Tham dự Hội nghị, về phía lãnh đạo thành phố Huế có các đồng chí: Nguyễn Chí Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế; Phạm Thị Minh Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Thành ủy; Hà Văn Tuấn, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huế; Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Huế; Hồ Thắng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy. Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Về phía Hội Nữ trí thức, có GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, các Phó Chủ tịch Hội và gần 200 đại biểu là các nữ khoa học, nữ trí thức, các báo cáo viên.
![]() |
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức phát biểu khai mạc |
Tổ chức trong một thời điểm quan trọng, khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị Quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Hội nghị tập trung vào chủ đề “Đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên”. Đây là một chủ đề vô cùng thiết thực, nhằm tìm kiếm những giải pháp khoa học, công nghệ và sáng tạo để giải quyết các vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn này. 46 báo cáo gửi đến Hội nghị học thể hiện nhiều nội dung, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nêu bật thực trạng, đề xuất những giải pháp bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững đất nước nói chung và khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói riêng...
![]() |
Ông Nguyễn Chí Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế phát biểu chào mừng Hội nghị |
Phát biểu chào mừng Hội nghị, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị, đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ khoa học lần thứ IV của Hội Nữ trí thức thành phố Huế. Đồng thời khẳng định chương trình của Hội nghị phong phú, đa dạng, sát với chủ đề đặt ra. Từ thành công của 3 kỳ Hội nghị trước, GS.TS Lê Thị Hợp kỳ vọng Hội nghị lần này sẽ tiếp tục là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học nữ trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến và giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu chỉ đạo |
Nhấn mạnh vai trò của tri thức trong sự phát triển của xã hội, ông Nguyễn Chí Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định tri thức đã và đang trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển và hội nhập. Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại Huế là minh chứng cho điều này. Chủ đề của Hội nghị “Đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên” không chỉ phản ánh sự chuyển mình trong tư duy khoa học và công nghệ mà còn nhấn mạnh vai trò đặc trưng của nữ trí thức, các nữ khoa học trong việc triển khai những chính sách và giải pháp đột phá trong các lĩnh vực cấp thiết như bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV là sự tiếp nối các hội thảo trước trong một bối cảnh mới : phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Theo đó, các nội dung chia sẻ tại Hội nghị sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ nghiên cứu, báo cáo đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về một số lĩnh vực quan trọng của phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian tới. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị Hội Nữ trí thức Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt vai trò tập hợp, kết nối, phát huy tiềm năng trí tuệ và khả năng đóng góp của lực lượng nữ trí thức, tích cực nghiên cứu, đề xuất tham gia gia phản biện , xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng,Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng; đặc biệt vận động , hỗ trợ hội viên nắm bắt , tận dụng các cơ hội đột phá về khoa học và công nghệ mà Nghị quyết số 57 đã mở ra cho các nhà khoa học trong quá trình vươn lên bứt phá, tìm kiếm hướng đi mới , tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
![]() |
Lãnh đạo thành phố Huế tặng hoa chúc mừng Hội nghị |
![]() |
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo thành phố Huế |
Thay mặt Hội Nữ trí thức Việt Nam, PGS.TS Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam Hiền tiếp thu, ghi nhận những ý kiến chỉ đạo của Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đối với Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hội nghị. PGS.TS Trương Thị Hiền cho biết sẽ triển khai các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Hội trong thời gian tới.
![]() |
Lãnh đạo thành phô Huế chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam và các trưởng đoàn |
Vai trò quan trọng của nữ trí thức trong việc bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe
Tại chuyên đề “Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ Khu vực miền trung – Tây nguyên các báo cáo khoa học đã nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học nữ trong việc bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một trong những chuyên đề đáng chú ý là báo cáo đề dẫn của PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, với chủ đề "Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khu vực miền Trung và Tây Nguyên". PGS.TS Mai chia sẻ, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng lực lao động của người dân. Bà khuyến nghị cần triển khai các chương trình can thiệp bền vững để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
BSCKII Hòang Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trình bày báo cáo “Liệu pháp xanh” : Hướng phát triển bền vững trong chăm sóc sức khỏe” chia sẻ sức khỏe phụ nữ trong khu việc Miền Trung-Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh lý cao hơn so với một số khu vực khác trong cả nước. Những năm qua, Bệnh viện Trung ương Huế với vai trò là bệnh viện tuyến cao nhất về chuyên môn tại miền Trung và Tây Nguyên đã phát huy vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số bằng các giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục mở rộng các dịch vụ y tế chuyên sâu, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
![]() |
BSCKII Hòang Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trình bày báo cáo “Liệu pháp xanh” : Hướng phát triển bền vững trong chăm sóc sức khỏe” |
Cũng tại Hội nghị, TS. Bùi Ngọc Trang, Giảng viên Chính trị, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đã chia sẻ về những thách thức đối với sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Các yếu tố như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lao động nặng nhọc, hệ thống y tế chưa hoàn thiện và rào cản văn hóa – xã hội là những thách thức lớn đối với sức khỏe của phụ nữ tại đây. Việc phát triển và ứng dụng các liệu pháp xanh, như xoa bóp bấm huyệt, sử dụng thảo dược bản địa, kết hợp với việc nâng cao nhận thức cộng đồng, được đánh giá là giải pháp bền vững để cải thiện sức khỏe cho phụ nữ tại khu vực này.
Đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường
![]() |
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu báo cáo đề dẫn: "Biến đổi khí hậu và những vân đề liên quan đến an ninh phi truyền thống" |
Ở chuyên đề “Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu- Thực trạng và giải pháp”, Hội nghị tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các báo cáo về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, như nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tân- người vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2024 nghiên cứu về “Xử lý ô nhiễm nước thải bằng công nghệ oxy hóa tiên tiến”, đã cung cấp những giải pháp khả thi trong việc cải thiện môi trường sống, giảm thiểu tác động của ô nhiễm đối với cộng đồng, góp phần nâng cao tính ứng dụng của phương pháp oxy hóa tiên tiến trong xử lý ô nhiễm ở quy mô công nghiệp.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tân trình bày báo cáo |
Một báo cáo đáng chú ý khác của PGS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Công nghệ cao Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng đã đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chọn giống lúa phát thải khí mê-tan thấp. Nghiên cứu này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần nâng cao năng suất lúa và chống chịu với biến đổi khí hậu.
![]() |
GS.TS Nguyễn Thị Lang trình bày báo cáo |
Bảo tồn tri thức bản địa và phát triển bền vững
Trong khuôn khổ hội nghị, TS. Lâm Thị Loan, Đại học Khánh Hòa, đã nhấn mạnh áp lực công việc là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt tại các tỉnh ven biển như Khánh Hòa. Kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện môi trường làm việc và áp dụng các chính sách hỗ trợ để giúp phụ nữ cân bằng công việc và cuộc sống. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của áp lực công việc, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, cung cấp các chính sách phúc lợi hợp lý và hỗ trợ phụ nữ trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và thể chất trong cộng đồng.
TS Ngô Thị Huyền, Trường Đại học Lạc Hồng- Đồng Nai với cách trình bày sôi động đã đánh giá vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy chính sách bền vững ở VN đã đề xuất các giải pháp toàn diện, bao gồm lồng ghép giới trong chính sách khí hậu, tăng cường giáo dục và đào tạo, xóa bỏ định kiến giới, và hỗ trợ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ mà còn góp phần xây dựng các chính sách khí hậu hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế.
![]() |
TS Ngô Thị Huyền, Trường Đại học Lạc Hồng- Đồng Nai khởi động trình bày báo cáo "Nữ giới trong quản trị khí hậu tại Việt Nam: Vai trò, cơ hội, rào cản và giải pháp" bằng một game sôi động với những câu hỏi thể hiện vai trò to lớn của phụ nữ. |
![]() |
GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tổng kết phần 02 Hội nghị Khoa học chuyên đề |
Ngoài các báo cáo khoa học, một trong những điểm nhấn của hội nghị là các gian trưng bày sản phẩm khoa học của nữ trí thức, với sự tham gia của 26 gian hàng, trong đó có nhiều gian hàng từ các hội nữ trí thức tại các địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa và Huế. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự đóng góp của nữ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
![]() |
Hai nhà khoa học nữ giới thiệu sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu của mình tại Hội nghị |
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tham quan Tổ hợp Nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn sinh thái 4F Phong Thu tại Tập đoàn Quế Lâm, trao đổi học tập những vần đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu và ngay sau Hội nghị này. Đồng thời, tham quan mô hình chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Huế để hiểu rõ hơn thực trạng vấn đề về chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi đây, giúp cho các đại biểu có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác của mỗi cá nhân.
Hội nghị Nữ Khoa học toàn quốc lần thứ IV không chỉ là một cơ hội để các nhà khoa học nữ chia sẻ những nghiên cứu và giải pháp khoa học, mà còn là một sự kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Thông qua các chuyên đề về sức khỏe phụ nữ, bảo vệ môi trường và ứng dụng khoa học công nghệ, Hội nghị đã khẳng định vai trò then chốt của nữ trí thức trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội, đồng thời góp phần vào quá trình chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Việc tổ chức Hội nghị tại Huế, một địa phương với nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức về môi trường và sức khỏe cộng đồng, càng làm nổi bật tầm quan trọng của các giải pháp đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tặng bằng khen cho 02 tập thể và 07 cá nhân của Chi hội Nữ trí thức thành phố Huế có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội và đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng bằng khen cho 02 tập thể của Chi hội Nữ trí thức thành phố Huế
PGS.TS Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng bằng khen cho các cá nhân.
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc: Trọng tâm là đổi mới sáng tạo, môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, diễn ra tại Huế từ ngày 3-4/4/2025, hứa hẹn thu hút sự tham gia của hơn 200 nữ khoa học, chuyên gia.