Khi chính quyền trở nên tuyệt vọng hơn – chứng kiến những cáo buộc vô căn cứ của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng virus này xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và Trung Quốc đã cố tình che giấu thông tin – một loạt cơ chế nhằm trừng phạt Trung Quốc đã được nêu ra.
Điều kỳ lạ nhất là ý tưởng cho rằng Mỹ sẽ hủy bỏ một phần trong số 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Mọi nỗ lực như vậy sẽ gây ra sự hỗn loạn trên một thị trường phụ thuộc vào các dòng vốn nước ngoài, cũng như diễn ra vào thời điểm Bộ Tài chính Mỹ sắp tung ra thị trường 3.000 tỷ USD để hỗ trợ thâm hụt và trong bối cảnh nước Mỹ cần sự hỗ trợ đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.
Điều đó sẽ giống như khủng hoảng vỡ nợ quốc gia khiến giới đầu tư nước ngoài hoảng sợ và sẽ hủy hoại vị thế đồng đôla của Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Hiện người ta cũng hoài nghi liệu chính quyền Trump có các phương tiện pháp lý hay thực tiễn để thực hiện điều này hay không.
“Biện pháp trừng phạt tối thượng” Các biện pháp khác được đưa ra gồm có các lệnh trừng phạt, lệnh cấm sinh viên Trung Quốc theo học các trường đại học Mỹ, yêu cầu công khai khắt khe hơn đối với các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, cấm các quỹ công được đầu tư vào các chỉ số cổ phiếu quốc tế liên quan tới các công ty Trung Quốc và dỡ quyền miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc để kiện vai trò của Bắc Kinh trong dịch COVID-19 tại các tòa án Mỹ.
Tuy nhiên, thuế quan cuối cùng vẫn là vũ khí ưa thích của Trump. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ đã miêu tả chúng là “biện pháp trừng phạt tối thượng”. Chính quyền đã liên tục bỏ qua những phân tích áp đảo cho rằng chính giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đang phải trả cho thuế cho Trump, chứ không phải là các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại đã gây thiệt hại cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Trong khi đại dịch và cuộc bầu cử có thể tạo bối cảnh cho giọng điệu sắc sảo hơn mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc, thì những kết quả ban đầu từ thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc của Trump lại không giúp cải thiện quan hệ hai nước.
Thỏa thuận này gồm cam kết của Trung Quốc tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, hàng hóa sản xuất và dịch vụ của Mỹ lên đến 200 tỷ USD trong hai năm. Đổi lại, Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế đối với 120 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và hoãn việc áp thuế đối với 160 tỷ USD khác.
Hiện Trung Quốc đang làm chậm cam kết của nước này. Họ đã mua thêm đậu tương và năng lượng từ Mỹ, song cũng tăng lượng mua từ các nước khác và giảm hơn 2 lần tỷ lệ mua trong số còn lại của khung thời gian 2 năm của thỏa thuận. Nhiều khả năng, Trung Quốc không thể đáp ứng được các điều khoản của thỏa thuận đình chiến thương mại.
Bắc Kinh có cớ của họ khi nền kinh tế Trung Quốc đã co lại chỉ còn 4,8% trong quý 1 – lần sụt giảm GDP đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính – và đại dịch có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nền đến cả nền kinh tế trong nước lẫn nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian tới.
Hình biếm hoạ trên tờ South China Morning Post về màn khẩu chiến thời gian qua về dịch Covid-19 giữa Mỹ - Trung - Ảnh: Kaliz Lee |
Trên thực tế, đại dịch đang phơi bày tư duy nông cạn của chính quyền Trump khi cứ bám chặt vào thâm hụt thương mại. Nếu Trump muốn thu hẹp những thâm hụt đó, tất cả những gì cần làm là gây ra một cuộc suy thoái. Trong thời kỳ suy thoái, một nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn sẽ chứng kiến sự co lại của nền kinh tế khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngừng mua hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ.
Dữ liệu thương mại trong tuần này cho thấy thâm hụt của Mỹ đã tăng 11,6% trong tháng 3, chủ yếu là do xuất khẩu giảm 9,6% và nhập khẩu giảm 6,2%. Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc đã giảm 4,2 tỷ USD (26%) xuống còn 11,8 tỷ USD – mức thâm hụt thấp nhất trong hơn một thập kỷ rưỡi qua.
Khi nguy cơ sụp đổ kinh tế do đại dịch hoành hành – các dữ liệu khác trong tuần này cho thấy hơn 20 triệu người thất nghiệp trong tháng 4, thâm hụt thương mại Mỹ nhìn chung có thể sẽ giảm. Trong tuần này, Trump đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu nước này không tăng cường thu mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, bất chấp những thách thức rõ ràng về kinh tế.
Nhưng ông cũng nói rằng thỏa thuận thương mại chỉ là thứ yếu đối với mọi hành động mà ông có thể thực hiện chống lại Trung Quốc do vai trò của nước này trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, Trump coi thuế quan là biện pháp trừng phạt tối thượng.
Nhiều khả năng, hai vấn đề này có thể được kết hợp và dẫn đến kết quả chung - việc nối lại cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc.
Trong khi điều đó có thể động chạm đến cơ sở chính trị của ông, đặc biệt khi người dân Mỹ và cả hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ nhìn chung ngày càng trở nên thù địch với Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, nó có thể phá hủy Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới.
Trong khi các nền kinh tế “đau đầu” đối phó với virus Corona, điều cuối cùng mà nền kinh tế toàn cầu cần là một sự bùng nổ về thương mại giữa hai nền kinh tế quan trọng nhất thế giới này. Mỹ có đủ khả năng để giảm chi phí thuế quan của Trump, trong khi nền kinh tế vận hành với một tốc độ hợp lý.
Việc bùng phát đợt thù địch thương mại mới Mỹ-Trung sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mức độ thiệt hại mà đại dịch đang tàn phá. Việc trừng phạt Trung Quốc, cho dù vai trò của nước này trong đại dịch hay việc không thực hiện các cam kết trong thỏa thuận thương mại đúng hạn, dường như có thể là một chiến lược bầu cử tốt. Tuy nhiên, với triển vọng kinh tế ở Mỹ và phần còn lại của thế giới rất ảm đạm, đây có thể là một đòn trừng phạt rất tốn kém và tiêu cực.
(Nguồn: TTXVN)