Hội nghị đối thoại thanh niên Trung-Việt “Hành trình Quý Châu” năm 2025

Ngày 4-5/7, Diễn đàn đối thoại thanh niên Trung -Việt “Hành trình Quý Châu” năm 2025 do Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy Quý Châu, Nhật báo Trung Quốc tổ chức đã khởi động với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đại biểu và thanh niên hai nước Việt Nam và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử địa điểm Hội nghị Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Đại biểu và thanh niên hai nước Việt Nam và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử địa điểm Hội nghị Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt ý nghĩa, năm 2025 đánh dấu 75 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cũng là "Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung". Chương trình không chỉ là cầu nối để thế hệ trẻ hai nước hiểu sâu sắc hơn về lịch sử cách mạng hào hùng và mối quan hệ láng giềng hữu nghị, mà còn nhằm vun đắp "Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em", góp phần thúc đẩy quan hệ song phương và công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước. Sự kiện quy tụ hơn 30 thanh niên ưu tú của  hai quốc gia.

Các đại biểu tham quan Công viên Văn hóa Quốc gia Trường Chinh.
Các đại biểu tham quan Công viên Văn hóa Quốc gia Trường Chinh.

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Lư Ung Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên truyền Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban công tác giáo dục Tỉnh ủy Quý Châu, nhấn mạnh: " Hội nghị đối thoại thanh niên Trung-Việt "Hành trình Quý Châu" năm 2025 là hành động thiết thực tăng cường tình hữu nghị giữa thanh niên hai nước, để 'nguồn gene đỏ' 'Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em' được tiếp tục kế thừa trong thế hệ thanh niên." Ông bày tỏ kỳ vọng, thông qua các hoạt động tại Quý Châu, thanh niên Việt Nam sẽ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn lịch sử cách mạng gian khổ nhưng hào hùng của Trung Quốc, từ đó kế thừa và phát huy tình hữu nghị, hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.

Ông Châu Lập, Phó Tổng Biên tập Nhật báo Trung Quốc, khẳng định vai trò của thế hệ trẻ: "Thanh niên là tương lai và niềm hy vọng." Ông tin rằng "hành trình đỏ" nghiên cứu, học tập lần này sẽ giúp chủ nhân tương lai của hai nước hiện thực hóa những ý tưởng bằng trí tuệ, nhiệt huyết và tấm lòng rộng mở, dựa trên sự hiểu biết lịch sử và tin tưởng lẫn nhau. Đồng thời, các bạn trẻ sẽ trở thành những đại diện viết tiếp chương mới cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch  Hội Hữu nghị Việt-Trung (thứ 2 từ trái), NSND Lệ Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam (áo đỏ) và các đại biểu đi thăm các di tích ở Tuân Nghĩa.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch  Hội Hữu nghị Việt-Trung (thứ 2 từ trái), NSND Lệ Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam (áo đỏ) và các đại biểu đi thăm các di tích ở Tuân Nghĩa.

NSND Lệ Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Sân khấu Lệ Ngọc, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Khối Văn hóa Nghệ thuật, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã bày tỏ niềm vinh dự và xúc động sâu sắc khi có mặt trong không khí ấm áp, đậm tình hữu nghị. Sân khấu Lệ Ngọc đã nhiều lần mang các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn, giao lưu tại nhiều quốc gia, trong đó có nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận bằng những giải thưởng quý giá và tình cảm chân thành từ khán giả quốc tế. NSND Lệ Ngọc đặc biệt nhắc lại mối duyên kỳ ngộ khi chính tại Quý Châu, Sân khấu Lệ Ngọc đã từng vinh dự mang vở kịch Kim Tử đến tham dự Liên hoan kịch Tào Ngu vào năm 2017 và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Hội nghị Tuân Nghĩa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Hội nghị Tuân Nghĩa.

NSND Lệ Ngọc bày tỏ niềm vui và tin tưởng khi thấy những nhịp cầu giao lưu văn hóa do thế hệ đi trước vun đắp đang được tiếp nối và vươn xa hơn nữa qua "Chương trình đối thoại thanh niên Trung Việt Hành trình Quý Châu 2025".

Thanh niên hai nước trải nghiệm làm tranh ép hoa trên giấy gió ở thôn Hoa Mậu, thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu.
Thanh niên hai nước trải nghiệm làm tranh ép hoa trên giấy gió ở thôn Hoa Mậu, thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu.

Trong hai ngày 4-5/7, các đại biểu và thanh niên Việt-Trung đã thực hiện hành trình khám phá đầy hấp dẫn. Đoàn đã đến  thăm các di tích lịch sử trọng yếu như: Di tích Hội nghị Tuân Nghĩa, Di tích Hội nghị Cẩu Bá, nơi in đậm những dấu mốc quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

Không chỉ dừng lại ở quá khứ, các bạn trẻ còn được trải nghiệm hiện tại và tương lai của Quý Châu. Đó là việc khám phá mô hình nông thôn mới Hoa Mậu đầy sáng tạo; chiêm ngưỡng Dự án Dải lụa đỏ -dự án trọng điểm của Công viên Văn hóa Quốc gia Trường Chinh; thăm Bảo tàng tỉnh Quý Châu; Trung tâm dữ liệu Big Data Quý Dương – biểu tượng của kinh tế số phát triển.

Dự án Dải luạ đỏ là trung tâm trải nghiệm kỹ thuật số nhập vai theo hành trình toàn cảnh đầu tiên lấy chủ đề Trường Chinh, tích hợp văn hóa, công nghệ và nghệ thuật. Dự án gồm hai phần chính: Dải lụa dỏ-Hành trình vĩ đạiDải lụa đỏ- Bay lượn muôn màu. Dải lụa đỏ-Hành trình vĩ đại, có 6 chương, tái hiện toàn cảnh con đường Trường Chinh bằng kỹ thuật số. Còn Dải lụa đỏ- Bay lượn muôn màu  mang đến một bữa tiệc “ngũ giác” toàn diện và ấn tượng khi đưa khán giả vào cảm giác bay lượn trên không gian vùng đất Quý Châu hùng vĩ, đầy màu sắc.

Thanh niên Trung-Việt giao lưu với đồng bào địa phương
Thanh niên Trung-Việt giao lưu với đồng bào địa phương

Chia sẻ sau khi bước ra từ Dải lụa đỏ, Bạn Trương Thị Bảo Linh, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngoại Giao cho biết: “ Tôi thích khám phá những vùng đất mà mình đặt chân đến. Và cách để tôi tìm hiểu vùng đất mới là đến các bảo tàng ở những địa phương ấy. Vì thế, tôi rất háo hức khi tham ra Hội nghị đối thoại thanh niên Trung –Việt “Hành trình Quý Châu 2025”. Thông qua Dải lụa đỏ, tôi có thêm kiến thức về lịch sử Trung Quốc. Biết thêm về một vùng đất có tới 4 di sản thiên nhiên thế giới”.

Bạn Bùi Huy Hoàng, cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương, hiện đang công tác tại một ngân hàng nước ngoài thì chia sẻ: “ Đến các di tích và bảo tàng của Trung Quốc, tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông khách tham quan, trong đó có nhiều người trẻ. Cách người Trung Quốc giáo dục giới trẻ về lịch sử thông qua những dự án như Dải lụa đỏ rất hiệu quả. Tôi mong muốn Việt Nam cũng có nhiều dự án có sự tích hợp giữa công nghệ, nghệ thuật và văn hóa để chuyển tải lịch sử, tinh thần yêu nước đến cộng đồng. Giới trẻ chúng tôi luôn tự hào về lịch sử dân tộc và mong muốn được hiểu biết nhiều hơn nữa thông qua những dự án có sự kết hợp của công nghệ”.

Có thể nói, những hoạt động đa dạng này không chỉ giúp thanh niên hai nước hiểu sâu sắc hơn về quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển văn hóa-lịch sử, kinh tế số và du lịch của Quý Châu, mà còn là nền tảng để cùng nhau định hình một tương lai hợp tác và phát triển bền vững.

Nguyệt Nhi

Giao lưu Văn hoá hữu nghị Việt- Trung tại Huế

Giao lưu Văn hoá hữu nghị Việt- Trung tại Huế

Ngày 29/6, tại Huế, diễn ra hoạt động giao lưu văn hóa với Đoàn văn hóa Nam Ninh (Trung Quốc), nằm trong chuỗi sự kiện Giao lưu văn hóa Trung Quốc - ASEAN 2025 tổ chức tại Việt Nam.