Sức chống chọi của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung như thế nào?

CHẤN HƯNG (t/h)

Mỹ ngày càng gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc cũng có những quân bài chiến lược, nhưng chưa tung ra, vì sao?

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Lưu Anh (Liu Ying) của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc về “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” với nội dung xoay quanh những nhận định về triển vọng của xung đột này, cũng như tác động của nó với các bên liên quan.

Trong tình hình hiện nay của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc chiến.
Trong tình hình hiện nay của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc chiến.

Phóng viên: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tiếp tục leo thang khi cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường áp thuế lên các mặt hàng của nhau. Giáo sư nhận định như thế nào về triển vọng của cuộc chiến này?

- Giáo sư Lưu Anh: Tình hình hiện nay của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là do phía Mỹ khơi mào từ đầu năm 2018. Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ đã áp 30% thuế nhập khẩu đối với tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt từ Trung Quốc; tới tháng 3/2018, Washington tiếp tục áp thuế quan 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc; ngày 15/6/2018, Mỹ tiếp tục áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; Tới tháng 9/2018, Mỹ gia tăng áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. 

Năm nay, Chính quyền Tổng thống Trump thông báo chính thức nâng mức đối với thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10%, có hiệu lực từ ngày 10/5. Sau mỗi lần phía Mỹ gia tăng áp thuế như vậy, Trung Quốc đều có đối sách bằng việc gia tăng áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ.

Tới nay, xung đột thương mại Mỹ-Trung, kéo dài hơn 1 năm qua, hiện đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất. Do đó, hai bên cần kiềm chế, không nên đưa ra bất cứ chính sách hay kế hoạch nào gây trầm trọng cho cuộc chiến hiện nay.

Trung Quốc đã dùng lẽ phải để đối phó với sự phi lý của Mỹ. Trong vấn đề đàm phán thương mại song phương, phía Trung Quốc đã thể hiện thành ý, sự nhẫn nại và trách nhiệm của một nước lớn. Khi đó, hai bên cần phải quay trở lại bàn đàm phán, trong đó cần dựa trên nhận thức chung của lãnh đạo hai nước từng đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina hồi tháng 12/2018, dựa trên nền tảng lợi ích song phương để thúc đẩy đàm phán.

Đây chính là vấn đề mà hai bên cần phải cấp bách giải quyết, chứ không như Mỹ đặt lợi ích của mình lên trên hết và không ngừng áp thuế một cách phi lý. Trên thực tế, việc gia tăng áp thuế không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà chỉ gây tổn thương lẫn nhau cũng như gây phương hại cho các nước khác, bởi việc Chính phủ Mỹ tăng cường áp thuế trong một năm qua trên thực tế đã không thể làm giảm thâm hụt thương mại song phương.

Trong tình hình hiện nay của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc chiến này vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn và có sự tự tin, có sức chịu đựng dẻo dai và có tiềm lực đầy đủ. Bên cạnh đó, năm 2018, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung đạt hơn 600 tỷ USD, GDP của Trung Quốc đạt hơn 13.000 tỷ USD. Các chỉ số này cho thấy mức ảnh hưởng của cuộc thương chiến Mỹ-Trung là có hạn và Bắc Kinh có thể kiểm soát được cũng như hoàn toàn đủ năng lực đối phó với nó.

Do Trung Quốc hiện nay không phải là châu Âu và Nhật Bản của những năm 1980 và 1990, và Trung Quốc không phải là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nên việc Mỹ lợi dụng chiến tranh thương mại để đối phó với Trung Quốc sẽ không có tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng bởi kinh tế của Trung Quốc hiện đã dựa trên nhu cầu nội địa khổng lồ của mình làm đầu kéo lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Trong quý I/2019, tiêu dùng trong nước đã đóng góp hơn 65% GDP của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của Trung Quốc cũng rất mạnh, trong khi hoạt động xuất khẩu cũng nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào hòng khắc chế Bắc Kinh và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc là không hiệu quả, gây ảnh hưởng tiêu cực và tạo ra sự bấp bênh nghiêm trọng cho hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại toàn cầu.

Vì vậy, hai bên cần sớm quay lại bàn đàm phán và nhanh chóng tìm ra nguyên tắc chuẩn mực có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ cũng như các nền kinh tế toàn cầu khác.

Những người ủng hộ quyền bá chủ của Mỹ đã quyết định rằng bây giờ hoặc không bao giờ hạ bệ Trung Quốc. Ảnh: AP
Những người ủng hộ quyền bá chủ của Mỹ đã quyết định rằng bây giờ hoặc không bao giờ hạ bệ Trung Quốc. Ảnh: AP

Phóng viên: Trung Quốc cũng sẽ tăng thuế đối với lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 – phản ứng được cho là nhằm đáp trả quyết định ngày 10/5 của Mỹ tăng thuế từ 10% lên 20% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo bà, việc tăng thuế này, Trung Quốc sẽ chịu những tác động tích cực cũng như tiêu cực gì?

- Giáo sư Lưu Anh: Tôi cho rằng động thái đáp trả của Trung Quốc - tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với các mức 25%, 20% và 10%, còn mức thuế 5% sẽ duy trì với các mặt hàng còn lại – trên thực tế không giống như hành động phi lý của Mỹ. Theo tôi, ảnh hưởng đối với Trung Quốc là hạn chế, có thể chống chọi và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đặc biệt, chúng ta đều biết rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy bay và đậu nành của Mỹ, tiếp đến là thị trường xuất khẩu ô tô và bông lớn thứ hai của nước này. 

Trước cuộc chiến này, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 57% số máy bay Boeing của Mỹ, song hiện có thể quay sang mua của Airbus và có thể nhập khẩu đậu nành của Brazil. Chúng ta đều biết ô tô của Mỹ rất tốn nhiên liệu, trong khi đó Trung Quốc hiện sản xuất được rất nhiều ô tô, xe của các nước Đông Nam Á, châu Âu và Nhật Bản cũng rất tốt.

Như vậy, về mặt hàng ô tô và nông sản, Trung Quốc đều có sản phẩm thay thế, do đó phía Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn.Về năng lượng, nguồn nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc cũng rất đa dạng, không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ mà đến từ nhiều quốc gia như Nga, các nước Trung Đông... Do đó, Trung Quốc không hề lo ngại ảnh hưởng vì mọi sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc đều có thể thay thế được.

Bên cạnh đó, do Trung Quốc cũng không hoàn toàn dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này đối với Trung Quốc là rất nhỏ. 

Phóng viên: Nhiều quan điểm lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động đến thương mại toàn cầu và đà suy giảm của kinh tế thế giới. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

- Giáo sư Lưu Anh: Việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, thậm chí với cả nước nhỏ như Rwanda, thực sự đã kiềm chế sự tăng trưởng thương mại và kinh tế thế giới. Do đó, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. 

Như chúng ta đã biết, thương mại quốc tế là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng làn sóng của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ hiện đã lan đến nhiều nước như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, và trên thực tế đã kiểm chế dòng vốn đầu tư xuyên biên giới.

Trong nửa đầu năm 2018, dòng vốn đầu tư xuyên biên giới này đã giảm 41%, trong khi chỉ số BDI (phản ánh chỉ số thịnh vượng của thương mại quốc tế) cũng đã giảm một nửa, xuống còn 66%. Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu bị hạ thấp trên thực tế không chỉ bị ảnh hưởng bởi điều này, mà còn bị tác động bởi sự lao dốc mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu thế giới, bao gồm thị trường chứng khoán Mỹ bị gây ra mỗi khi Mỹ khởi xướng xung đột thương mại.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây trồi sụt thất thường, nhưng điều dễ nhận thấy là ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thêm đợt thuế quan mới, thị trường chứng khoán nước này lao dốc mạnh. Sự bốc hơi giá trị đó trên thực tế còn lớn hơn con số gọi là thâm hụt thương mại giữa hai nước. Do đó, nên dùng biện pháp tích cực để kết thúc cuộc xung đột thương mại này, để Trung Quốc và Mỹ quay trở lại là đầu tàu dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Đây cũng là trách nhiệm của Mỹ đối với thế giới.

Sức chống chọi của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung như thế nào?

Phóng viên: Việt Nam có quan hệ kinh tế với cả Trung Quốc và Mỹ, vậy cuộc chiến này theo giáo sư sẽ có tác động gì tới Việt Nam? Bà có lời khuyên gì đối với Việt Nam để hạn chế tác động tiêu cực?

- Giáo sư Lưu Anh: Chúng ta đều biết rằng trong thương mại toàn cầu, có tới hơn 70% là các sản phẩm trung gian, nên việc Mỹ phát động xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến hai nước cũng như nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Do nhu cầu của nền kinh tế thế giới, việc tăng thuế của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực tế làm gia tăng giá thành sản xuất hàng hóa một cách vô cớ, do đó những nước có quan hệ kinh doanh, thương mại với Mỹ, bao gồm Việt Nam, sẽ chịu tác động. 

Theo tôi, Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy cải cách mở cửa, đặc biệt là tăng cường quan hệ kinh tế thương mại Trung - Việt, cũng như quan hệ kinh tế thương mại với các nước ASEAN nói chung. Hiện nay kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN vào khoảng hơn 500 tỷ USD, còn kim ngạch thương mại Trung - Việt cũng đã đạt gần 150 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng, có năm đạt đến 21%. 

Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Trung - Việt có điều kiện thuận lợi do hai nước là láng giềng tốt. Đối với ASEAN, chúng ta cần thông qua tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác thương mại, thậm chí là hợp tác trong lĩnh vực tài chính, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giảm bớt tác động đến từ Mỹ. 

Hiện nay, Mỹ còn đe dọa rút khỏi WTO, trong khi Trung Quốc và châu Âu thực ra đã tính đến cơ chế vận hành WTO mà không có sự tham gia của Mỹ. Trong trường hợp đó, chúng ta càng cần đoàn kết, tăng cường kết nối, thúc đẩy lưu thông thương mại, thông qua kết nối hạ tầng để thúc đẩy sự thuận tiện hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, nhằm đối phó với việc Mỹ phát động xung đột thương mại.