Định hướng mô hình tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Hoàng Toàn

Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phục hồi xanh là hướng đi đúng đắn, hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay, đó là nhận định của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”.

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ.

Rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; Nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững đối với doanh nghiệp ở các địa phương.

Bên cạnh đó, cần rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh cũng như phát hành trái phiếu xanh. Theo ông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao: hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh. Ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn
Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia cũng thảo luận nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá cho từng ngành và lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đồng thời phân tích được những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở tăng trưởng xanh hiện nay.