![]() |
Hơn 40 đại biểu đại diện cho các hội đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh PHụ nữ toàn cầu 2025. Ảnh: Phương Hoa - PV TTXVN tại Đức |
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025 với chủ đề “Phụ nữ: Khôi phục giá trị trong thời đại số” đã chính thức khai mạc tại thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc sự kiện lớn nhất về bình đẳng giới dành cho phụ nữ toàn cầu.
Hội nghị quy tụ gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Đức Lars Klingleil, Phó Chủ tịch Hạ viện Đức Josephine Ortleb và Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad.
Việt Nam khẳng định cam kết bình đẳng giới và chuyển đổi số bao trùm
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao những đóng góp của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu qua 35 năm hình thành và phát triển trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới.
![]() |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2025. Ảnh: Phương Hoa - PV TTXVN tại Đức |
Phó Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chủ đề hội nghị năm nay trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn và quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Bà chỉ rõ, chuyển đổi số mang lại cơ hội phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ làm sâu sắc thêm những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Nêu bật các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua liên quan đến bình đẳng giới, Phó Chủ tịch nước Ánh Xuân khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cam kết nhất quán của Việt Nam. Bà dẫn chứng: trong hai năm từ 2022 đến 2024, Việt Nam đã tăng 11 bậc, hiện xếp thứ 72 trên 146 quốc gia trong xếp hạng bình đẳng giới.
Chia sẻ về Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, Phó Chủ tịch nước đề cao các phong trào như “Bình dân học vụ số” và “Bình dân học AI”. Bà nhấn mạnh vai trò tiên phong của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc hiện thực hóa các chương trình này đến phụ nữ ở cấp cơ sở, góp phần xây dựng một xã hội số bao trùm. Để đảm bảo sự tham gia an toàn, tích cực của phụ nữ và trẻ em trong quá trình này, Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo một không gian số an toàn và thân thiện cho thế hệ tương lai thông qua nhiều chương trình và hành động cụ thể.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay: Đặt bình đẳng giới vào trung tâm của mọi cuộc thảo luận và khuôn khổ pháp lý về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công.
Thắp lên những ngọn đuốc truyền cảm hứng, lan tỏa và vinh danh trang trọng, bình đẳng những đóng góp của các nhà khoa học nữ, các nữ doanh nhân công nghệ tài năng, từ đó phá vỡ rào cản vô hình và gieo niềm tin, khát vọng vươn lên.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công và cam kết tiếp tục là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế hướng tới một thế giới số bao trùm, nơi mọi phụ nữ và trẻ em gái đều được tham gia đầy đủ, được bảo vệ hiệu quả và được trao quyền để phát triển toàn diện.
Các lãnh đạo Đức và Chủ tịch hội nghị đề cao vai trò phụ nữ
Về phần mình, Phó Thủ tướng Đức Lars Klingleil và Phó Chủ tịch Hạ viện Đức Josephine Ortleb khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu đã tạo ra nhiều thay đổi và cơ hội cho phụ nữ trên toàn thế giới sau 35 năm phát triển. Đức luôn coi bình đẳng giới là nguyên tắc chỉ đạo trong hoạch định chính sách, chú trọng tăng cường khuôn khổ pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng các nguồn lực và bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bạo lực.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Đức cũng thừa nhận bình đẳng giới vẫn chưa đạt được trên toàn cầu. Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột, bạo lực ở nhiều khu vực; tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng vẫn diễn ra. Phó Thủ tướng Đức Lars Klingleil nhấn mạnh quyền sức khỏe sinh sản, sự đa dạng và bao trùm trong bình đẳng giới đang suy giảm ở một số nơi, kêu gọi các đại biểu cùng chung tay định hình một tương lai công bằng hơn cho phụ nữ, bởi chỉ khi có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, những thách thức toàn cầu mới có thể được giải quyết triệt để.
Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad khẳng định vai trò và đóng góp của hội nghị trong việc thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ và nâng cao nhận thức quốc tế về bình đẳng giới. Bà đánh giá cao sự cải thiện tỷ lệ nữ trong các cơ quan lập pháp (trên 27%) và trong lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ (30%), nhưng lưu ý con số này vẫn còn thấp trong các tập đoàn lớn và các vị trí lãnh đạo quốc gia. Bà cho rằng hội nghị lần này là dịp để kết nối, tôn vinh và thúc đẩy hơn nữa vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Các diễn giả tại hội nghị đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái. Họ cho rằng kỷ nguyên số và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phân biệt đối xử và bất bình đẳng. Cần tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái tham gia đầy đủ vào các lĩnh vực khoa học – công nghệ, được trang bị kỹ năng và hỗ trợ thích ứng với xu thế việc làm mới. Bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ chính là nền tảng bảo đảm sự phát triển bền vững của nhân loại.
Pháp luật về bình đẳng giới với việc phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam
Bình đẳng giới là nền tảng cho phát triển bền vững. Tại Việt Nam, khung pháp lý hoàn thiện đã, đang tạo điều kiện cho nữ trí thức khẳng định vị thế, đóng góp sâu rộng vào mọi lĩnh vực.