Những cái nhất của TP.HCM trong 5 năm 2015-2020

TẤT ĐẠT

Đóng góp 1/4 kinh tế cả nước, gần 30% ngân sách, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, là một trong những cái nhất của TP.HCM.
Những cái nhất của TP.HCM trong 5 năm 2015-2020

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ đã nỗ lực tìm tòi, kiến nghị Trung ương nhiều cơ chế, chính sách tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố. 

TP.HCM là địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước. Trong 5 năm 2015-2020, TP.HCM đã thành công đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội , phát huy lợi thế để vươn lên giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. 

TP.HCM đóng góp gần 1/4 kinh tế cả nước

5 năm qua, chính quyền TP.HCM luôn trăn trở về sự ổn định và sức tăng của nền kinh tế gắn liền với sinh kế của 10 triệu dân. Tâm huyết và quyết liệt của Đảng bộ TP.HCM đã giúp kinh tế Thành phố ghi nhận nhiều con số ấn tượng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn ( GRDP ) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 6,41%. Nhờ đó, tỷ trọng kinh tế TP.HCM đóng góp cho cả nước giữ vững con số trên 22,2%, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước.

TP.HCM cũng là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Không chỉ đóng góp ngân sách lớn nhất, TP.HCM còn là địa phương có tỷ lệ chi ngân sách trên thu thấp nhất cả nước. Và đây chính là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 chiếm 33% tổng GRDP của toàn thành phố. Ước tính giai đoạn 2016-2020, con số này sẽ là 33,5%, vượt kế hoạch đề ra là 30% tổng GRDP. 

Ngoài ra, TP.HCM đã thu ngân sách đạt 101,96% so với dự toán trong giai đoạn 2016-2019. Tính chung giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách ước đạt 99,4%.

Chất lượng kinh tế được cải thiện theo từng năm. TP.HCM là nơi có năng suất lao động cao gấp 2,6 lần năng suất cả nước. Trong tổng số lao động toàn thành, có 84,79% lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề trong năm 2019. Tỷ lệ này của năm 2020 ước đạt 85,2%.

 Thành tựu kinh tế  của TP.HCM trong 5 năm qua. Đồ hoạ: Tất Đạt
Thành tựu kinh tế của TP.HCM trong 5 năm qua. Đồ hoạ: Tất Đạt

Đánh giá về những kết quả đạt được mang tính toàn diện trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Thành Phong , Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng ngay từ đầu, thành phố đã tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HĐND trên tất cả lĩnh vực. Những thành tựu đạt được còn là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của các ngành, doanh nghiệp và nhân dân TP.HCM

Khu Đông - thành phố đặc biệt trong lòng TP.HCM

Nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020 là nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP.HCM trong giai đoạn 2019-2021. TP.HCM sẽ thành lập đơn vị hành chính mới, tạm đặt tên là thành phố Thủ Đức , trên cơ cở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên, dân số 1.013.795 người. Đây sẽ thành phố trong lòng thành phố đầu tiên của Việt Nam.

 Thành phố phía Đông  được kỳ vọng là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Thành phố phía Đông được kỳ vọng là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Ý tưởng về thành phố Thủ Đức đã manh nha từ nhiều năm về trước và hiện thực hóa vào giai đoạn này. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định, khi được thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ hình thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng trí thức trẻ địa phương. Thành phố Thủ Đức sẽ là vùng trung tâm thông minh đầu tiên của TP.HCM với hạ tầng về giao thông và y tế tốt nhất.

Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là khu công nghệ cao. Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao mà hạt nhân là ĐHQG, sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn thành.

Bản đồ quy hoạch 6 trọng điểm sáng tạo của thành phố Thủ Đức. Đồ hoạ: Sasaki Encity
Bản đồ quy hoạch 6 trọng điểm sáng tạo của thành phố Thủ Đức. Đồ hoạ: Sasaki Encity

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, dự kiến sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP cho TP.HCM và 7% GDP của cả nước. Đây còn là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước nghiên cứu, triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh. Từ năm 2016, TP.HCM bắt đầu xây dựng đề án tổng thể. Đến tháng 11/2017, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh được công bố, với tầm nhìn đến năm 2025.

Ở giai đoạn 1, đề án này đã đạt được một số kết quả nhất định, như xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP.HCM; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; triển khai thí điểm đề án tại quận 1 và quận 12,…

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh tại TP.HCM. Ảnh: NLS Việt Nam
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh tại TP.HCM. Ảnh: NLS Việt Nam

Đáng chú ý, một phần kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM đã được chia sẻ qua cổng dữ liệu mở, bước đầu người dân đã được tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền và xã hội,…

Việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường... bước đầu đã giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận một số tiện ích, như tra cứu thông tin giao thông, quy hoạch,…

Ngoài ra, các mô hình quận, huyện trực tuyến, cổng thông tin 1022 cũng tạo sự thuận lợi trong tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, giúp người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền,…

"Trong tương lai, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm chuyển đổi số, với nhiệm vụ và chức năng quan trọng, đặc biệt có thể thay đổi tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số, thông qua việc người dân và doanh nghiệp được trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Từ đó tăng cường tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc giám sát, góp ý cho chính quyền số, hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”,  Phó Chủ tịch Dương Anh Đức khẳng định.

Phạm pháp hình sự giảm nhanh, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu,  vi phạm

Không chỉ gặt hái thành tựu về kinh tế, chính sách và mô hình quản trị, tình hình an ninh chính trị , trật tự an toàn xã hội của TP.HCM luôn được giữ vững, quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố. TP.HCM được đánh giá cao vì đã chủ động phòng ngừa, triệt phá mọi âm mưu, hành động phá hoại gây mất ổn định chính trị.

Để giữ vững trật tự an toàn xã hội, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp.

Từ tháng 3/2017, Công an TP.HCM đã lắp đặt và thử nghiệm hệ thống camera thông minh nhận dạng biển số xe và gương mặt, với khả năng tự động phân tích, xác định những phương tiện di chuyển có hành vi không bình thường.

Hệ thống cũng kết hợp với các cơ sở dữ liệu về người vi phạm giao thông, người bị truy nã và tự động phát hiện, cảnh báo những đối tượng cần chú ý cho các đơn vị công an gần nhất,…

Lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp ( tổ 363 ) được xem là
tổ 363
Lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp ( tổ 363 ) được xem là "cú đấm thép" của TP.HCM. Ảnh: Tổ Quốc - Thế Giới Tiếp Thị

Chính quyền TP.HCM cũng luôn quyết liệt xử lý các cán bộ sai phạm. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và cấp ủy các cấp đã xử lý 2.849 đảng viên, trong đó 270 người bị khai trừ Đảng. 

Quy mô kinh tế của TP.HCM giờ đây đã lớn hơn nhiều nước trong khu vực

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025  sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI là sự kiện quan trọng, mang tính quyết định tương lai, tầm nhìn, định hướng phát triển cho đầu tàu, trung tâm kinh tế TP.HCM.

Thủ tướng khẳng định tăng trưởng kinh tế của TP.HCM nhanh, chất lượng tăng trưởng không ngừng được nâng lên. Bình quân 2016-2019, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%/năm, tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Quy mô kinh tế của TP.HCM giờ đây đã lớn hơn Việt Nam từ 2015 trở về trước, thậm chí một số nước trong khu vực.

Thủ tướng chỉ rõ các yếu tố đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của thành phố. Diện mạo thành phố đổi thay từng ngày, xanh, sạch đẹp hơn, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đây là địa phương đi đầu trong xây dựng thành phố thông minh, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, rà soát quy hoạch… cũng là trung tâm sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp lớn nhất cả nước.

Thủ tướng khẳng định TP.HCM có những lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ, là yếu tố cho sự phát triển mà không nơi nào có được.