Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vai trò của phụ nữ trong kinh tế và xã hội ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí của mình, phụ nữ – đặc biệt là các nữ doanh nhân – phải vượt qua không ít rào cản. Họ không chỉ đảm đương vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp mà còn phải cân bằng nhiều trọng trách trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, sâu sát, nhiệt huyết và bản lĩnh trở thành những phẩm chất thiết yếu giúp phụ nữ tạo dựng dấu ấn riêng và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong hành trình đó, giáo dục đóng vai trò then chốt, là nền tảng trao quyền và mở ra cánh cửa cho sự tiến bộ thực chất của phụ nữ.
![]() |
Số lượng, sự hiện diện của nữ sinh tại các trường đại học hàng đầu cũng ngày càng rõ nét. |
Những bước tiến đáng ghi nhận
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong việc mở rộng cơ hội giáo dục cho nữ giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ nữ sinh theo học đại học tại Việt Nam đã tăng ổn định trong gần hai thập kỷ qua – từ 48% vào năm 2006 lên gần 55% vào đầu năm học 2019–2020. Không chỉ dừng lại ở mặt số lượng, sự hiện diện của nữ sinh tại các trường đại học hàng đầu cũng ngày càng rõ nét. Trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới do Times Higher Education công bố, bốn đại diện của Việt Nam đều có tỉ lệ nữ sinh cao hơn nam, đặc biệt là Đại học Fulbright Việt Nam với tỉ lệ nữ sinh chiếm đến 2/3.
Những con số này cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu bình đẳng giới – một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đề ra vào năm 2015. Sự hiện diện ngày càng lớn của phụ nữ trong giáo dục đại học không chỉ mang ý nghĩa về mặt học thuật mà còn là tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi nhận thức xã hội đối với vai trò và tiềm năng của phụ nữ.
Giáo dục – Nền tảng của sự trao quyền
Giáo dục không đơn thuần là việc học tập tri thức mà còn là quá trình trao quyền, giúp phụ nữ phát triển sự tự tin, khả năng tư duy độc lập và năng lực lãnh đạo. Phụ nữ được học hành bài bản thường có khả năng quản lý thời gian, nguồn lực và vượt qua căng thẳng – những kỹ năng sống quan trọng giúp họ tự tin đối mặt với các thử thách trong công việc và cuộc sống.
Giáo dục đại học còn là môi trường giúp phụ nữ xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội, kết nối với người cố vấn và đồng nghiệp – những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp. Khi có người dẫn dắt và chia sẻ kinh nghiệm, phụ nữ trẻ không chỉ được trang bị kiến thức thực tế mà còn được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để kiên định với mục tiêu của mình.
![]() |
Giáo dục không đơn thuần là việc học tập tri thức mà còn là quá trình trao quyền, giúp phụ nữ phát triển sự tự tin, khả năng tư duy độc lập và năng lực lãnh đạo. |
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có học vấn cao thường có khả năng bảo vệ tốt hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Họ không chỉ trở thành những người lao động có giá trị, mà còn là những hình mẫu truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dám ước mơ và theo đuổi sự nghiệp một cách bền vững.
Những khoảng trống cần lấp đầy
Dù có những tiến bộ rõ rệt, song không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều rào cản đang kìm hãm sự tiến bộ của phụ nữ. Trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) – lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế hiện đại – tỉ lệ nữ sinh tốt nghiệp tại Việt Nam mới chỉ đạt 36,5% tính đến năm 2024. Con số này cho thấy sự mất cân bằng giới tính đáng lo ngại, đồng thời phản ánh định kiến giới vẫn tồn tại trong việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp.
Không chỉ vậy, mặc dù Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thuộc hàng cao nhất thế giới (70%), nhưng số lượng phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp trung và cấp cao chỉ chiếm hơn 17% tính từ năm 2022. Điều này cho thấy một "trần kính" vô hình vẫn đang tồn tại trong tổ chức và doanh nghiệp, khiến phụ nữ khó vươn lên những vị trí quyền lực.
Vai trò của môi trường học thuật và chính sách hỗ trợ
Để phát huy tối đa vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, không chỉ cần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học mà còn cần tạo ra một môi trường học tập hòa nhập, linh hoạt và thấu hiểu. Các trường đại học cần xây dựng các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, chú trọng đến các nhu cầu đặc thù của phụ nữ như hỗ trợ tài chính, chương trình cố vấn, và các dịch vụ chăm sóc tinh thần.
![]() |
Các trường đại học cần xây dựng các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, chú trọng đến các nhu cầu đặc thù của phụ nữ. |
Ngoài ra, cần khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và lãnh đạo dành cho nữ sinh, giúp họ tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động và đảm nhận các vai trò quan trọng trong xã hội. Khi có thêm nhiều hình mẫu thành công, phụ nữ trẻ sẽ có thêm động lực để theo đuổi những mục tiêu lớn lao.
![]() |
TS Bá Thị Châm ( phải) và TS Nguyễn Thị Thúy Hường- hai nữ khoa học có nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong thực tế. |
Những gì phụ nữ Việt Nam đạt được trong thế kỷ 21 là minh chứng cho sức mạnh của giáo dục trong việc tạo dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là duy trì và mở rộng những thành quả đó, để các thế hệ phụ nữ tương lai có thêm cơ hội và điều kiện phát triển. Bằng việc đầu tư vào giáo dục, chúng ta không chỉ trao quyền cho phụ nữ mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội bền vững – nơi mà mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, đều có thể phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình.
Các nhà khoa học nữ Việt Nam "trình làng" hơn 50 sản phẩm KH&CN đột phá tại IP Day 2025
Loạt sản phẩm khoa học công nghệ đa dạng và đột phá, kết quả nghiên cứu miệt mài của các nhà khoa học nữ Việt Nam, đã trở thành tâm điểm tại Triển lãm IP Day 2025.