Người thừa kế Red Bull, từ biệt danh 'ông chủ' đến vụ tai nạn xe hơi rúng động xã hội Thái Lan

ĐỨC HUY

Người thừa kế tập đoàn Red Bull đã gây ra một vụ tai nạn làm chết người vào năm 2012. Tuy nhiên sự việc đã bị chìm xuồng ngay sau đó. Thời gian gần đây nhờ sự vào cuộc của báo chí, vụ án đã một lần nữa được lật lại, gây phẫn nỗ trong xã hội Thái Lan.

Vụ tai nạn xảy ra vào 8 năm trước

Rạng sáng 3/9/2012, một chiếc Ferrari gầm rú trên đường phố Bangkok rồi tông thẳng vào một xe máy cảnh sát, khiến viên cảnh sát ngã xuống đất và bị kéo lê một đoạn trước khi chiếc xe vút đi, biến mất trong màn đêm.

Cảnh sát đã nhanh chóng lần theo một vết dầu rò rỉ từ chiếc xe thể thao, và điểm cuối là một khu biệt thự sang trọng thuộc sở hữu của gia tộc giàu có bậc nhất nước Thái, đồng sở hữu đế chế nước tăng lực Red Bull .

Theo cảnh sát, người đàn ông lái chiếc xe gây tai nạn trong rạng sáng 3/9 là Vorayuth "Boss" Yoovidhya - người thừa kế khối tài sản của gia đình mà theo Forbes ước tính trị giá lên tới 20,2 tỷ USD.

Vorayuth sau đó đã bị cáo buộc 5 tội danh, bao gồm chạy quá tốc độ, phóng nhanh, lái xe liều lĩnh gây chết người. Tuy nhiên, vụ án đã bị đình trệ trong nhiều năm bởi vị tỉ phú liên tục vắng mặt tại toà án hoặc hoãn lệnh triệu tập của công tố viên. Các nhà chức trách địa phương tin rằng, anh ta đã rời Thái Lan từ năm 2017.

   Vorayuth Yoovidhya  bị bắt tại đồn cảnh sát Thong Lor ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 3/9/2012. Ảnh: CNN

Vorayuth Yoovidhya bị bắt tại đồn cảnh sát Thong Lor ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 3/9/2012. Ảnh: CNN

Trong nhiều năm, gia đình của thiếu tá Wichien Klanprasert, sĩ quan bị thiệt mạng trong vụ tai nạn, đã không nhận được câu trả lời rõ ràng.

Mới đây, vào ngày 23/7, Đại tá Sampan Luangsajjakul thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan xác nhận rằng Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp đã quyết định huỷ bỏ mọi cáo buộc đối với Vorayuth.

Quyết định huỷ bỏ các cáo buộc đã đẩy vụ việc nhanh chóng trở lại tiêu điểm trên truyền thông Thái Lan và khiến những người Thái tức giận - những người từ lâu đã cảm thấy rằng hệ thống luật pháp của đất nước đang nghiêng về phía người giàu một cách bất công.

Một bộ phận kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Red Bull. Những người khác cho biết quyết định không truy tố Vorayuth là bằng chứng mới nhất và trắng trợn nhất về văn hoá coi thường pháp luật của giới thượng lưu Thái Lan.

Ekachai Chainuvati - Giảng viên luật tại ĐH Siam ở Bangkok, cho biết: “Người dân tin rằng luật pháp đang phân biệt người giàu, kẻ nghèo”.

Sau tất cả, người thừa kế trẻ tuổi và gia đình của anh ta vẫn giữ im lặng. Nhưng vào thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi thể chế, người dân đòi hỏi giới giàu có cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho những hành động của mình.Áp lực dư luận gia tăng đã khiến Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp, cảnh sát, Hạ viện và thủ tướng Prayut Chan-ocha phải lên tiếng khẳng định rằng, họ sẽ đảm bảo công bằng trong xã hội Thái Lan, không để phân chia giai cấp trong xã hội.

“Người dân tin rằng luật pháp đang phân biệt người giàu, kẻ nghèo”, Ekachai Chainuvati - Giảng viên luật tại ĐH Siam ở Bangkok

Sinh ra trong nhung lụa

Được biết đến với biệt danh “Boss” (ông chủ), Vorayuth lớn lên trong một gia đình giàu có bậc nhất nước Thái. Ông nội quá cố của anh ta là Chaleo Yoovidhya là người đã xây dựng lên đế chế toàn cầu nước tăng lực Red Bull - một hỗn hợp có ga của vitamin, đường và cafeine. 

Là con trong một gia đình nhập cư Trung Quốc nghèo khó ở miền Bắc Thái Lan, vị tỉ phú tự thân này bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc bán dược phẩm. 

Năm 1956, ông thành lập công ty dược đầu tiên của riêng mình với tên gọi TC Pharmaceutical. Công ty tập trung kinh doanh các loại thuốc không cần kê đơn, trị đau đầu và sốt.

Chaleo nhanh chóng bị thuyết phục rằng sẽ có một thị trường rộng lớn hơn dành cho nước tăng lực ở ngoài kia. Ông đã phát minh ra Krating Daeng - một loại đồ uống ngọt, có chứa caffeine, lần đầu trở nên phổ biến với những người lao động bình thường và tài xế xe tải.

Năm 1984, Chaleo hợp tác với doanh nhân người Áo là Dietrich Mateschitz và sau đó tung ra Red Bull, một phiên bản có ga của Krating Daeng. Sản phẩm nhanh chóng trở thành “thần dược” cho các vận động viên, những người thích tiệc tùng, sinh viên đại học và những người làm việc khuya trên toàn thế giới.

Sau khi Chaleo qua đời vào năm 2012, con trai ông là Chalerm Yoovidhya đã tiếp quản công việc kinh doanh của bố. Chalerm và gia đình ông hiện đang đứng thứ hai trong danh sách 50 người giàu nhất nước Thái, theo Forbes, chỉ xếp sau khối tài sản kếch xù của anh em nhà Chearavanont.

Gia đình Yoovidhya hiện sở hữu khoảng một nửa Tập đoàn toàn cầu Red Bull. Trong năm 2019, Tập đoàn này đã bán 7,5 tỷ lon đồ uống tại hơn 171 quốc gia trên toàn thế giới. Đế chế của gia đình Yoovidhya bao gồm các bất động sản, nhà hàng, nhà máy rượu và là nhà nhập khẩu chính thức duy nhất tại Thái Lan đối với dòng xe Ferrari.

Công ty mẹ của thương hiệu Red Bull Thái Lan, TCP Group đã cố găng tránh xa những ồn ào xung quanh vụ việc này. Trong một tuyên bố, tập đoàn cho biết Vorayuth “chưa bao giờ đảm nhận bất kì vai trò nào trong quản lý và hoạt động thường ngày của TCP Group, chưa bao giờ là cổ đông cũng như chưa nắm giữ bất kì vị trí điều hành nào trong công ty”.

Giống như cha và ông nội của mình, Vorayuth vốn kín tiếng và ít được biết đến ở Thái Lan trước khi vụ tai nạn 2012 xảy ra.

Red Bull là thức uống hàng đầu, mang tên tuổi khắp Thái Lan. Ảnh: CNN
Red Bull là thức uống hàng đầu, mang tên tuổi khắp Thái Lan. Ảnh: CNN

Những tình tiết không ai ngờ tới

Khi các nhân viên cảnh sát lần theo vết dầu rò rỉ đến dinh thự Yoovidhya, một người đàn ông giấu tên tại đây ban đầu khai rằng anh ta là người lái chiếc xe đó vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Sau đó, người này đã bị phạt 200 USD vì tội khai gian. Vorayuth đã bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn, tại đó anh ta thừa nhận mình đã điều khiển ô tô và tông vào chiếc xe máy. Anh ta sớm được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 16.000 USD.

Trong khoảng thời gian sau đó, Vorayuth đã không lần nào có mặt tại toà án theo lệnh triệu tập của các công tố viên. Luật sư của anh ta nói rằng, anh bị ốm hoặc đang đi công tác nước ngoài. Công tố viên cuối cùng đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Vorayuth vào tháng 4/2017, gần 5 năm sau khi vụ việc xảy ra. Nhưng đã quá muộn, Vorayuth đã rời Thái Lan từ trước đó.

Interpol đưa ra truy nã quốc tế đối với Vorayuth, nhưng sau đó thông tin này biến mất trên trang web chính thức. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Vorayuth.

Trong một thời gian dài, vụ án của Vorayuth dường như đã bị đình trệ. Đến tháng 9/2017, thời gian hiệu lực để khởi tố 4 tội danh của Vorayuth đã hết, bao gồm chạy quá tốc độ và gây tai nạn rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, tội danh nghiêm trọng nhất là lái xe ẩu gây chết người thì phải đến năm 2027 mới hết hiệu lực. 

Cơ bản về mặt luật pháp là như thế, cho đến khi Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan xoá bỏ hoàn toàn cả 5 tội danh cho Vorayuth vào ngày 23/7.

Net Narksook, công tố viên phụ trách vụ án không đưa ra bất kì lý do nào cho quyết định này, nhưng một thông báo do Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp gửi cho cảnh sát nói rằng, nó dựa trên “bằng chứng mới” cho thấy Vorayuth không chạy quá tốc độ tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn chết người

Theo thông báo đề ngày 12/6, Vorayuth ban đầu bị buộc tội bởi gây tai nạn chết người khi lái xe vượt quá tốc độ cho phép, ước tính 117 km/h, so với giới hạn 80 km/h. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát đã điều chỉnh ước tính ban đầu vào năm 2016 từ 117 km/h xuống 79 km/h, ngay sát tốc độ giới hạn. Không có bất kì lời giải thích nào về việc thay đổi này.

Hai “nhân chứng mới” nói với các công tố viên vào tháng 12/2019 rằng chiếc Ferrari chỉ di chuyển từ 50 - 60km/h tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

  Cảnh sát Thái Lan kiểm tra chiếc xe Ferrari vào ngày 3/9/2012. Ảnh: CNN

Cảnh sát Thái Lan kiểm tra chiếc xe Ferrari vào ngày 3/9/2012. Ảnh: CNN

Một trong những nhân chứng, Jaruchart Mardthong khai rằng anh ta đang lái một chiếc xe bán tải ngay phía sau viên cảnh sát và nhìn thấy chiếc xe máy của cảnh sát bất ngờ cắt ngang phía trước chiếc Ferrari, dẫn đến xảy ra tai nạn.

Lần đầu tiên Jaruchart đưa ra lời khai là chỉ vài tuần sau vụ việc xảy ra và vào năm ngoái, anh ta lại được yêu cầu bổ sung thêm lời khai. Dự kiến, anh ta cũng sẽ được triệu tập để cung cấp bằng chứng cho lời khai mới của mình.

Tuy nhiên, vào rạng sáng 30/7, Jaruchart cũng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy.

Cái chết của một nhân chứng

Cái chết đột ngột của một nhân chứng quan trọng vào giữa lúc vụ án đang nóng lên đã khiến công chúng quan tâm đặc biệt.

Đoạn băng hình ghi lại cho thấy một người đàn ông được xác định là nhân chứng Jaruchart đã điều khiển xe máy của mình trên một con đường vắng ở thành phố Chiang Mai, trước khi xảy ra va chạm với một xe máy khác đi cùng chiều.

Trung tướng Prachuab Wongsuk - uỷ viên cảnh sát tỉnh vùng 5, cho biết hai người đã gặp nhau vào đêm hôm trước khi uống rượu tại một quán bar và Jaruchart đồng ý theo người lạ mặt mới gặp đến một địa điểm khác.

Cảnh sát cho biết, kết quả điều tra cho thấy Jaruchart đã mất kiểm soát xe máy của mình và tông vào bánh của người đi xe cùng chiều.

Trung tướng Prachuab nói rằng, vụ va chạm dường như là một vụ tai nạn đơn thuần, nhưng cảnh sát không loại trừ khả năng có động cơ giết người. Ông nói: “Chúng tôi đang điều tra những kẻ tình nghi xung quanh cái chết của Jaruchart”.

Đối với một số nhà quan sát, cái chết của Jaruchart đến vào thời điểm bất thường, chỉ một ngày ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayut thông báo rằng ông đã thành lập một uỷ ban điều tra lại vụ án của Vorayuth.

Một điểm đáng ngờ khác là điện thoại của Jaruchart đã biến mất sau vụ tai nạn.

Trụ cột ba đời nhà Yoovidhya. Đồ hoạ: CNN
Trụ cột ba đời nhà Yoovidhya. Đồ hoạ: CNN

Khi có quá nhiều tình tiết mơ hồ xung quanh cái chết của Jaruchart, Thủ tướng Prayut đã ra lệnh dừng hoả táng Jaruchart, dự kiến diễn ra vào ngày 2/8 và cảnh sát Chiang Mai đã tiến hành khám nghiệm tử thi lần hai.

Cuộc khám nghiệm lần hai cho thấy, Jaruchart đã bị vỡ xương sọ, vỡ lá lách, gẫy sương sườn, chảy máu não và dạ dày - những vết thương phù hợp với một vụ tai nạn giao thông, nhà chức trách cho biết. Kết quả khám nghiệm lần đầu chưa được công bố.

Sau đó vào thứ Ba, ngày 4/8, lại xuất hiện một bước ngoặt khác.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan đã dẫn thêm bằng chứng mới, một ý kiến chuyên gia từ Sathon Vijarnwannaluk, giảng viên vật lý tại ĐH Chulalongkorn, cho biết chiếc xe Ferrari di chuyển với vận tốc 177 km/h là hoàn toàn khớp với kết luận điều tra ban đầu.

Vị giảng viên này cho biết, ông là một thành viên trong đội ban đầu được cảnh sát giao nhiệm vụ khám nghiệm vụ tai nạn. Ông cho biết nhóm của mình đã sử dụng hình ảnh do camera ghi lại được để tính toán tốc độ của chiếc Ferrari và đưa kết luận rằng nó đã lao đi với vận tốc 177 km/h.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp cho biết đánh giá của Sathon Vijarnwannaluk đã không được ghi lại trong hồ sơ vụ án, dẫn tới việc công tố viên quyết định huỷ bỏ các cáo buộc liên quan tới Vorayuth. Uỷ ban điều tra khẳng định, công tố viên không tìm thấy báo cáo ghi tốc độ 177 km/h ở đâu trong hồ sơ của cảnh sát.

Phát ngôn viên của Uỷ ban này nói rằng, từ ý kiến của Sathon Vijarnwannaluk, họ đã kiến nghị mở lại cuộc điều tra về tốc độ di chuyển của chiếc Ferrari do Vorayuth điều khiển tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Nếu đúng, Vorayuth có thể bị kết tội lái xe liều lĩnh gây chết người.

Uỷ ban cũng đề nghị cảnh sát điều tra thêm về một cáo buộc sử dụng ma tuý đối với Vorayuth, vì các xét nghiệm máu sau vụ tai nạn cho thấy các vết máu có dấu vết ma tuý.

“Thông điệp chính mà chúng tôi muốn gửi tới công chúng ngày hôm nay đó là, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp sẽ tái khởi động điều tra về vụ án, để có thể đưa “boss” trở lại hệ thống pháp luật”, thông báo cho hay.

Bê bối gia đình

Vụ bê bối không chỉ khiến xã hội Thái Lan phẫn nộ mà nó còn khiến một gia tộc vốn trước nay kín tiếng đã buộc phải lên tiếng.

Trong một tuyên bố hiếm hoi vào tháng trước, một số thành viên trong đại gia đình nhà Vorayuth đã xin lỗi “vì tin tức về thành viên trong gia đình chúng tôi đã gây ra sự tức giận, thù hận và bất mãn ngày càng gia tăng trong xã hội”.

“Chúng tôi phải đưa ra bức thư này để bày tỏ sự hối tiếc của chúng tôi về vụ việc đã xảy ra, và xác nhận tinh thần thượng tôn pháp luật của chúng tôi. Tin tưởng rằng hệ thống pháp lý sẽ mang lại công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt đối xử”, tuyên bố viết.

  Vorayuth Yoovidhya khi ở London vào năm 2017. Ảnh: CNN

Vorayuth Yoovidhya khi ở London vào năm 2017. Ảnh: CNN

Gia đình của sĩ quan cảnh sát hy sinh trong vụ tai nạn năm 2012 đã bày tỏ sự ngạc nhiên về những diễn biến mới nhất. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thái Lan, chị dâu Nattanun Klanprasert cho biết, cô rất sốc với những bằng chứng mới được đưa ra.

Trước đó cảnh sát đã nói với cô rằng không có nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ tai nạn.

Các cáo buộc chống lại Vorayuth vẫn chưa được phục hồi, nhưng anh ta vẫn đang là một kẻ bị truy nã.

Vicha Mahakun, người đứng đầu uỷ ban điều tra độc lập do Thủ tướng Prayut thành lập, cho biết lệnh bắt giữ Vorayuth vẫn được áp dụng.

Cảnh sát nói rằng phải đến ngày 20/8 mới hoàn tất phỏng vấn các nhân chứng và báo cáo lên Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp. Một vụ án đã gây tò mò và phẫn nỗ cho công chúng Thái Lan trong nhiều năm, nay có thể tiến thêm một bước nữa để có thể đưa ra kết luận cuối cùng trước toà.