ xanh, gấp đôi diện tích mặt đất.

Để có được bức hình này, tôi lên trên mái, dựa vào lan can, tay giữ chặt thang thoát hiểm. Trên đường, giao thông bắt đầu đông đúc vào giờ cao điểm buổi sáng. Phía dưới, một người đang bơi trong bể ngoài ban công, và tôi đã chụp được thời điểm duy nhất khi cô gái nằm giữa bể, màu sắc những chiếc ô tô và cây cối phối hợp với nhau một cách hoàn hảo.

Không gian xanh giúp cải thiện chất lượng không khí lẫn niềm hạnh phúc. Cây cối hấp thụ nhiệt giúp tòa nhà mát hơn. Giảm nguy cơ ngập lụt bởi những cơn mưa nặng hạt do nước thấm vào đất. Đồng thời cũng cho phép các sinh vật khác được trú ngụ an toàn. Hầu như các quốc gia đều chưa cải thiện để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây có lẽ là ví dụ điển hình của những tòa nhà xanh khắp thế giới. Hy vọng là “nhiên liệu” giúp chúng ta “sửa chữa” thế giới.

Olivia Harris (Nữ phóng viên ảnh người Anh)

Cô bé Katie, Wicklow Mountains 2017 (Ảnh: Olivia Harris).
Cô bé Katie, Wicklow Mountains 2017 (Ảnh: Olivia Harris).

Tại Ireland, tôi gặp Katie khi tới chụp ảnh gia đình cô bé tại nông trại gia đình cô trên núi Wicklow. Cô bé là một trong 6 người con của một gia đình Ireland truyền thống. Tôi nhớ cô bé rất háo hức trở thành một nữ tu sĩ khi lớn lên, thực sự tôi không muốn là người nói với cô bé rằng điều đó không thể thành hiện thực.

Chúng tôi dạo chơi trên một cánh đồng gần nhà ngập tràn những bông hoa buttercups. Bức ảnh được chụp khi cô bé mải vui đùa, và tôi thấy đó một niềm hy vọng. Tôi tin rằng cô bé sẽ tìm cách để đạt được ước mơ của mình, cho dù nhà thờ Thiên chúa giáo không chấp nhận cô.

Ivor Prickett (Phóng viên ảnh người Cork, Ireland)

Các cặp đôi vui đùa tại công viên giải trí bên bờ sông Tigris tại Mosul, Iraq, 2018 (Ảnh: Ivor Prickett/ Panos Pictures).
Các cặp đôi vui đùa tại công viên giải trí bên bờ sông Tigris tại Mosul, Iraq, 2018 (Ảnh: Ivor Prickett/ Panos Pictures).

Tôi đến Mosul (Iraq) đầu năm 2018, 6 tháng sau khi nơi này trải qua cuộc chiến dành lại từ Nhà nước Hồi giáo. Khu công viên bên bờ sông Tigris này đã bị phá hủy hoàn toàn bởi các cuộc giao tranh lớn. Vậy nhưng chỉ sau vài tháng, nó được mở cửa và hoạt động trở lại, trở thành nơi ghé thăm của nhiều gia đình cũng như các cặp đôi.

Tôi nhớ những tiếng nhạc địa phương vang lên từ loa, rồi xúc động khi thấy phụ nữ ở đó mỉm cười trong những chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ. Khi còn bị ISIS chiếm đóng, phụ nữ bị giam trong nhà, nhưng giờ họ có thể tự do đi lại trên thành phố, đến trường, tận hưởng thời gian nghỉ ngơi.

Trải qua nhiều xung đột và phá hủy, thật tuyệt vời khi chứng kiến con người đang nỗ lực tìm cách hòa nhập trở lại cuộc sống.

Bạn không thể xóa bỏ hết những gì đã xảy ra, bạn có thể đang tiếc thương những người thân đã ngã xuống nhưng bạn cần tìm sự cần bằng và chia sẻ những bức ảnh giúp họ cảm nhận. Những câu chuyện và bức ảnh đôi khi có thể là một dạng giải khuây cho những người bạn mô tả và cả cho người xem.