Trong những bức ảnh về hòn đảo Pingelap của nhiếp ảnh gia Sanne De Wilde, thiên đường nhiệt đới ngoài khơi Thái Bình Dương được mô tả với hàng thực vật màu hồng nhạt, biển phủ một màu ghi buồn bã và cư dân bản địa chỉ thấy được hai màu trắng đen.
Những đứa trẻ Pingelap trở lại một hòn đảo sau chuyến picnic |
Pingelap là nơi có tỷ lệ những người không phân biệt được màu sắc cao bất thường. Nếu chứng rối loạn sắc giác chỉ xảy ra 1 trong 30.000 người trên toàn cầu thì cư dân trên đảo Pingelap này chiếm tới 4-10%.
Cậu bé Jaynard Robert trèo cây hái quả và đùa nghịch, ánh nắng khiến cậu bé không thể mở mắt. Người dân nơi đây không tự trồng cây, tất cả cây cối nơi đây đều mọc tự nhiên. |
Sanne De Wilde biết đến Pingelap qua một lời kể và tìm cách để đến đây. “Không nhà hàng, cửa hiệu, người dân nơi đây sống bằng những trái dừa họ hái và cá họ bắt, một cuộc sống “khá hoang sơ”, cô chia sẻ.
Người dân Pingelap xây dựng cộng đồng nhỏ trên đảo Pohnpei. Trong ảnh là cậu bé Jaynard đang vui đùa trong vườn |
De Wilde đã phát hành một cuốn sách ảnh có tên “The Island of the Colorblind”. Những bức ảnh của cô được chụp tại Pingelap và một hòn đảo lớn hơn cách đó 300km có tên Pohnpei.
Tàn tích (bên trái) là bằng chứng về sự tồn tại của thành phố Nan Madol, nơi ngự trị của một triều đại nơi đây. Những người dân Pingelap được cho là con cháu của vị vua và thừa hưởng gene chứng rối loạn sắc giác của ngài. |
Thế giới qua lăng kính của nhiếp ảnh gia người Bỉ này không phải là thế giới cô nhìn bằng con mắt mà là bằng trí tưởng tượng của chính người dân ở Pingelap.
Một chồng lưới đánh cá gần sân bay nội địa tại Pohnpei. Cứ vài tháng, một chiếc phi cơ nhỏ lại bay tới hòn đảo này. |
Theo De Wilde, những người mắc chứng rối loạn sắc giác vô cùng nhạy cảm với ánh sáng, và đó là trở ngại lớn khi sống trên một hòn đảo nhiệt đới đầy nắng. Ban ngày, nơi đây như một bức tranh bốc cháy khiến họ khó có thể mở được mắt khi bước ra ngoài.
Trên đảo, người dân đốt toàn bộ rác và dùng cành củi bắt lửa để đuổi muỗi. Trong ảnh, một đứa trẻ Pingelap đang vui đùa cùng lửa. |
De Wilde chỉnh sửa tông màu để người xem có thể hình dung ra thế giới dưới con mắt của những cư dân nơi đây. Trong thế giới đơn sắc, “màu sắc” đôi khi chỉ là một từ đối với những người không thấy được nó.
Một bức tranh chú vẹt đang nheo mắt được tô màu bởi những người mắc chứng rối loạn sắc giác. |
“Trong những bức hình chụp người dân, tôi không chỉnh sửa bất cứ màu sắc gì mà chỉ có đèn flash của máy ảnh. Còn những tấm còn lại có sự giúp đỡ của photoshop”, De Wilde chia sẻ.
"Tôi đưa cho Jaynard chiếc bóng đèn disco và hỏi "em nhìn thấy gì?". "Màu sắc" - Jaynard reo lên và tiếp tục nhìn chằm chằm vào chiếc đèn". |
Chỉ có điện mặt trời tại Pingelap, còn khi đêm xuống, mọi người di chuyển bằng những chiếc đèn pin. Eric, một người mù màu đang nhìn ánh đèn khi được De Wilde yêu cầu. |
Theo người dân nơi đây, màu đỏ là màu họ nhìn thấy nhiều nhất, còn màu xanh lá là màu mà họ yêu thích nhất dù cho khó có thể nhận ra, có lẽ là bởi họ muốn truyền tải tình yêu cho rừng thực vật xung quanh.
De Wilde sinh ra tại Antwerp (Bỉ), cô đã giành nhiều giải thưởng trong việc khắc họa những con người có cái nhìn hay nhận thức khác biệt về thế giới.