Từ rào cản thành lợi thế: Luật pháp mở đường cho kinh tế tư nhân

Tư duy mới về kinh tế tư nhân đặt mục tiêu tạo việc làm, phát triển doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế như trước đây.

Tại Hội thảo “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 và Những khuyến nghị cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 15/5 tại TP.HCM, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – đã chia sẻ ba câu chuyện điển hình, hé lộ vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân và những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể đến từ hai nghị quyết lớn của Bộ Chính trị: Nghị quyết 66 (về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật) và Nghị quyết 68 (về phát triển khu vực kinh tế tư nhân).

Câu chuyện thứ nhất diễn ra ở một huyện miền núi, nơi người dân từng sống dựa vào trợ cấp từ Nhà nước, phá rừng để mưu sinh. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi chính quyền địa phương mời một doanh nghiệp dược liệu về đầu tư. Nhờ mô hình trồng dược liệu gắn với bảo vệ rừng, người dân không chỉ có việc làm, có thu nhập ổn định mà còn giữ được rừng, giảm phụ thuộc vào trợ cấp – một minh chứng rõ nét cho việc doanh nghiệp không chỉ là động lực kinh tế mà còn góp phần giải quyết bài toán môi trường, an sinh.

Câu chuyện thứ hai là từ cuộc gặp gỡ năm 2013 giữa ông Tuấn và Phó Trưởng lý bang California (Mỹ). Thay vì nói đến GDP, tăng trưởng, vị đại diện bang này chỉ nhấn mạnh hai chỉ số quan trọng nhất: số việc làm mới tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp. Đây cũng là thước đo thực chất cho năng lực điều hành chính sách của chính quyền địa phương.

Câu chuyện thứ ba, được ông Tuấn dẫn lại từ chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm khi đi công tác tại Bắc Kạn. Lãnh đạo địa phương than thở về kinh tế khó khăn, ít doanh nghiệp, nhưng khi được hỏi về lượng tiền gửi ngân hàng trong dân, thì con số lại khá lớn. Tổng Bí thư kết luận: “Tức là người dân có tiền, có nguồn lực nhưng không kinh doanh”. Vấn đề cốt lõi, do đó, không nằm ở chỗ có hay không có tiền, mà là ở việc tạo ra môi trường đủ thuận lợi để khơi thông dòng vốn trong dân, thúc đẩy tinh thần làm ăn, khởi nghiệp.

 ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ về những nghị quyết tạo nên bước chuyển mình lớn của kinh tế tư nhân. 
 ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ về những nghị quyết tạo nên bước chuyển mình lớn của kinh tế tư nhân. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, hai nghị quyết 66 và 68 phản ánh bước chuyển lớn trong tư duy hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật của Việt Nam – từ bị động tháo gỡ sang chủ động kiến tạo. Nghị quyết 66 yêu cầu xây dựng môi trường pháp lý “thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp”, triệt để cắt giảm thủ tục hành chính bất hợp lý, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Không còn là những văn bản pháp luật phức tạp, nhiều tầng nghĩa, các nghị quyết gần đây đã được viết đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận với cả người dân và doanh nghiệp.

Không chỉ dừng ở tư duy, Nghị quyết 66 còn “bơm máu” cho quá trình xây dựng pháp luật – vốn lâu nay bị coi là “nghèo”, bị xem nhẹ so với các lĩnh vực đầu tư công khác. Ví dụ, trước đây tiền cấp cho bộ phận pháp chế còn không đủ để in ấn tài liệu. Giờ đây, nhờ Nghị quyết 66, cán bộ làm công tác pháp chế được hỗ trợ chế độ thù lao đặc biệt, có thể thuê chuyên gia, có ngân sách để làm luật một cách bài bản.

Với Nghị quyết 68, ông Tuấn cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Từ một khu vực từng bị ngăn cấm, e dè, doanh nghiệp tư nhân nay được trao vai trò trung tâm – như mục tiêu đến năm 2030 phải có 2 triệu doanh nghiệp, bình quân 20 doanh nghiệp/1.000 dân. Điều này không chỉ là chỉ tiêu, mà còn là lời khẳng định: đóng góp cho nền kinh tế, tạo việc làm, nuôi sống hàng triệu lao động – tất cả đều bắt đầu từ doanh nghiệp.

Ông Tuấn nhấn mạnh, chính quyền các địa phương cần thay đổi cách nhìn nhận về “thành tích”. Thay vì chỉ chăm chăm vào chỉ số tăng trưởng, nên chú ý tới lượng người dân phải rời quê đi nơi khác mưu sinh. “Tôi thích nói về con số di cư thuần – tức bao nhiêu người đã phải đi khỏi địa phương để tìm việc. Thành tích không nằm ở con số GDP mà ở việc anh giữ được bao nhiêu người dân ở lại bằng các cơ hội việc làm thực chất” – ông nói.

Chính vì vậy, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển không còn là ưu đãi đơn lẻ mà cần thành chiến lược dài hạn: tháo rào cản, mở không gian sáng tạo, từ những ý tưởng tưởng chừng khó tin như kinh doanh “sextoy” – nay cũng bắt đầu có cơ hội hợp pháp hóa, nếu phù hợp quy định. Tinh thần cởi mở của chính sách là chất xúc tác cho những ý tưởng kinh doanh mới, ngành nghề mới.

Tại hội thảo, gần 100 doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã cùng lắng nghe, thảo luận, và nhận diện những xu hướng chính sách mới sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp giai đoạn 2024–2025. Trong bối cảnh luật pháp thay đổi với tốc độ “nhanh chưa từng có”, đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội lớn cho những ai biết chủ động nắm bắt.

PV

Chuẩn bị Lễ khởi công, khánh thành các dự án quy mô lớn và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

Chuẩn bị Lễ khởi công, khánh thành các dự án quy mô lớn và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện chuẩn bị lễ khởi công, khánh thành các dự án lớn và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.