Sự nghiệp lừng lẫy của “Quỷ dữ vận đồ Prada”

Nữ tổng biên tập Anna Wintour của tạp chí Vogue sẽ rời ghế sau gần 40 năm, để lại một nhiều câu chuyện huyền thoại về thời trang và quyền lực.
Tổng biên tập huyền thoại Anna Wintour
Tổng biên tập huyền thoại Anna Wintour

Sau gần bốn thập niên “lèo lái” tạp chí thời trang American Vogue, Anna Wintour không chỉ để lại một di sản mà bất kỳ tổng biên tập nào cũng mơ ước, mà còn đã trở thành một trong những “thương hiệu cá nhân quyền lực nhất” và một “nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng bậc nhất ngành thời trang”. Bà cũng chính là hình mẫu của vị tổng biên tập đầy quyền lực và khắc nghiệt trong bộ phim “Quỷ dữ vận đồ Prada” nổi tiếng.

Trong suốt thời gian làm tổng biên tập, bà đã dành toàn bộ tâm huyết để xây dựng nên bản sắc của riêng mình, định hình cái nhìn của công chúng bằng gu thẩm mỹ sắc như dao cạo, sự kiểm soát âm thầm nhưng đầy uy lực, và những quyết định táo bạo, quyết đoán như một vị tướng trên sa trường. Bà không ngại phá vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ, nhưng cũng biết thời biết thế.

Dưới tay bà, Vogue đã thành công đón nhận văn hóa người nổi tiếng, vượt qua những cơn sóng lớn của ngành truyền thông, và biến Met Gala thành một “hiện tượng văn hóa”.

Và bây giờ, triều đại của Anna Wintour đang đi đến hồi kết. Bà đã tuyên bố từ chức tổng biên tập sau gần 4 thập niên. Những bài học bà để lại vẫn còn đó, truyền cảm hứng đến những lớp doanh nhân, doanh nghiệp sau này.

Vogue thuở trước đó chỉ dành cho giới thượng lưu, những kẻ tiền chất đầy két và danh vọng treo lủng lẳng trên vai. Nhưng Anna Wintour lại muốn nó là “dành cho tất cả mọi người”.

Thế là, trang bìa đầu tiên của bà năm 1988, không phải khuôn mặt lạnh tanh của nàng mẫu chuẩn mực chụp trong studio khép kín, mà là Michaela Bercu, cười rạng rỡ giữa phố phường, với chiếc quần jean bạc màu. Sự “phá cách” này khiến những người thợ in phải hoảng hốt gọi điện cho tòa soạn để xác nhận lại vì ngỡ có nhầm lẫn.

Đỉnh điểm của sự “điên rồ” (trong mắt người thường) là năm 2014, bà kéo Kim Kardashian, một cái tên mà giới mộ điệu coi là “rẻ tiền”, lên trang bìa American Vogue. Các nhà phê bình đã mắng nhiếc không ngớt, gọi đó là “bước đi sai lầm về văn hóa”. Nhưng bà Anna đã thấy ở Kim Kardashian không chỉ là ngôi sao truyền hình thực tế, mà là một thương hiệu tự thân, một kẻ tiên phong trên “xa lộ thông tin” kỹ thuật số, một “tiêu chuẩn mới” mà chẳng ai kịp nhận ra.

Chính những quyết định táo bạo mà thành công đó đã làm nên thương hiệu Wintour. Bà không chỉ đi theo lẽ thường, mà bà nhận ra những tiềm năng, những điều kỳ diệu nào đó và kiên định với tầm nhìn của mình, bất chấp những đánh giá không tốt lúc đầu của công chúng. Giữa thời đại mà các thương hiệu cứ quay như chong chóng theo gió, bà lại vững vàng như tảng đá giữa biển, không để mình bị cuốn đi. Sự thành công của bà với American Vogue cho thấy giá trị của một tầm nhìn kiên định. Bởi lẽ, sự nhất quán mới chính là nền tảng của niềm tin, của sự gắn kết lâu dài. Các số liệu cũng đã chứng minh điều này: các thương hiệu có sự nhất quán trong các kênh bán hàng sẽ có doanh thu cao hơn đến 23%.

Bà có cái năng khiếu thiên bẩm trong việc nhận ra những tài năng mới. Chính cái tài ấy đã giúp bà vững chân quyền lực trong giới thời trang. Năm 1994, nhà thiết kế John Galliano là một người chẳng ai thèm ngó ngàng. Nhưng bà đã mời ông về, thậm chí mời cả Kate Moss, Naomi Campbell hay Linda Evangelista, những “siêu mẫu” mà chỉ nghe tên đã thấy xa xỉ, về trình diễn các bộ sưu tập của ông. Chính cái sự chơi trội ấy đã hồi sinh một sự nghiệp đang lụi tàn, biến Galliano thành một thế lực mà cả ngành thời trang phải nể phục.

Anna Wintour thu hút sự ngưỡng mộ và chú ý không chỉ nhờ chức danh, mà nhờ những bước đi đột phá và truyền cảm hứng suốt sự nghiệp của mình.

Bà để lại một minh chứng sống động về nghệ thuật xây dựng thương hiệu cá nhân. Giữa một thế giới mà ai cũng muốn “gần gũi” và “dễ tiếp cận”, bà lại chọn con đường riêng, con đường của “sự tinh tế” và “đẳng cấp” đến cùng. Bà không chạy theo xu hướng “mì ăn liền” của đám đông, bà tự tạo ra chúng. Bà không nói nhiều, nhưng mỗi lời thốt ra, cả thế giới đều im lặng lắng nghe. Bà chưa bao giờ cố gắng làm “người của đám đông” mà luôn đứng riêng.

Ảnh hưởng của bà nằm ở giá trị chân thật mà bà đã mang lại, biến thời trang từ một thế giới “kín kẽ” thành một “loại hình văn hóa phổ quát toàn cầu”. Nếu bạn muốn hòa mình vào không khí quyền lực và thời trang của vị nữ tổng biên tập huyền thoại này, hãy xem bộ phim “Quỷ dữ vận đồ Prada”.

Trác Ly - La Kiệt

Chân dung ba nữ Tổng biên tập nữ quyền lực trong làng báo thế giới

Chân dung ba nữ Tổng biên tập nữ quyền lực trong làng báo thế giới

Từ tháng 2, tờ Wall Street Journal được đặt dưới sự điều hành của nữ Tổng biên tập đầu tiên trong lịch sử 133 năm của tạp chí danh tiếng này.