Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa Trung Quốc - ASEAN năm 2025 tại Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2025).
Chương trình có sự hiện diện của bà Vương Xuân Mai, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa, Phát thanh, Truyền hình và Du lịch Nam Ninh; ông Phương Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Nam Ninh. Về phía Việt Nam, có ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; TS. Phạm Huy Quang,Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM; NSND Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên các trường nghệ thuật và khán giả yêu mến văn hóa truyền thống hai nước.
![]() |
TS Phạm Huy Quang, Quyền Hiệu trưởng trường ĐH sân khấu điện ảnh phát biểu |
Trong không gian Nhà hát Trần Hữu Trang, khán giả đã được thưởng thức những làn điệu dân ca Quảng Tây, các tiết mục múa dân tộc đặc sắc và phần trình diễn trang phục truyền thống đậm đà bản sắc phương Nam Trung Quốc. Mỗi tiết mục được dàn dựng công phu không chỉ tôn vinh di sản nghệ thuật lâu đời mà còn chuyển tải thông điệp hữu nghị, hợp tác và gắn kết bền chặt giữa nhân dân hai quốc gia.
Phát biểu khai mạc, ông Phương Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Nam Ninh khẳng định tầm quan trọng của giao lưu nghệ thuật trong chiến lược ngoại giao nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, được coi là cửa ngõ giao lưu của Trung Quốc với Đông Nam Á. Từ năm 2013, Nam Ninh đã được xác định là trung tâm nghiên cứu văn hóa toàn diện cấp quốc gia của Trung Quốc. Trong gần một thập kỷ qua, chúng tôi không ngừng mở rộng hợp tác văn hóa với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam luôn là đối tác đặc biệt quan trọng. Thông qua chương trình hôm nay, chúng tôi mong muốn giới thiệu một phần tinh hoa Việt Kỳ là di sản văn hóa đậm đà bản sắc Quảng Tây đến công chúng TP.HCM và các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi tin rằng, những tiết mục này sẽ trở thành cầu nối bền chặt, mở ra nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống.”
Ông Phương Ninh cho biết thêm, Nam Ninh hiện là thành phố quốc tế đối với Đông Nam Á, nơi tổ chức Hội chợ Trung Quốc - ASEAN thường niên, đồng thời nỗ lực quảng bá giá trị nghệ thuật dân gian, lễ hội và trình diễn dân tộc để trở thành sản phẩm văn hóa được thế giới công nhận. Ông bày tỏ kỳ vọng, từ những cuộc gặp gỡ như hôm nay, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn di sản phi vật thể, đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững trong khu vực.
![]() |
ông Phương Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Nam Ninh, Trung Quốc phát biểu tại sự kiện |
Tại sự kiện, sự hiện diện của NSNDLệ Ngọc, gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch Việt Nam, người đã đóng vai trò cầu nối quan trọng để đoàn nghệ thuật Nam Ninh đến biểu diễn tại Việt Nam. Bà xúc động chia sẻ: “Nghệ thuật vốn không biên giới. Chính những chương trình như thế này đã nuôi dưỡng tình hữu nghị, thắp lên cảm hứng để các thế hệ nghệ sĩ tiếp bước, cùng chung tay gìn giữ và phát triển di sản của dân tộc mình.”
![]() |
Nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã được thể hiện tại chương trình. |
Đặc biệt, sáng 1/7, đoàn nghệ sĩ Trung Quốc đã có buổi giao lưu, biểu diễn và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Hoạt động được giới chuyên môn đánh giá là cơ hội quý giá giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm về nghệ thuật sân khấu truyền thống của láng giềng, đồng thời khơi mở hướng hợp tác đào tạo lâu dài.
![]() |
Bà Vương Xuân Mai, Cục phó Cục Văn hóa, Phát thanh, Truyền hình và Du lịch Nam Ninh; ông Phương Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tặng quà lưu niệm cho Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TPHCM |
Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Phạm Huy Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao sự kiện hôm nay, bởi đây không chỉ là dịp thưởng thức nghệ thuật mà còn là cơ hội học tập và kết nối. Nhà trường đã và đang mở rộng hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo sân khấu trong khu vực, trong đó có các học viện nghệ thuật của Quảng Tây và Nam Ninh. Việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, biên đạo, dàn dựng và sản xuất phim ảnh giữa giảng viên hai bên là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, trường đang triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sân khấu với các cơ sở giáo dục ở Đông Nam Á, hướng tới hình thành các dự án hợp tác sản xuất phim tài liệu, phim truyện về văn hóa các dân tộc.”
Ông cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, giảng viên và sinh viên của trường sẽ được tham gia các festival sân khấu quốc tế tại Nam Ninh, đồng thời mời các nghệ sĩ Trung Quốc đến giảng dạy, tổ chức workshop chuyên đề về nghệ thuật biểu diễn, quay phim, đạo diễn sân khấu. Theo ông, đây là cách thiết thực nhất để lan tỏa giá trị văn hóa, tăng cường hiểu biết và tạo động lực đổi mới sáng tạo cho giới trẻ.
![]() |
NSND Lệ Ngọc , Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc |
Trong khuôn khổ buổi lễ, PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM đã chia sẻ cảm nghĩ về ý nghĩa sâu sắc của chương trình giao lưu trong bối cảnh hội nhập: “Hơn 75 năm qua, nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã cùng nhau vun đắp tình hữu nghị và hỗ trợ nhau trong nhiều giai đoạn lịch sử. Hoạt động giao lưu nghệ thuật hôm nay là minh chứng sinh động cho mối quan hệ ấy, đồng thời cũng là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn vai trò của nghệ thuật trong kết nối cộng đồng. Tôi đặc biệt ấn tượng với những tiết mục tôn vinh vai trò người phụ nữ trong gìn giữ bản sắc dân tộc. Hội Nữ trí thức Việt Nam mong muốn tiếp tục đồng hành, tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo nghệ thuật và bảo tồn di sản trong cộng đồng nữ trí thức hai nước".
![]() |
PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM (phải) tham dự sự kiện |
Bà Hiền cho rằng, giao lưu nghệ thuật không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn xây dựng nền tảng bền vững cho hợp tác giáo dục, du lịch, phát triển kinh tế và gắn kết nhân dân. Bà bày tỏ niềm tin rằng trong tương lai, các tổ chức xã hội và các hội nghề nghiệp sẽ cùng chính quyền địa phương hai bên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn, đặc biệt hướng đến giới trẻ và phụ nữ.
![]() |
Chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa lần này cũng hướng đến kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc |
Kết thúc buổi lễ, lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Quảng Tây đã trao tặng nhau những món quà lưu niệm đậm nét văn hóa truyền thống. Những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay ấm áp và lời hẹn gặp lại trong các sự kiện sắp tới đã khép lại đêm giao lưu giàu cảm xúc và ý nghĩa.
![]() |
Rất đông khán giả từ khắp nơi yêu thích nghệ thuật truyền thống đã đến và thưởng thức các tiết mục đặc sắc từ chương trình. |
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu ngiệm cùng nghệ sĩ |
Có thể nói, chương trình giao lưu nghệ thuật lần này đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đào tạo văn hóa, bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Trong bối cảnh hai nước cùng hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các hoạt động giao lưu nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật, tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế của văn hóa trong gắn kết hai dân tộc.
Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành "điểm sáng" mới
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất đưa hợp tác chuyển đổi số và khoa học công nghệ trở thành "điểm sáng" mới trong quan hệ song phương.