Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) được biết đến là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Với tiêu chí hoạt động “giá rẻ hàng ngày, mọi người cùng bay”, JPA là hãng hàng không đầu tiên giúp cho loại hình hàng không giá rẻ, vốn còn quá xa lạ vào thời điểm đó, trở nên phổ biến hơn với người Việt.
Qantas rót 50 triệu USD xóa nợ cho Jetstar
Pacific Airlines được thành lập và đi vào hoạt động vào năm 1991 sau khi luật sửa đổi cho phép nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hàng không trong nước. Lúc bấy giờ, các cổ đông ban đầu gồm 7 doanh nghiệp nhà nước với số vốn 40 tỷ đồng, trong đó Cục hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên đã chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, 13,06%) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico, 0,45%).
Năm 1993, Cục hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác trở thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam ( Vietnam Airlines ). Theo đó, các cổ phần của Cục hàng không dân dụng đều chuyển sang cho Vietnam Airlines. Đến năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và từ năm 1996, là thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Bộ nhận diện thời kỳ đầu của Pacific Airlines. Ảnh: M Radzi Desa |
Năm 2005, Pacific Airlines bắt đầu phơi bày tình trạng đuối sức khi Chính phủ phải chuyển toàn bộ cổ phần cho Bộ Tài chính thay mặt quản lý và tái cơ cấu. Lúc này, hãng cắt bớt đường bay không hiệu quả và đàm phán lại để giảm chi phí thuê máy bay. Nhờ đó, Pacific Airlines “thoát chết” lần đầu tiên.
Năm sau đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, Pacific Airlines được chuyển sang cho SCIC điều hành. Đến năm 2007, Tập đoàn Qantas (Australia) trở lại đối tác của SCIC và thực hiện mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược.
Dù trong suốt 10 năm liên tiếp, hãng bay này không một ngày ngừng báo lỗ nhưng Quantas vẫn chấp nhận rót tiền vì “muốn hãng hàng không giá rẻ của riêng mình, Jetstar Airways, có địa điểm đặt chân vào Châu Á”.
Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines vào năm 2008.
Lỗ trăm tỷ rồi lại nghìn tỷ
Trong hai năm liền kề, Jetstar Pacific tiếp tục báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng, dù trước đó các “khoản lỗ chưa rõ con số” đã được xoá sạch nhờ vốn nước ngoài. Ban lãnh đạo lý giải, chuyện lỗ là từ bảo hiểm xăng dầu và chi phí phạt do huỷ hợp đồng thuê máy bay đã ký trong năm 2008.
Giới chuyên gia nhận định, nếu lỗ từ bảo hiểm xăng dầu thì chỉ có thể là do Jetstar Pacific không dự báo đúng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong năm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của hãng lại chỉ ra điều ngược lại. Doanh thu và số hành khách phục vụ của Jetstar Pacific vẫn không đi lùi. Lúc bấy giờ, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang nghi ngờ khả năng đầu cơ vào giá nhiên liệu của Jetstar Pacific.
Giai đoạn 2009-2010, hãng này liên tục rơi vào vòng thị phi. Jetstar Pacific bị một nhân viên cũ tố cáo sử dụng máy bay không an toàn. Tháng 1/2010, nguyên Tổng giám đốc Lương Hoài Nam bị tạm giữ để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến khoản lỗ 31 triệu USD trong quá trình mua xăng dự trữ của hãng.
Câu chuyện lùm xùm sai phạm kết thúc trong năm 2010 nhưng vấn đề lùm xùm về tài chính của hãng lại kéo dài đến năm 2011. Lúc bấy giờ, Jetstar Pacific mang trên mình khoản lỗ tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo lý giải, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chi phí nhiên liệu bay ngày càng tăng, chi phí kỹ thuật cho đội máy bay B737 đã trên 15 năm tuổi càng cao hơn. Mặc dù trước đó, hãng đã sa thải toàn bộ nhân sự thuộc bộ phận bảo trì sau khi bị tố sử dụng máy bay không an toàn.
Jetstar Pacicfic lỗ triền miên, không có điểm dừng dù đã được Qantas rót vốn. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Như để cứu vãn cái chết thứ 2, Jetstar Pacific lại về với “tình cũ” Vietnam Airlines khi hãng hàng không quốc gia tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước từ SCIC với 70% cổ phần. Lúc này, Jetstar lỗ ròng khoảng 2.400 tỷ đồng.
Về với Vietnam Airlines, lần đầu tiên Jetstar biết báo lãi
Một năm sau khi về với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific chuyển sang khai thác hoàn toàn bằng đội bay mới Airbus A320 với 180 ghế đồng hạng phổ thông. Gần ba thập niên báo lỗ triền miên, cuối cùng hãng bay giá rẻ này lần đầu tiên hiểu được cảm giác báo lãi ra sao, dù chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng vào năm 2014.
Năm 2015 được đánh giá là năm phát triển nhanh trong lịch sử hoạt động của Jetstar Pacific. Hãng mở thêm 14 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay khai thác lên 34 đường bay nội địa và quốc tế.
Cuối năm 2015, Vietnam Airlines cùng Tập đoàn hàng không Qantas tiếp tục thống nhất kế hoạch tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của Jetstar Pacific, bao gồm kế hoạch tăng đội bay lên 30 chiếc Airbus A320 đến măm 2020. Theo đó, Jetstar tăng lãi lên 112 tỷ đồng.
Sang năm sau, Jetstar Pacific lần đầu tiên chính thức ký hợp đồng mua 10 máy bay thế hệ mới Airbus A320ceo với Tập đoàn Airbus, bàn bàn giao trong năm 2017 để mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế.
Chi tiền mua máy bay khiến hãng này lại lỗ hàng trăm tỷ đồng vào hai năm tiếp theo. Tính đến hết năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific vượt 4.000 tỷ đồng.
Nhờ tích cực mở rộng đội bay, tăng khuyến mại, quản lý chi phí hiệu quả hơn, Jetstar đã cắt lỗ vào năm 2018 và ghi nhận lợi nhuận sau thuế 34,3 tỷ đồng. Tuy nhiên lỗ lũy kế vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2019, Jetstar Pacific ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 205,6 tỷ đồng. Đại diện hãng bay cho biết, đây là kết quả của quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ, sự phối hợp chặt chẽ thương hiệu kép cùng Vietnam Airlines và nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Trong đó, tổng chi phí giảm 13,8% so với kế hoạch.
Jetstar Pacific dần có được lợi nhuận khi về lại Vietnam Airlines, dù khoản nợ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng vẫn lơ lửng. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Việt Nam là thị trường cạnh tranh không thể lường trước
Trong động thái mới nhất, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific. Hãng hàng không giá rẻ này sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để quay về với thương hiệu khai sinh là Pacific Airlines. Đáng chú ý, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 30% cổ phần của Jetstar Pacific từ Qantas để nắm giữ 98%. Điều này đồng nghĩa với việc Qantas chấp nhận từ bỏ Jetstar Pacific sau gần 13 năm bám trụ, cũng như bỏ lại số vốn ít nhất 50 triệu USD rót ban đầu.
Giám đốc điều hành của thương hiệu Jetstar của Qantas, Gareth Evans nói với các nhà đầu tư vào năm ngoái rằng: “Trên giấy tờ Việt Nam có tất cả những dấu ấn của một nơi tuyệt vời để điều hành một hãng hàng không”. Ông trích dẫn GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 17%, Hà Nội - TP.HCM là tuyến bay lớn thứ sáu trên thế giới cùng nhau dấu hiệu tăng trưởng khả quan.
“Tuy nhiên, Việt Nam là một thị trường cạnh tranh không thể lường trước được dù chỉ mới có 35% tổng dung lượng thị trường đang được khai thác”, Evans thừa nhận trong một bài phân tích của Forbes về động thái rút lui khỏi Jetstar Pacific. Ông cho rằng, Qantas đang đi tới giai đoạn cần thiết để thực hiện các thay đổi tại Việt Nam.
Ngay cả khi không có sự cạnh tranh đầy áp lực, Jetstar Pacific vẫn được biết đến bởi các khoản lỗ, mặc dù đã công bố lợi nhuận vào năm 2018, ông lưu ý.
Qantas không sẵn lòng cạnh tranh tại Việt Nam vì Singapore mới là địa điểm chiến lược. Ảnh: Lao động Thủ đô |
Qantas dường như không sẵn lòng chiến đấu trong cuộc chiến thị trường ở Việt Nam. Tạp chí Forbes nhận định, Việt Nam vốn không phải là trung tâm trong chiến lược của Qantas để kết nối Australia và châu Á. Vị trí chiến lược của tập đoàn này đang nằm tại Singapore với hãng Jetstar Asia đang cung cấp các chuyến bay để biến Singapore thành cửa ngõ của Qantas đến châu Á.
Hai hãng hàng không Jetstar Pacific và Jetstar Asia có cùng kích cỡ với lần lượt 17 tàu bay A320 và 18 tàu A320s, theo dữ liệu Airfleets. Nhưng thị trường Singapore lại tỏ ra ổn định hơn cho Jetstar khi chỉ có một đối thủ duy nhất là tập đoàn Singapore Airlines.
Fobers kết luận: “Ngay cả ở thời kì hoàng kim, Jetstar Pacific dường như cũng không tương thích với tập đoàn đến từ Australia. Jetstar Pacific y hoạt động khá độc lập, tự tìm kiếm nguồn cung ứng máy bay thay vì phụ thuộc vào đơn đặt hàng của Qantas”.
Hơn nữa, Qantas đang có một thương hiệu trực tiếp hoạt động tại Việt Nam. Evans cho rằng: “Thương hiệu trực tiếp Jetstar của chúng tôi có các chuyến bay từ Sydney và Melbourne đến TP.HCM đang hoạt động mạnh mẽ”. Ông còn khẳng định, Bamboo Airways hay Vietjet Air không thể cạnh tranh nổi với hãng bay này của họ.