Việt Nam cần thay đổi
Thuận lợi và thách thức với hiệp định EVFTA cũng có phần nào tương tự như hiệp định CPTPP đối với Việt Nam. Nhưng đây là một mảng thị trường khác và nó có những mặt thuận lợi hơn so với CPTPP. Thuận lợi đầu tiên lớn nhất là Việt Nam rất cần tranh thủ các hiệp định EVFTA lẫn CPTPP để cải cách thể chế.
Việt Nam phải nhân đây để thay đổi hệ thống của mình về thể chế kinh tế, cấu trúc của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tạo thuận lợi khai thác tốt nhất tất cả tiềm năng của đất nước. Một đất nước có thể chế tốt thì hiệu quả nền kinh tế sẽ tăng.
Lâu nay chúng ta có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp. Đây là cơ hội để chúng ta khắc phục những vấn nạn như tham nhũng, lợi ích nhóm, kém minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình trong các chính sách...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ thẳng thắn về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia "sân chơi kinh tế EVFTA" |
Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết thông qua những cam kết ở hiệp định này. Việt Nam đã có những cam kết cao để ứng dụng tất cả thể chế mà các nước thừa nhận. Thậm chí về nhiều mặt như bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ... tất cả đều đưa vào trong hiệp định.
Với tất cả những điều kiện này, nếu chúng ta thực thi nghiêm túc thì sẽ đưa Việt Nam lên một ngưỡng cao hơn, đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn. Nó tạo cho chúng ta phát triển bền vững cho chính mình trong tương lai. Vì nếu không có thể chế tốt thì rất khó để phát triển đất nước lâu dài, bền vững. Người ta thường hay nói thể chế nào doanh nghiệp đấy, thể chế nào bộ máy nấy nên chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của thể chế. Các chuyên gia đều đánh giá đây là một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam.
Những hiệp định trên đưa ra những chuẩn mực, lộ trình để Việt Nam thực hiện. Nếu như bao lâu nay, chúng ta loay hoay đi tìm cách phát triển mình thì bây giờ nó có những mô hình, yêu cầu rõ để Việt Nam đưa ra những chương trình, kế hoạch hành động thực thi của mình.
Nó đưa ra một cơ hội rất lớn với Việt Nam, bởi vì chúng ta làm được thì chúng ta mới tận dụng được những cơ hội của các nước khác dành cho mình. Nếu không làm được thì không những không tận dụng được cơ hội mà còn bị trừng phạt. Cho nên nó tạo động lực, áp lực lớn, Việt Nam cam kết thì phải thực hiện.
Hiệp định sẽ giúp Việt Nam trang bị năng lực làm việc tốt hơn, bởi vì trong các hiệp định kể cả đối với EU, họ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật thể đạt được tất cả những yêu cầu Việt Nam đã đưa ra và cam kết. Đây là lợi ích lớn nhất nếu đạt được thì sẽ giúp cho nhà nước và người dân cùng nhau hưởng lợi từ cuộc đổi mới đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 1986.
Đừng để nước khác chớp lấy cơ hội của mình
Lợi ích kinh tế thể hiện trên các mặt: Trước hết chúng ta có cơ hội rất lớn để mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau đặc biệt là sang thị trường liên minh châu Âu (EU). Thị trường liên minh châu Âu quyết định mở cửa cho Việt Nam ở mức độ rất cao với dòng thuế được giảm trên 90%. Hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đều được giảm thuế, tốc độ giảm thuế nhanh, thời gian giảm thuế ngay lập tức. Từ đó cho Việt Nam cơ hội vô cùng to lớn để xuất khẩu sang thị trường này. Một thị trường mà gần 400 triệu dân với mức thu nhập cao, đa dạng về nhu cầu tiêu dùng.
Ví dụ như chúng ta xuất khẩu hàng giày dép rất tốt nhưng hàng may mặc rất hạn chế. Nhưng có hiệp định EVFTA chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhóm hàng may mặc lên. Hoặc là hàng nông sản, chúng ta có tiềm năng rất lớn, nhưng xuất khẩu không bao nhiêu thì thời điểm này là cơ hội.
EVFTA được đánh giá là cơ hội cho ngành may mặc tấn công thị trường EU. |
Ngoài xuất khẩu thì Việt Nam còn có cơ hội nhập khẩu những sản phẩm tốt hơn về nước mình kể cả thiết bị máy móc và công nghệ. EU là một khu vực hết sức tiên tiến trên thế giới, với mức độ đầu tư vào công nghệ cao rất lớn. Việt Nam thì đang khát khao phát triển theo công nghiệp 4.0, thì EU là một nguồn cung cấp, bán hàng, đối tác lớn cho lĩnh vực này.
Lâu nay các doanh nghiệp khao khát nhập những mặt hàng chất lượng nhưng do thuế quá cao cho nên chúng ta cũng hạn chế. Nay hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế giảm sâu, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu hàng cao cấp. Nhập khẩu hàng chất lượng như vậy, nó mới nâng tầm của nền kinh tế Việt Nam lên, và làm cho nền tảng kinh tế của chúng ta tốt hơn và điều đó thật sự tăng nội lực cho Việt Nam.
Chứ không phải nhập khẩu để đáp ứng một số nhu cầu xuất khẩu, lấy các sản phẩm trung gian để xuất khẩu thì cuối cùng Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì. Mà phải nhập khẩu những mặt hàng giúp cho nền tảng kinh tế phát triển, cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam thì mới giúp sự phát triển chung.
Khía cạnh thứ hai về đầu tư, với những hiệp định này, giúp cho Việt Nam có được những dòng đầu tư tốt hơn từ EU. Lâu nay EU cũng là đối tác đầu tư tương đối lớn tại Việt Nam nhưng ở mức độ không đáng kể so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Và cho đến nay Việt Nam vẫn tiếp nhận hơn 70% đầu tư từ châu Á Thái Bình Dương.
Bây giờ Việt Nam rất cần những đầu tư có trình độ công nghệ cao, có những cam kết lớn yêu cầu về thương mại, chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia. Đây là lợi ích rất lớn cho Việt Nam và cả các doanh nghiệp tại EU. Họ cũng mong muốn tìm kiếm một cứ điểm mới ở Việt Nam, tại khu vực để mở rộng phạm vi hoạt động của EU.
Chính vì vậy Việt Nam rất cần làm sớm những việc cải thiện môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh của mình để thu hút những đối tác đầu tư từ EU, trước khi họ có những hiệp định tương tự với các nước khác. Và nước khác họ lại chớp mất cơ hội của mình.
Cơ hội thứ ba là những giao lưu khác về khoa học công nghệ, Giáo dục Đào tạo, quản trị, thì EU là nơi có phát triển rất tốt để cho Việt Nam tăng cường trao đổi và giao lưu, học hỏi. Chúng ta sẽ làm theo cách mới để Việt Nam rút ngắn được thời gian cải thiện kinh tế, nâng mình lên, phát triển đất nước theo đúng tham vọng của mình cũng như là theo yêu cầu của các nước đối tác.
Hiệp định cũng sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam theo học tại EU tăng lên mạnh cũng như các dòng chuyên gia từ EU sao Việt Nam sẽ ngày một nhiều hơn; điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Điều thứ tư, hiệp định này, không chỉ giúp quan hệ trực tiếp giữa hai bên mà còn tăng cường khả năng phạm vi đóng góp của mình trong khu vực và sự phát triển chung của toàn cầu.
Trong khi xu hướng toàn cầu vẫn có những bất lợi, như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và sự bất ổn một số quốc gia thì việc củng cố quan hệ với Liên minh châu Âu giúp Việt Nam củng cố được vị thế của mình trong khu vực, cũng như quốc tế. Quan hệ bền vững trong Liên minh châu Âu EU, sẽ giúp Việt Nam đỡ đi gánh nặng khi phải đối phó với những biến động của các đối tác khác rất lớn trên thế giới như là Trung Quốc, Hoa Kỳ khi mà họ có xung đột thương mại với nhau.
EU là thị trường tiềm năng nhưng được đánh giá là khá khó tính nên cũng không phải là dễ dàng với doanh nghiệp Việt Nam. |
Nếu cơ hội trôi đi thì sẽ không báo giờ trở lại
Còn nói về thách thức lớn nằm ở năng lực của chính Việt Nam. Cơ hội rất lớn, nhưng trên thực tế Việt Nam có nắm được không là tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh của mình có làm được hay không? Có chơi tốt được hay không? Có đủ hấp dẫn để các nước EU tham gia vào thị trường của mình, mua hàng của mình, để đầu tư hợp tác với Việt Nam hay không? Năng lực Việt Nam còn hạn chế hiện nay là một điều rất khó.
Thứ hai là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thật tốt, nói chung là thể chế của Việt Nam cần rất nhiều thay đổi để làm yên tâm các nhà đầu tư từ EU làm ăn với Việt Nam. Và cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên để có thể nắm bắt được cơ hội mới, vượt qua những thách thức lớn.
Nếu chúng ta không thay đổi được thể chế, môi trường kinh doanh thì sẽ không nắm bắt được cơ hội và và bị thách thức dồn dập.
Thứ ba, trong thời đại hiện nay rất cần doanh nghiệp và các quốc gia tăng khả năng kết nối trên thực tế tốt với các nước. Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định với bên ngoài, là thành viên của WTO hơn 10 năm nhưng trên thực tế mức độ kết nối giữa Việt Nam và các nước theo hướng thuận lợi cho mình vẫn chưa cao.
Đến tận bây giờ mình vẫn làm gia công, hơn chục năm chúng ta vẫn cứ vui vẻ làm gia công và không vươn lên được các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Điều đó chứng tỏ năng lực kết nối cấp của Việt Nam hạn chế ở tầm doanh nghiệp đến quốc gia.
Trên danh nghĩa hiệp định đã ký, hai bên cùng bắt tay nhau để cùng hưởng lợi đến đâu thì nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của mình. Nếu mình ở trình độ thấp quá thì sẽ không kết nối được với EU và ngược lại.
Cuối cùng là nhân tố về sáng tạo, thế giới hiện nay biến động rất lớn về công nghệ. Nó đòi hỏi chúng ta phải nhạy bén, nắm bắt tình hình xử lý tốt những tình huống xảy ra, dự báo được những gì sẽ xảy ra, luôn luôn đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của thế giới. Đây là điều mà Việt Nam còn hạn chế.
Khi mà đất nước còn nhiều hạn chế như vậy thì thách thức là sẽ học hỏi theo chiều hướng tiêu cực: Họ lời mười nhưng Việt Nam chỉ có một nhưng lại chịu nhiều thách thức hơn và cơ hội sẽ trôi đi. Và trong thời đại này thì cơ hội trôi đi sẽ không bao giờ trở lại. Đất nước khác họ sẽ nắm cơ hội đó. Còn đất nước mình chỉ có mỗi việc là mở cửa thị trường ra, để các nước ùa vào mà mình không đi được tới đâu cả. Đó là kết cục không đáng trông đợi.