You have an error in your SQL syntax; check the manual that corresponds to your MariaDB server version for the right syntax to use near ') order by views DESC, news_id DESC limit 2' at line 1
Điều gì cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên?

Điều gì cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên?

AN LY (t/h)

Liệu sự "tái xuất" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có làm thay đổi thực trạng bế tắc hiện nay của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều?

Theo nhận định của tờ nhật báo Korea Times ( Hàn Quốc ) số ra ngày 5/5, câu hỏi này luôn thường trực trong suy nghĩ của những người quan tâm đến tình hình bán đảo Triều Tiên .

Yếu tố cản trở đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như rất vui với sự xuất hiện trở lại của ông Kim Jong-un khi ngay lập tức đăng một dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân rằng "Tôi rất vui khi thấy ông ấy xuất hiện trở lại và khỏe mạnh!".

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Trump cũng nói thêm rằng có thể (ông) sớm có cuộc nói chuyện với Kim Jong-un vào cuối tuần này, song không đề cập thêm chi tiết. Với những gì ông Trump thể hiện ở trên, khả năng nối lại các cuộc đàm phán Mỹ-Triều ở cấp cao nhất một lần nữa lại khiến dư luận phải lưu tâm.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của tờ Korea Times ngày 5/5, các chuyên gia cho rằng có hai yếu tố chính cản trở việc Mỹ và Triều Tiên nối lại đàm phán trong thời điểm hiện nay: một là cả hai nước đều đang tập trung cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hai là Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.

Điều gì cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên? Ảnh: KCNA.
Điều gì cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên? Ảnh: KCNA.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đã bị ngưng trệ kể từ sau thất bại của cuộc đàm phán giữa giới chức hai nước diễn ra ở Thụy Điển hồi tháng 11/2019. Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học Triều Tiên ở Hàn Quốc cho rằng chính quyền Kim Jong-un sẽ không có động thái gì cho đến tháng 11/2020, khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Thay vào đó, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tận dụng quãng thời gian này để vạch ra những chiến lược đối phó với nước Mỹ giai đoạn hậu bầu cử. Ông nhấn mạnh: "Trong quá khứ, chúng ta chưa bao giờ được chứng kiến những tiến triển rõ rệt của mối quan hệ Washington-Bình Nhưỡng trong giai đoạn diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Giáo sư Yang Moo-jin lưu ý thêm rằng "một vấn đề khác cũng cần chú ý là cả hai nước đang tập trung cho cuộc chiến chống COVID-19. Theo quan điểm của ông Trump, điều quan trọng ở thời điểm này là duy trì hiện trạng, nói cách khác, chính quyền Bình Nhưỡng không có thêm tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân tên lửa .

Về phần mình, Kim Jong-un sẽ vạch ra kế hoạch hành động theo hai kịch bản: một là Triều Tiên sẽ làm gì nếu Donald Trump tái đắc cử? Hai là Triều Tiên sẽ làm gì khi Biden giành chiến thắng". Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn chỉ trích chính sách Triều Tiên của chính quyền Trump. Vì vậy, nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Chiến lược dài hơi

Mặc dù Triều Tiên được cho là khá thụ động trong việc tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ trong năm nay, song một số nhà phân tích lưu ý rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã khẳng định theo đuổi đàm phán với Washington trong dài hạn và sẽ nỗ lực để khẳng định vị thế là một đối tác đàm phán "tương xứng", cho dù tổng thống Mỹ tới đây là ai.

Theo cách nhìn nhận này, Hong Min - Trưởng nhóm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (KINU) - cho rằng việc chính quyền Bình Nhưỡng thành lập một đơn vị mới đặc trách vấn đề Mỹ trực thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên là một thông điệp mạnh mẽ gửi cho cả ông Trump và ông Biden.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Hong Min nhấn mạnh: "Việc Triều Tiên cho thành lập một đơn vị chuyên trách về đàm phán với Mỹ là một tín hiệu rất quan trọng. Đó là một thông điệp không chỉ gửi cho ông Donald Trump mà là cả ông Joe Biden.

Điều này có nghĩa là chính quyền Bình Nhưỡng coi các cuộc đàm phán với Washington là một vấn đề được duy trì trong dài hạn chứ không phải vấn đề có thể từ bỏ nếu không đạt được thành quả dưới thời chính quyền Trump.

Bên cạnh đó, việc Bình Nhưỡng cố tình thông báo về việc này là để thể hiện rõ quan điểm luôn coi trọng vấn đề đàm phán và muốn được coi là một đối tác đàm phán xứng tầm. Mặc dù chưa chắc chắn ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo, song Bình Nhưỡng đang gửi thông điệp cho cả hai rằng sẽ vẫn giữ cam kết đàm phán với Mỹ".

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng nhiều khả năng chính quyền Kim Jong-un sẽ không tiến hành thêm các hành động khiêu khích quyết liệt nào trong giai đoạn "bấp bênh" hiện nay để giảm thiểu trở ngại cho việc tiến tới nối lại đàm phán với Mỹ trong tương lai.

Tên lửa chiến lược của Triều Tiên được diễu qua đường phố thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Tên lửa chiến lược của Triều Tiên được diễu qua đường phố thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Triển vọng quan hệ liên Triều

Mặc dù các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang bị "đóng băng", song Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn nói rằng Seoul sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác liên Triều có thể thực hiện được trong bối cảnh có những hạn chế từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Moon Jae-in còn rất ít thời gian để đạt được những thành quả thực sự với Triều Tiên khi chuẩn bị ở năm thứ 3 của nhiệm kỳ vào ngày 10/5 tới. Theo các chuyên gia, viễn cảnh thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều (sau khi chính quyền Moon Jae-in lấy lại được niềm tin với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua) là chưa rõ ràng bởi mối quan hệ giữa hai miền vẫn là "vấn đề thứ yếu" theo quan điểm của Bình Nhưỡng.

Ông Hong Min nói "Đối với Triều Tiên, điều quan trọng nhất hiện nay là mối quan hệ với Mỹ bởi các mối quan hệ mới đều có thể mang lại những cơ hội kinh tế mới. Bình Nhưỡng coi mối quan hệ với Trung Quốc là thực sự cấp bách bởi sự hỗ trợ không thể thiếu của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại phụ thuộc vào mối quan hệ Triều-Mỹ và Triều-Trung".

Trong thông điệp chào năm mới 2020, ông Moon Jae-in đã đưa ra đề xuất hợp tác với Triều Tiên trong các lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu và giao lưu qua biên giới. Mới đây, ông Moon Jae-in cũng đề cập đến sự phối hợp giữa hai miền Triều Tiên trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Một quan chức cấp cao của Nhà Xanh nói: "Kể từ khi ông Kim Jong-un xuất hiện trở lại đến nay, chúng tôi không có bất kỳ liên lạc nào từ phía Triều Tiên. Chúng tôi vẫn đang đợi thông tin phản hồi từ họ". Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, dường như chính quyền Moon Jae-in sẽ không đưa ra bất cứ đề xuất hợp tác mới nào với Bình Nhưỡng trong tương lai gần.

(Nguồn: TTXVN)