60 báo cáo khoa học tham gia Hội nghị Nữ khoa học lần thứ III-2023

Chiều 10/11, tại Hà Nội, Hội NTT VN phối hợp với ĐH Phenikaa tổ chức 3 Hội thảo chuyên đề trước thềm Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III

Từ 10-11/11/2023, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam (Hội NTT Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Phenikaa tổ chức Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III – 2023 với chủ đề: “Ứng dụng KHCN vào đời sống, xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Có 16 trong tổng số 60 báo cáo khoa học được trình bày tại 3 Hội nghị chuyên đề. Các báo cáo được chuẩn bị chu đáo, đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu khoa học cụ thể, chất lượng báo cáo cao, được các đại biểu quan tâm, đặt nhiều câu hỏi thảo luận và trao đổi.

Hội thảo chuyên đề Khoa học xã hội, nhân văn (KHXHNV) với chủ đề: “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn với đời sống - xã hội” đã nhận được 17 báo cáo, tập trung vào các vấn đề về bình đẳng giới, giáo dục đào tạo, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cộng đồng…

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề Khoa học xã hội, nhân văn với chủ đề: “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn với đời sống - xã hội”. Ảnh: Hoàng Toàn
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề Khoa học xã hội, nhân văn với chủ đề: “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn với đời sống - xã hội”. Ảnh: Hoàng Toàn

 Trong đó, 5 báo cáo tiêu biểu được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo chuyên đề gồm: “Phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường tại Việt Nam”; “Khoa học Xã hội và Nhân văn ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cộng đồng”; “Mô hình hợp tác với công nghiệp UIC và chuyển đổi số đào tạo SĐH ngành Kỹ thuật xây dựng tại trường Đại học Cửu Long”; “Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam trong thực hiện vai trò kép từ góc nhìn giới”; “Phát triển bền vững - Thực trạng và những vấn đề đặt ra về thể chế ở Việt Nam hiện nay”.

PGS. TS Trương Thị Hiền gửi lời cảm ơn tới đông đảo các nữ trí thức đã quan tâm, nhiệt tình tham gia Hội nghị nữ khoa học toàn quốc, tham gia viết bài rất trách nhiệm, đặc biệt là các đại biểu phía Nam. Ảnh: Hoàng Toàn
PGS. TS Trương Thị Hiền gửi lời cảm ơn tới đông đảo các nữ trí thức đã quan tâm, nhiệt tình tham gia Hội nghị nữ khoa học toàn quốc, tham gia viết bài rất trách nhiệm, đặc biệt là các đại biểu phía Nam. Ảnh: Hoàng Toàn

Phát biểu tổng kết Hội thảo chuyên đề KHXH NV, PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trong 17 bài tham luận, tôi thấy bài nào cũng có giá trị riêng. Ví dụ qua thảo luận chia sẻ về “du lịch có trách nhiệm” thì bây giờ chúng ta lại có thêm một nội dung nữa là “an toàn”. Một ví dụ nữa là qua phần phát biểu của chị Tuyết Nhung, chúng ta lại hiểu thêm về vấn đề giới ở Tây Nguyên… Đó là những đóng góp đa sắc màu mà chúng ta có được khi cùng ngồi lại và có những chia sẻ với nhau. Tất cả những điều đó đã tạo nên một buổi Hội thảo chuyên đề vô cùng chất lượng, thu hoạch được nhiều ý tưởng, có thêm nhiều tư duy mới. Qua hội thảo hôm nay chúng ta càng thấy rõ năng lực của phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức. Cùng nhau, chúng ta có thể tiếp tục phát triển các nghiên cứu trong từng lĩnh vực ngày càng tốt hơn".

Hội thảo chuyên đề Môi trường, Nông nghiệp với chủ đề: “Môi trường, nông nghiệp với phát triển bền vững” là Hội thảo chuyên đề có nhiều báo cáo nhất, với số lượng lên tới 27 báo cáo.

Hội thảo chuyên đề Môi trường, Nông nghiệp với chủ đề: “Môi trường, nông nghiệp với phát triển bền vững” là Hội thảo chuyên đề có nhiều báo cáo nhất. Ảnh: Hoàng Toàn
Hội thảo chuyên đề Môi trường, Nông nghiệp với chủ đề: “Môi trường, nông nghiệp với phát triển bền vững” là Hội thảo chuyên đề có nhiều báo cáo nhất. Ảnh: Hoàng Toàn

Trong đó, 7 báo cáo nổi bật nhất đã được lựa chọn trình bày trước Hội đồng chuyên môn gồm: “Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống chè mới giai đoạn 2029-2023";  “Nghiên cứu sàng lọc chỉ thị microsatellites liên quan đến khả năng kháng bệnh xuất huyết do vi khuẩn streptococcus agalactiae trên cá rô phi vằn”; “Nghiên cứu giải pháp sử dụng phân bón ure phân huỷ chậm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dư lượng phân bón trong nông nghiệp”; “Ảnh hưởng của chất trợ thiêu kết lên tính chất điện môi của vật liệu gốm áp điện không chì bnt-st”; “Kè sinh thái bảo vệ bờ kênh sông Đồng bằng sông Cửu Long vùng ảnh hưởng triều: mô hình và hiệu quả”; “Xử lý màu và COD của nước thải sản xuất cồn sinh học bằng phản ứng Fenton”; “Nghiên cứu nâng cao khả năng phát triển của trứng lợn thủy tinh hoá sử dụng thuốc thử Cyclosporine A và Docetaxel”.

TS. Nguyễn Thu Hà, Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu tổng kết Hội thảo chuyên đề Môi trường, Nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Toàn
TS. Nguyễn Thu Hà, Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu tổng kết Hội thảo chuyên đề Môi trường, Nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Toàn

“Môi trường, nông nghiệp là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm từ trồng trọt, chăn nuôi tới thủy lợi… bởi vậy số lượng báo cáo cũng nhiều hơn hai chuyên đề còn lại. Mặc dù vậy, các báo cáo viên trong buổi ngày hôm nay đã trình bày rất tốt những ý tưởng và định hướng nghiên cứu của mình, các chủ đề cũng gắn liền với thực tế, tạo ra một Hội thảo chuyên đề sôi nổi, lôi cuốn. Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trao đổi cũng như góp ý, chia sẻ cho nhau những ý tưởng mới.” - TS. Nguyễn Thu Hà, Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Với chủ đề: “Y dược, dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, đã có 16 báo cáo được gửi tới chuyên đề Y dược, Dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

  Các đại biểu tham gia Hội thảo chuyên đề Y dược, Dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe thảo luần về sau khi ThS. Huỳnh Thị Hà Vy, Công ty Vinasoy trình bày nghiên cứu “Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo toàn và nâng tầm dinh dưỡng đậu nành”. Ảnh: Hoàng Toàn

Các đại biểu tham gia Hội thảo chuyên đề Y dược, Dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe thảo luần về sau khi ThS. Huỳnh Thị Hà Vy, Công ty Vinasoy trình bày nghiên cứu “Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo toàn và nâng tầm dinh dưỡng đậu nành”. Ảnh: Hoàng Toàn

Những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, có nhiều bước tiến mới đã được lựa chọn để báo cáo tại Hội thảo chuyên đề. Trong đó có nghiên cứu “Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo toàn và nâng tầm dinh dưỡng đậu nành”; “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào ung thư hai loài hải miên rhabdastrella globostellata và aaptos aaptos ở Việt Nam”; “Lão hóa ngược và những bước chăm sóc sức khỏe làn da”; “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến thực hành phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi 30-60 tại hai xã miền núi tỉnh Bình Định năm 2020” và nghiên cứu “Secondary metabolites from microorganisms as potential cosmeceutical ingredients”. 

TS.BS Trần Cẩm Vân trình bày nghiên cứu về “Lão hóa ngược và những bước chăm sóc sức khỏe làn da”. Ảnh: Hoàng Toàn
TS.BS Trần Cẩm Vân trình bày nghiên cứu về “Lão hóa ngược và những bước chăm sóc sức khỏe làn da”. Ảnh: Hoàng Toàn
Báo cáo viên Nguyễn Thị Như Tú – Sở Y tế Bình Định trình bày báo cáo “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến thực hành phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi 30-60 tại hai xã miền núi tỉnh Bình Định năm 2020”. Ảnh: Hoàng Toàn
Báo cáo viên Nguyễn Thị Như Tú – Sở Y tế Bình Định trình bày báo cáo “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến thực hành phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi 30-60 tại hai xã miền núi tỉnh Bình Định năm 2020”. Ảnh: Hoàng Toàn

GS.TS Lê Mai Hương cho biết, những báo cáo được lựa chọn trình bày tại phiên Hội thảo chuyên đề là những nghiên cứu cơ bản, bắt đầu tiếp cận và tiến tới nghiên cứu ứng dụng, tạo ra sản phẩm. “Tất cả những nghiên cứu đều có tính kế thừa vừa có tính mới để có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể về dinh dưỡng và sức khỏe.

Một trong số những báo cáo rất hay chính là báo cáo của chị Nguyễn Thị Như Tú – Sở Y tế Bình Định. Báo cáo nói về những phụ nữ ở hai xã miền núi tỉnh Bình Định và tỉ lệ bị ung thư vú mà không được chẩn đoán, không có sự tiếp cận của y tế đã phản ánh được phần nào thực trạng của ngành y tế Bình Định nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.” – GS.TS Lê Mai Hương chia sẻ thêm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn

Ngoài những báo cáo được chọn trình bày tại 3 Hội thảo chuyên đề, còn có 44 báo cáo bằng poster được trưng bày tại khu triển lãm. Đây là những kết quả nghiên cứu khoa học của các nhóm và cá nhân nữ khoa học.

Tại khu triển lãm còn trưng bày sản phẩm KH&CN của các nhà khoa học nữ từ các Viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp KH&CN được trưng bày, giới thiệu.

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Những dự án khởi nghiệp ấn tượng, hiệu quả của phụ nữ dân tộc thiểu số

Những dự án khởi nghiệp ấn tượng, hiệu quả của phụ nữ dân tộc thiểu số

Tạo sinh kế bền vững, mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần tạo thế mạnh cho sự phát triển kinh tế của địa phương.