Theo trang mạng phân tích “Valdaiclub”, năm 2019, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đối mặt nguy cơ rủi ro tăng cao và điều này khiến cho triển vọng năm 2020 càng thêm bất ổn. Tăng trưởng đã giảm khoảng 6,3% trong quý IV/2019 so với cùng kỳ năm trước đó tại Nhật Bản.
Tại Đức, sản lượng công nghiệp đã giảm mạnh 3,5% trong tháng 12/2019. Tình hình tại Pháp cũng không sáng sủa khi chứng kiến tăng trưởng âm trong quý IV/2019 và con số sản lượng công nghiệp rất tồi tệ khi giảm tới 2,6%.
Các nền kinh tế lớn khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng. Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vẻ như vẫn kiên cường chống đỡ. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế khoảng 2,1% trong quý IV/2019 chưa đủ để tạo thành một “cú hích”. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 6% vào quý IV/2019, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua.
Ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Trung Quốc có thể bị Ấn Độ lấp chỗ trống thị trường xuất khẩu, theo nhận định từ Business Insider. |
Dịch COVID-19 đã đưa ra một ví dụ điển hình về những hậu quả của quá trình toàn cầu hóa. Từ quan điểm vệ sinh dịch tễ, virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có mức độ nguy hiểm tương đối thấp nhưng lại rất dễ lây lan.
Đây là lý do tại sao số người nhiễm cao hơn nhiều so với Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 và những hậu quả kinh tế của nó cũng lớn hơn. Dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc và sau đó đã lan ra khắp thế giới do các phương tiện giao thông, làm hồi sinh các biện pháp kiểm dịch truyền thống.
Trên thực tế, có rất ít sự khác biệt giữa “Bệnh dịch hạch 1720” tại Marseilles và dịch COVID-19 về cơ chế lây truyền. Sự bùng phát của dịch bệnh cách đây hai thế kỷ được cho là gắn liền với toàn cầu hóa. Một con tàu mang tên Le Grand Saint-Antoine đã mang mầm bệnh và các vật truyền nhiễm như chuột và bọ chét, đến từ vùng Levant.
Tuy nhiên, dịch bệnh này là không thể tránh khỏi. Đó là hậu quả của sự bất cẩn nghiêm trọng và bất chấp các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt về mặt lý thuyết, bao gồm cách ly hành khách và hàng hóa, đại dịch vẫn lan tràn khắp thành phố.
Như thường chứng kiến trong các loại dịch bệnh như thế này, các khu vực nghèo đói nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đại dịch hạch đã khiến khoảng 40.000 người chết trong tổng số khoảng 80-90.000 dân của thành phố. Sau đó đại dịch làn ra khắp Provence, khiến cho khoảng 90-120.000 người bị lây nhiễm.
Nếu được áp dụng một cách chính xác giống như ở thế kỷ 18, các biện pháp cách ly sẽ có hiệu quả. Sẽ không thể tránh các trường hợp tử vong nhưng ít nhất dịch sẽ không bùng phát thành đại dịch. Nhưng quyết định được đưa ra đã đặt yếu tố lợi nhuận lên trên vấn đề an ninh, bất chấp nguy cơ có thể lây lan.
Sự kết hợp giữa lòng tham và sự liều lĩnh đã thể hiện phần nào không những ở Vũ Hán mà cả những phản ứng ban đầu của Trung Quốc. Họ đã tìm cách im lặng thay vì tiến hành các biện pháp phòng chống mà đã có thể giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hậu quả của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn nhưng không thể đánh giá chính xác vào thời điểm hiện nay, đặc biệt khi xét tới "sức nặng" của nền kinh tế Trung Quốc. Trong đại dịch SARS hồi năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 8,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên gần 20%.
Hồng Kông là nơi sinh sống của khoảng 400.000 lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ Philippines và Indonesia. Ảnh: EPA |
Những hậu quả này có thể chia thành 3 loại
Thứ nhất, có những hậu quả ngay lập tức đối với việc đóng cửa một loạt các ngành công nghiệp. Sản xuất bị lao dốc, sức tiêu thụ nguyên liệu thô cũng giảm sút. Nếu theo đúng dự đoán, GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm 2 điểm phần trăm và điều này đồng nghĩa GDP toàn cầu cũng bị giảm (0,4 điểm phần trăm).
Tác động trực tiếp đối với các quốc gia như Pháp, Nga, hiện đang xuất khẩu và chiếm lượng lớn sản xuất hydrocacbon, là rất dễ nhận thấy. Đối với Pháp, tác động còn nghiêm trọng hơn với sự sụt giảm của ngành du lịch và tiêu thụ.
Thứ hai, hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi một phần không đáng kể giá trị gia tăng được sản xuất ở châu Âu có liên quan đến Trung Quốc. Khoảng 60-80% dược chất trong các sản phẩm dược được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tương tự, trong ngành xe hơi, rất nhiều bộ phận như bình ắc quy cho các xe điện hay các linh kiện điện tử được sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, ngoài những cú sốc trực tiếp thì còn cả những cú sốc gián tiếp. Các chuỗi giá trị cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu chứ không chỉ trong các sản phẩm được sản xuất tại nước này.
Cuối cùng, sẽ có cú sốc về trì hoãn. Đối với các nước đang bị ảnh hưởng (Hàn Quốc, Italy và thậm chí cả Mỹ), tác động trực tiếp của dịch bệnh này cũng như các hiệu ứng hoảng loạn do nó gây ra sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bên ngoài Trung Quốc sẽ chứng kiến sản xuất bị sụt giảm trong quý II/2020. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ rõ, dịch bệnh có thể khiến kinh tế thế giới bị sụt giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Ngoài ra, dịch bệnh này cũng có thể gây ra những hậu quả tài chính nghiêm trọng. Rất nhiều công ty sẽ đối mặt với vấn đề về dòng tiền do doanh thu sụt giảm. Điều này sẽ gây ra nguy cơ “nợ xấu” đối với các ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng sẽ phải đền bù cho các khách hàng về rủi ro dịch bệnh.
Tất nhiên, các ngân hàng trung ương đã nhận thức được vấn đề và buộc phải duy trì tỷ lệ lãi suất thấp. Mặc dù vậy, hiệu quả tăng cường sản xuất sẽ không cao. Dịch bệnh này đã nâng cao nhận thức về các nguyên tắc của chủ quyền kinh tế, cho dù đó là lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp hay thậm chí công nghiệp, đóng vai trò trung tâm đối với các xã hội. Tuy nhiên, những quan niệm về chủ quyền kinh tế tương phản với những quan niệm của toàn cầu hóa.
(Nguồn: TTXVN)