Ông Trump có thể sửa chữa sai lầm về dịch COVID-19?

CHẤN HƯNG

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 16/3, Tổng thống Trump đã tạo ra một bức tranh thực sự ảm đạm cho nước Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Ông chỉ ra một "kẻ thù vô hình" mà ông nói rằng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, và thậm chí nếu không phải là cả nước thì cũng có khả năng cần cách ly "các điểm nóng".

Việc bất ngờ thay đổi giọng điệu như vậy cho thấy ông Trump có vẻ dần dần chấp nhận rằng cách phản ứng của ông đối với dịch COVID-19 cho tới nay đã không thể làm yên lòng dân chúng, các nhà đầu tư và các nghị sĩ.

Tuần trước, ông đã có một bài phát biểu tại Phòng Bầu dục và một cuộc họp báo ở Vườn Hồng, trong đó ông gửi đi tín hiệu lộn xộn rằng ông đang nghiêm túc hơn đối với mối đe dọa từ dịch bệnh này, tuy nhiên rủi ro này vẫn chưa hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Việc ông Trump có xu hướng tối thiểu hóa mặt trái và đề cao mặt phải khiến người ta cho rằng ông không thể đánh giá được tính nghiêm trọng và phức tạp của tình hình mà chính những cố vấn của ông cho là thảm họa.

Trump đang dần nhận ra những sai lầm của mình về đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Trump đang dần nhận ra những sai lầm của mình về đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Ngày 16/3, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan chức nhà nước và liên bang có kinh nghiệm đề xuất áp đặt những hạn chế mới đối với các hoạt động tương tác của người dân và đề xuất các gói giải cứu kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD, Tổng thống Trump gần như đã từ bỏ giọng điệu lạc quan. Tuy nhiên, dựa trên dự báo rất kinh khủng của chính ông, khoảng thời gian để ông hiểu được vấn đề có thể đã phải trả giá đắt bằng sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế y tế và kinh tế của Mỹ.

Trong một buổi họp báo của Nhà Trắng, ông nói với các phóng viên: "Chúng ta đang tiến gần lên đỉnh dốc chứ không phải là đã vượt qua nó". Tổng thống Trump nói về phản ứng của chính quyền trước sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), nhưng chính điều đó cũng có nghĩa rằng ông đang nói về một loạt những hậu quả khi không có sự chuẩn bị phù hợp cho dân chúng về những thiệt hại có thể xảy ra liên quan tới tính mạng và nền kinh tế.

Càng ít sự chuẩn bị thì càng nhiều thiệt hại- cả về sức khỏe của người dân, nền kinh tế, và hai điều đó sẽ ảnh hưởng tới tương lai chính trị của Trump.

Thực tế là các khía cạnh này đều tác động qua lại lẫn nhau. Việc Tổng thống Trump không cảnh báo trước cho công chúng về tính nghiêm trọng của đại dịch này trong nhiều tuần lễ- ông từng đảm bảo với người dân Mỹ rằng COVID-19 không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng- có thể đã khiến người dân không được nâng cao nhận thức về những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Anthony Fauci, người đứng đầu Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã phát biểu khi đứng gần Tổng thống Trump như sau: "Khi bạn phải đối mặt với tình trạng một bệnh truyền nhiễm mới bùng phát, nếu bạn cho rằng ngày hôm nay phản ánh đúng những gì đang xảy ra xung quanh bạn, thì thực ra bạn đã không đánh giá đúng tình hình thực tế".

Dịch COVID-19 đang lan rộng tại Mỹ khiến Trump phải thừa nhận sai lầm nhưng liệu ông có sửa chữa được sai lầm này?
Dịch COVID-19 đang lan rộng tại Mỹ khiến Trump phải thừa nhận sai lầm nhưng liệu ông có sửa chữa được sai lầm này?

Như tin đã đưa, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã có mức giảm điểm trong một ngày lớn nhất trong lịch sử, tụt gần 3.000 điểm, tương đương 13%, xuống chỉ còn xấp xỉ 20188,52.

Tổng thống không nên ngạc nhiên rằng đưa ra dự báo đen tối hơn về khủng hoảng có thể ngay lập tức khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Trong hơn 3 năm qua, Trump chỉ luôn nói những điều lạc quan nhất về thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Điều đó đã thay đổi vào ngày 16/3 vừa qua.

Khi được hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái, ông nói: "Cũng có thể". Tuy nhiên, sau đó ông bổ sung thêm rằng "điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm cho thị trường chứng khoán là chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này".

Trừ việc tự cho mình "10 điểm" về cách đối phó với SARS-CoV-2, những lời lẽ thốt ra từ miệng Tổng thống Trump khó mà nhận ra. Ông ca ngợi truyền thông đã "công bằng" khi đưa tin và giải thích rõ rằng khi ông nói mọi việc đang "nằm trong tầm kiểm soát" hôm 15/3 thì ông chỉ có ý rằng những nỗ lực của chính phủ đang được phối hợp tốt.

Một sự thay đổi lớn khác là Tổng thống Trump nhấn mạnh tới việc ngăn chặn virus và không tỏ ra lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế. Ông công bố một loạt những chỉ dẫn mới để người dân chống lại sự lây lan của đại dịch này, bao gồm việc dạy học từ xa, hạn chế tụ tập trên 10 người, tránh tới quán bar và nhà hàng, và không tùy ý đi lại khi không cần thiết.

Ông nói: "Chúng ta có một kẻ thù vô hình. Trọng tâm của tôi là thực sự loại bỏ vấn đề này, vấn đề về dịch COVID-19. Một khi chúng ta làm được điều đó, mọi thứ khác sẽ diễn ra suôn sẻ".

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân Mỹ, kinh tế Mỹ cũng đang hứng chịu những hậu quả nặng nề.
COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân Mỹ, kinh tế Mỹ cũng đang hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Từ những gì các quan chức chính quyền và các chuyên gia bên ngoài đã nói, không còn thời giờ để lãng phí chỉ để nắm bắt được tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay và phải tập trung vào chiến đấu chống lại dịch bệnh. Tổng thống Trump dường như đã hiểu được điều đó vào ngày 16/3. Câu hỏi đặt ra là, với những thiệt hại đã xảy ra, việc làm cho "mọi thứ khác" "diễn ra suôn sẻ" liệu có dễ dàng.

Liên quan tới dịch COVID-19, tờ Washington Post cho biết Quỹ Gia đình Kaiser ngày 13/3 đã công bố số liệu về những người có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 và mắc COVID-19 ở mỗi bang. Theo đó, hai nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là: nhóm những người trên 60 tuổi, và nhóm những người dưới 60 tuổi có các điều kiện khiến họ gặp rủi ro cao hơn.

Không ngạc nhiên, các bang có nhiều người có nguy cơ cao là những bang có dân số đông. California có 11,4 triệu dân thuộc một trong hai nhóm kể trên. Điều quan trọng là, cứ 10 người Mỹ sẽ có 4 người thuộc một trong hai nhóm trên. Ở Tây Virginia, khoảng 1/2 dân số có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là bang duy nhất cho tới thời điểm viết bài báo này không có ca bệnh nào.

Ngoài ra, có 4 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào ngày 17/3. Khoảng 44% dân số của các bang này nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus, trong đó ở bang Florida là 47%. Phần lớn những người Florida nằm trong nhóm có nguy cơ cao đều trên 60 tuổi. Tuy nhiên, có tới 1/4 những người có nguy cơ mắc COVID-19 ở bang này lại nằm ở nhóm dưới 60 tuổi nhưng có các bệnh lý nền khiến họ dễ bị nhiễm bệnh hơn. 

Trên cả nước Mỹ, khoảng 28% những người trưởng thành dưới 60 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19. Đây chỉ là những con số ước đoán, tuy nhiên nó cho thấy Tổng thống Trump đang đánh giá sai về mối đe dọa của dịch bệnh đối với những người Mỹ trẻ.

Dữ liệu đang được cập nhật.

 (Nguồn: TTXVN/nbcnews/washingtonpost)