Khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận bằng tình thương

HÀ LINH

Sản xuất kinh doanh ngưng trệ, nhiều lĩnh vực gần như đứng lại suốt hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhưng, bỏ những tổn thất lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã dồn sức người sức của gánh phần trách nhiệm chống dịch.
title1.jpg

Những ngày này, tâm dịch TP.HCM và nhiều tỉnh xung quanh bắt đầu cho kế hoạch mở cửa tái thiết nền kinh tế, doanh nghiệp hồ hởi mở nhà máy, nối lại hoạt động sản xuất. Nhưng thông điệp Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đưa ra đầu tiên không phải là những chỉ tiêu, chiến lược kinh doanh, mà là yêu thương cộng đồng, nghĩa tình khi cả nước và TP.HCM đang trong gồng mình chống dịch.

Ông Bùi Thành Nhơn nói với cán bộ nhân viên của mình: “Sống chậm lại, yêu thương nhau nhiều hơn”.

“Đại dịch Covid-19 đã khuấy đảo cả thế giới, đem đến bao nhiều khó khăn cho cộng đồng, nhưng cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, những nỗ lực của mỗi người sẽ được đền đáp, cuộc sống bình thường sẽ trở lại”, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn nhắn nhủ.

Dù nhắn nhủ cán bộ nhân viên “sống chậm lại”, nhưng thực tế nhiều tháng qua, giữa giãn cách xã hội, khi người dân TP “ai ở đâu ở yên đó” thì người của Novaland đã bận rộn ngày đêm. Song, sự bận rộn ấy không phải cho việc phát triển dự án, kế hoạch kinh doanh thông thường, mà là thần tốc hoàn thành những khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, đưa thực phẩm đến cho người dân khó khăn…

Cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp đã có mặt khắp tuyến đầu đưa kịp thời những suất cơm, thức uống dinh dưỡng đến các y, bác sĩ, với tinh thần san sẻ, nghĩa tình.

Có lẽ, nếu không nhờ kinh nghiệm gần 30 năm của người tiên phong xây dựng, phát triển dự án nhà ở, công trình, hạ tầng, thì sẽ không có hàng loạt tòa nhà được doanh nghiệp này nhanh chóng biến thành bệnh viện. Novaland đã lần lượt trưng dụng quỹ nhà ở với hàng ngàn căn hộ thành bệnh viện dã chiến, kịp thời điều trị cho bệnh nhân.

Ngay đầu tháng 7, doanh nghiệp đã bàn giao cho ngành y tế thành phố Bệnh viện dã chiến số 2, với 2.467 giường bệnh tại Quận 12, được hình thành từ việc trưng dụng 2 block nhà gồm 319 căn hộ.
Đến giữa tháng 7, Bệnh viện dã chiến số 10 khoảng 3.500 giường bệnh tại TP. Thủ Đức tiếp tục được Novaland bàn giao cho ngành y tế thành phố. Bệnh viện được hình thành từ việc trưng dụng khu nhà ở 506 căn hộ do tập đoàn quản lý.

Cũng trong tháng 7, doanh nghiệp lại bàn giao 170 căn hộ hạng sang trên “đất vàng” quận 1 để làm khu cách ly tập trung. Đây là dự án vừa hoàn thiện, dự kiến giao nhà ngay trong quý III/2021, và tập đoàn sẵn sàng “cho mượn” ngay khi quận có chủ trương cần địa điểm cách ly y tế.

Liên tiếp chuỗi ngày sau đó, doanh nghiệp lại chạy đua hoàn thiện Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM và bệnh viện thu dung phòng chống dịch bệnh đặt tại quận Tân Phú, cải tạo khu nhà ở quận 3 để thành phố làm khu cách ly tập trung.

Cuối tháng 8/2021, doanh nghiệp tiếp tục bàn giao bệnh viện dã chiến số 14, do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quản lý vận hành… Nhiều thiết bị y tế cấp thiết, xe cứu thương, hàng trăm giường bệnh… cũng được trao tặng.

Công ty CP Đầu tư An Đông từ tháng 7 cũng nhanh chóng cải tạo toàn bộ mặt bằng khu thương mại với diện tích 20.000 m2 của tòa nhà Thuận Kiều Plaza để TP.HCM làm bệnh viện dã chiến số 5. Bệnh viện tại Thuận Kiều Plaza với 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, ngay giữa khu trung tâm sầm uất của thành phố, đã hoạt động sau khoảng 10 ngày doanh nghiệp chạy đua thi công. Lắp đặt trang thiết bị, vật tư y tế.

Bên cạnh bệnh viện, doanh nghiệp cũng trưng dụng cả 648 căn hộ của khu nhà ở cho gia đình F1 cần cách ly.

“Sinh mạng con người là quan trọng hơn hết lúc này. Chúng tôi tạm gác mọi kế hoạch kinh doanh để cùng thành phố đặt sức khoẻ của người dân, sự an toàn của đất nước làm trọng tâm. Không có sức khoẻ thì sẽ không có kinh tế”, chủ đầu tư Thuận Kiều Plaza nói khi quyết định đưa tòa làm bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch khẩn cấp.

Chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch, hàng loạt khách sạn cao cấp của TP.HCM cũng không thể “đứng yên” những ngày thành phố dừng lại mọi hoạt động để chống dịch. Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, hơn 20 khách sạn lớn với khoảng 50.000 đêm phòng đã trở thành nơi ở, phục vụ ăn uống miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đội ngũ y - bác sĩ. Cùng với đó, rất nhiều khách sạn cũng đang vận hành mô hình "khách sạn cộng đồng" cho người khó khăn, cơ nhỡ.

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả doanh nghiệp, người dân TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, hàng loạt dự án dở dang trong khi doanh nghiệp phải đảm bảo đời sống vật chất, an toàn sức khỏe cho hàng ngàn lao động.

Nhưng, bỏ lại phía sau những tổn thất, doanh nghiệp đã ngay lập tức nghiêng vai san sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Đại diện Novaland cho biết doanh nghiệp đã chi ngân sách hơn 400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống đại dịch. Không chỉ biến những tòa nhà thành bệnh viện, nhiều doanh nghiệp đã mở hàng ngàn siêu thị 0 đồng đưa lương thực đến người dân nghèo ở các khu cách ly, phong tỏa tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Sự sẻ chia đã mang lại thành quả, đại dịch COVID-19 tại TP.HCM đang dần được khống chế. Vùng xanh an toàn dần được mở rộng đạt 58%, vùng cận xanh 12%. Vùng đỏ tại TP chỉ còn 13%... Nhiều quận huyện có tỷ lệ vùng xanh trên 70% như Cần Giờ, Củ Chi, TP Thủ Đức, Bình Chánh…

Đến ngày 2/10, 11 quận huyện của TP.HCM đã kiểm soát được dịch và đang dần mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. TP cũng đã cho phép công nhân các KCX, KCNC tiêm đủ vaccine được đi làm trở lại. Hàng loạt công trình, dự án bắt đầu thi công; người dân ở các vùng xanh của các quận huyện kiểm soát được dịch đã tự đi chợ mua lương thực, hàng hóa cho nhu cầu gia đình.

title2.jpg

Hai năm chống dịch, Tập đoàn Vingroup có lẽ là câu chuyện truyền cảm hứng đúng nghĩa với giới doanh nghiệp, khi luôn gánh những phần việc khó nhất bởi trách nhiệm của một doanh nghiệp lớn. Từ an sinh xã hội đến thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, sản xuất máy thở, vaccine COVID-19 đến thuốc điều trị cho bệnh nhân, tất cả đều có đóng góp rất lớn của doanh nghiệp này, với lời khẳng định chắc chắn: Làm được.

Cái làm được cảm động nhất của Vingroup chính là đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép. Với 500.000 lọ Remdesivir từ Vingroup, khoảng 80.000 -100.000 bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ điều trị.

Và chỉ 4 ngày sau đàm phán, lo thuốc đầu tiên về đến TP.HCM. Lần lượt toàn bộ số thuốc đã được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 giữa lúc đại dịch căng thẳng nhất, số ca tử vong tại TP.HCM lên đến vài trăm mỗi ngày.

Nếu như năm ngoái, giữa khủng hoảng nhiều nước trên thế giới thiếu máy thở, Vingroup lập tức bắt tay sản xuất thiết bị y tế chuyên dụng này để lắp ngay chỗ trống cho ngành y tế, thì năm nay là câu chuyện vaccine COVID-19.

Giữa căng thẳng khan hiếm vaccine trên toàn cầu và Việt Nam đang cần vaccine để phống chống dịch khẩn cấp, ngày 2/8 vừa qua, Tập đoàn này đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Arcturus Therapeutics là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Vingroup sẽ sản xuất vaccine COVID-19 có tên VBC-COV19-154, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

VBC-COV19-154 là vaccine chống được biến chủng Delta, có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 - 8oC, mang đến ưu thế vượt trội về khả năng phổ cập và tối ưu chi phí. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên ngay đầu năm 2022.

Đặc biệt hơn, Vingroup sẽ cung cấp vaccine COVID -19 cho Việt Nam với giá chỉ có chi phí, không tính khấu hao đầu tư ban đầu trong suốt thời gian chống dịch.

Trước đó, từ tháng 5/2021, khi Bộ Y tế bắt đầu mở rộng tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, Vingroup đã hỗ trợ 4 triệu liều để phục vụ sớm nhất việc tiêm ngừa.

“Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng về kinh tế, xã hội. Với trách nhiệm vì cộng đồng, Vingroup luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ”, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh.

Nếu chỉ tính riêng trong năm 2020, doanh nghiệp này đã dành kinh phí lên trên 1.277 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ, tài trợ chống dịch.

title3.jpg

Chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch suốt 2 năm qua vì phần lớn lĩnh vực kinh doanh là du lịch, nhưng Sun Group cũng là doanh nghiệp dồn sức người sức của cùng cả nước phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu đại dịch bùng phát.

Người dân Đà Nẵng sẽ mãi trân trọng sự sát cánh của doanh nghiệp này trong hàng loạt hoạt động hỗ trợ địa phương, trong đó có kỷ lục 3,5 ngày thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến Tiên Sơn trong đợt dịch lần thứ 2 “đánh úp” Đà Nẵng tháng 7/2020.

Sun Group luôn tích cực hỗ trợ Chính phủ và nhiều địa phương trong công tác phòng chống dịch. Chưa kể hai bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Hải Dương, tổng số tiền mặt và vật tư, thiết bị y tế mà Sun Group đóng góp cho công tác phòng chống COVID-19 cả nước đã lên tới hơn 800 tỷ đồng.

Lặng lẽ góp sức chống dịch, lúc này, mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, chia sẻ với mất mát của cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới là mục tiêu lớn nhất năm 2021 của doanh nghiệp, chứ không phải con số, chỉ tiêu kinh doanh đặt ra đầu năm.

Giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất tại TPHCM, đoàn xe cứu thương mà Tập đoàn Sovico hỗ trợ thành phố đã góp phần đưa kịp thời bệnh nhân nặng đến nơi điều trị. Cũng giữa nhiều khó khăn, gấp rút của việc xét nghiệm, tiêm ngừa, Thaco đã ngay lập tức trang bị hàng chục xe chuyên dụng tiêm ngừa cơ động cho TPHCM và nhiều tỉnh thành.

Mẫu xe cơ động được doanh nghiệp thiết kế linh hoạt với cabin kép có 6 chỗ ngồi, chở được đội ngũ y tế 5 người để thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm nhanh và tiêm chủng tại chỗ ở các địa bàn đông dân cư, nhỏ hẹp trong bối cảnh giãn cách triệt để.

30 xe cấp cứu trị giá 36 tỷ đồng với tiêu chuẩn châu Âu cao cấp cũng được Thaco bàn giao cho Trung tâm Cấp cứu 115, để phục vụ kịp thời nhu cầu cấp cứu bệnh nhân. Cùng với đó là hàng trăm ngàn bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được trao tặng cho TP.HCM…

Chỉ trong 8 tháng tính từ đầu năm 2021, doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương đã dành hơn 924 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch, hỗ trợ cộng đồng. Không chỉ cam kết chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng phòng chống đại dịch, một cam kết quan trọng không kém của doanh nghiệp này là tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho hơn 55.000 người lao động của mình.

4 tháng TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam bùng phát đại dịch với nhiều mất mát, đau thương, luôn có những cái nắm tay ấm lòng, đầy tình người, đầy trách nhiệm của những cá nhân, doanh nghiệp. Theo UBMTTQ TP.HCM, đến cuối tháng 9, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp hơn 3.400 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng rất nhiều nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế…

Nội dung: HÀ LINH - Đồ họa: THẾ PHAN