Quản trị Biến đổi khí hậu: Trách nhiệm không thể trì hoãn của doanh nghiệp

Quản trị biến đổi khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong thực thi yếu tố Môi trường (E) của bộ tiêu chuẩn ESG, và có tính bắt buộc trong hoạt động kinh doanh hiện đại

Lần đầu tiên, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA) tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”, diễn ra vào ngày 14/5 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Sự kiện thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và tổ chức đang hướng đến mô hình phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Simon C.Y. Wong, Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính bền vững thuộc Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL) dẫn báo cáo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), cho thấy: biến đổi khí hậu đã vươn lên trở thành mối quan ngại lớn nhất đối với người dân Đông Nam Á, chiếm 55,3%, vượt trên cả nỗi lo thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Đặc biệt tại Việt Nam, là nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai khắc nghiệt khi tỷ lệ này lên tới 70,3%, cao nhất trong khu vực kể từ lần khảo sát đầu tiên vào năm 2019.

Ông Simon nhấn mạnh: “Giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đòi hỏi một hệ thống quản trị vững chắc, trong đó Hội đồng Quản trị (HĐQT) phải đóng vai trò định hướng chiến lược, và Ban Điều hành (BĐH) chịu trách nhiệm hiện thực hóa các cam kết bằng hành động cụ thể. Đây không chỉ là lựa chọn mà là một hành trình không thể tránh khỏi đối với mọi doanh nghiệp, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, nguồn lực và tư duy đổi mới liên tục.”

Ông Simon C.Y. Wong, Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính bền vững thuộc Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL)
Ông Simon C.Y. Wong, Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính bền vững thuộc Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL)

 Bộ tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, and Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một khung tham chiếu đang ngày càng phổ biến và có tính bắt buộc trong hoạt động kinh doanh hiện đại. Doanh nghiệp ngày nay phải ứng dụng ESG vì đây là yếu tố then chốt giúp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro. ESG không chỉ đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và chính phủ, mà còn là điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tuân thủ pháp luật và hội nhập quốc tế. Đồng thời, ESG giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro hiệu quả, tăng uy tín thương hiệu, thu hút nhân tài và thúc đẩy đổi mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, ESG không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài.

Các diễn giả trao đổi trong phiên thảo luận
Các diễn giả trao đổi trong phiên thảo luận

Trước áp lực ngày càng lớn từ thiên nhiên và kỳ vọng của xã hội, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn đặt ra những yêu cầu cấp thiết về cách doanh nghiệp tư duy và hành động trong dài hạn. Từ việc tiêu thụ tài nguyên, phát thải khí nhà kính, đến ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và cộng đồng. Mọi quyết định chiến lược hôm nay đều sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong tương lai. Do đó, việc lồng ghép quản trị biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển tổng thể không còn là một lựa chọn "nên làm", mà là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững. Trách nhiệm này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, đạo đức lãnh đạo và cam kết thực chất từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Trong đó, vai trò của HĐQT và BĐH cần chủ động dẫn dắt doanh nghiệp triển khai các chương trình ESG một cách toàn diện và hiệu quả; Phát triển công trình xanh, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng giảm phát thải; Tham gia thị trường tín chỉ carbon như một công cụ tài chính và môi trường. Và quan trọng hơn cả là việc tích hợp sâu yếu tố phát triển bền vững vào trong từng quyết định chiến lược và hoạt động vận hành hằng ngày.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của thời đại, nhưng cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp tái định hình vai trò của mình trong một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ. Những doanh nghiệp đi đầu trong quản trị khí hậu hôm nay chính là những thương hiệu bền vững và dẫn dắt thị trường của ngày mai.

Quỳnh Anh

Khoa học công nghệ là 'vaccine' trên hành trình Chuyển đổi Xanh

Khoa học công nghệ là "vaccine" trên hành trình Chuyển đổi Xanh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định khoa học công nghệ là “vaccine” trong hành trình ứng phó biến đổi khí hậu và Chuyển đổi Xanh.