Mối đe dọa từ sự suy yếu của các cường quốc sau khủng hoảng COVID-19

CHẤN HƯNG (t/h)

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 dự báo trước 3 bước ngoặt ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sau đại dịch COVID-19, cả 3 thế lực này sẽ bị suy yếu từ bên trong, từ đó khả năng lãnh đạo toàn cầu của họ bị suy giảm.

Đó là sự chấm dứt của kế hoạch hội nhập châu Âu; sự kết thúc của một nước Mỹ thống nhất, thực dụng và sự kết thúc của khế ước xã hội ngầm giữa nhà nước và người dân ở Trung Quốc. Do đó, sau đại dịch COVID-19, cả 3 thế lực này sẽ bị suy yếu từ bên trong, từ đó khả năng lãnh đạo toàn cầu của họ bị suy giảm.

Bắt đầu với châu Âu. Cũng như cuộc khủng hoảng tại khu vực này giai đoạn 2010-2012, đường đứt gãy của khối hiện nay chạy qua Italy. Kiệt quệ sau hàng thập kỷ phát triển năng động và nền tài chính mong manh, vấn đề này quá nghiêm trọng đến nỗi châu Âu không thể cứu vãn và cũng quá quan trọng tới nỗi không thể để thất bại.

Trong đại dịch, người Italy đã cảm thấy họ bị các đối tác châu Âu bỏ rơi khi cuộc khủng hoảng liên quan tới sự tồn vong của họ đang diễn ra, tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các chính trị gia dân túy khai thác. Hình ảnh thi thể các nạn nhân của COVID-19 ở Begamo được bọc trong các túi đựng và được đoàn xe quân sự chở đi an táng mà không có người đi cùng sẽ còn khắc sâu trong tâm trí người dân Italy. 

COVID-19 đã phơi bày những bất ổn ở châu Âu.
COVID-19 đã phơi bày những bất ổn ở châu Âu.

Trong khi đó, khi phát biểu về việc làm thế nào để giúp các quốc gia thành viên bị đại dịch, giới tinh hoa kỹ trị của Liên minh châu Âu lại một lần nữa sa đà vào "một loạt chữ cái thể chế" - ECB, ESM, OMT, MFF và PEPP - những từ vốn đã trở thành ngôn ngữ mặc định của họ.

Các nhà lãnh đạo của lục địa đã chùn bước và do dự, từ câu nói có vẻ bị hớ của chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hồi tháng 3/2020 - khi bà nói rằng ECB không phải ở đây để thu hẹp chênh lệch chi phí đi vay giữa các quốc gia thành viên, đến các cuộc cãi vã về vấn đề biến các khoản nợ riêng thành nợ chung và quỹ cứu trợ COVID-19, và cả sự thay đổi dần dần một cách miễn cưỡng của thỏa thuận mới nhất.

Và, ngay cả khi đạt được những tiến bộ hạn chế, tính bảo thủ trong bản năng của Đức - được minh chứng gần đây nhất bởi phán quyết của tòa án Hiến pháp Liên bang Đức về các hành động của ECB -  luôn luôn tìm cách làm suy yếu tinh thần hội nhập.

Giả sử rằng các nền kinh tế thành công vốn là cốt lõi của EU có thể phục hồi sau khủng hoảng trong khi những nền kinh tế ngoại vi bị lung lay - và điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra. Không có kế hoạch hội nhập chính trị nào có thể tồn tại khi các quốc gia vốn luôn thuộc tầng lớp dưới không được chia sẻ sự thịnh vượng với các nước láng giềng khi tình hình còn tốt đẹp, và bị bỏ rơi khi tai họa xảy ra.

Trong khi đó, sự suy yếu của Mỹ bị thổi phồng và bị hoài nghi. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các thể chế chủ chốt của Mỹ đã báo hiệu sự sa sút: nhiệm kỳ tổng thống hành động khó kiểm soát của Donald Trump, một Quốc hội có sự sắp xếp đảng phái không thỏa đảng, Tòa án Tối cao bị chính trị hóa, chủ nghĩa liên bang rạn nứt và các thể chế lập pháp bị kiểm soát (với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là một ngoại lệ nổi bật).

Nhiều người Mỹ trong thâm tâm nhận thấy sự sa sút này, nhưng bác bỏ các quan điểm cho rằng nước Mỹ đang suy giảm sức mạnh. Họ vẫn tin rằng mạng lưới các tổ chức phi nhà nước và những sức mạnh ngầm - bao gồm các trường đại học, truyền thông, tinh thần khởi nghiệp và năng lực công nghệ, cũng như vị thế của đồng USD trên toàn cầu - tạo ra khả năng phục hồi mà nước Mỹ cần để duy trì địa vị của mình.

Nhưng cho đến nay, quốc gia giàu nhất thế giới vẫn là nước đối phó với đại dịch tệ nhất. Mặc dù dân số Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới, nhưng hiện tại Mỹ đã chiếm khoảng 24% tổng số ca tử vong ở những người đã được xác nhận nhiễm COVID-19 và 32% tính cả các trường hợp chưa được xét nghiệm.

Do đó, uy tín và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã liên tục bị tổn hại nặng nề bởi hành động xâm phạm kiểu đế quốc (chiến tranh Iraq), một hệ thống kinh tế gian lận (khủng hoảng tài chính toàn cầu), rối loạn chính trị (nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump), và hiện nay là khả năng đối phó với dịch COVID-19 một cách kém cỏi của Mỹ khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Những đòn giáng liên tiếp này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc dù nó chưa gây tai họa chết người.

  Mọi người xếp hàng nhận thực phẩm tại Harlem's Community Kitchen và Food Pantry của Ngân hàng Thực phẩm ở New York trong khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Ảnh: REUTERS

Mọi người xếp hàng nhận thực phẩm tại Harlem's Community Kitchen và Food Pantry của Ngân hàng Thực phẩm ở New York trong khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Ảnh: REUTERS

Rất nhiều trong số những vấn đề kể trên hóa ra lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc và độc hại trong xã hội Mỹ. Quả thực như vậy, Tổng thống Trump đang kích động những người ủng hộ ông nổi dậy. Đến tháng 11 tới, ngay cả tiêu chí dân chủ cơ bản là tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng cuối cùng cũng có thể bị bỏ qua.

Tất nhiên, sẽ là quá vội vàng và gây hoang mang khi đánh giá rằng thất bại sâu rộng của Mỹ trong việc đối phó với khủng hoảng COVID-19 sẽ đe dọa nền dân chủ và sự tồn tại của nhà nước Mỹ. Tuy nhiên, việc khăng khăng tin vào chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ ở một thời điểm như hiện nay có vẻ như sẽ là sự phủ nhận nguy hiểm.

Cuối cùng là Trung Quốc. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, đất nước đã phát triển dựa trên một thỏa thuận ngầm đơn giản: Công dân giữ im lặng về vấn đề chính trị, chấp nhận bị hạn chế sự tự do và các quyền tự do, và nhà nước - nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản Trung Quốc - bảo đảm trật tự và sự thịnh vượng ngày càng đi lên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đe dọa thỏa thuận lớn này theo hai cách.

Thứ nhất, chính quyền Trung Quốc đã xử lý đại dịch một cách tệ hại thời điểm đầu, đặc biệt việc họ lấp liếm sự thật về đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán làm dấy lên sự nghi ngờ về năng lực của chế độ Bắc Kinh.

Xét cho cùng, thỏa thuận xã hội có vẻ kém hấp dẫn nếu nhà nước không thể đảm bảo cho công dân phúc lợi cơ bản, bao gồm cả chính cuộc sống của họ. Số ca tử vong vì COVID-19 thực sự của Trung Quốc, gần như chắc chắn cao hơn con số chính quyền đang thừa nhận, cuối cùng sẽ được đưa ra ánh sáng.

Và sự tương phản rõ rệt giữa phản ứng của Bắc Kinh với phản ứng mẫu mực đối với đại dịch của các xã hội tự do hơn là Đài Loan và Hong Kong cũng sẽ được phơi bày.

Thứ hai, đại dịch có thể dẫn đến sức ép từ bên ngoài trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và tài chính. Nếu thế giới mất cân bằng do COVID-19, các quốc gia khác gần như chắc chắn sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, từ đó cơ hội thương mại của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp. Tương tự, nhiều công ty Trung Quốc sẽ bị chặn đầu tư ra nước ngoài, và không chỉ vì lí do an ninh - như Ấn Độ gần đây đã phát đi tín hiệu.

  Tác động của COVID-19 khiến số người thất nghiệp ở Trung Quốc đang phình to. Minh họa: SCMP

Tác động của COVID-19 khiến số người thất nghiệp ở Trung Quốc đang phình to. Minh họa: SCMP

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc - nỗ lực đáng khen ngợi của Bắc Kinh để tăng cường sức mạnh mềm bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại và truyền thông từ châu Á đến châu Âu - có nguy cơ bị đổ vỡ khi những quốc gia nghèo tham gia bị tàn phá bởi đại dịch bắt đầu vỡ nợ.

Do đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ làm tổn hại đến triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc. Những nỗi bất bình ở trong nước đã bắt đầu lan rộng, ngay cả khi chúng ít rõ ràng khi nhìn từ bên ngoài.

Kiểm soát tài nguyên là điều kiện tiên quyết cho quyền lực. Nhưng, như lý thuyết quan hệ quốc tế nhắc nhở chúng ta, việc triển khai sức mạnh ra bên ngoài lãnh thổ đòi hỏi phải có chút ít sự đoàn kết và nhất trí trong nội bộ. Xã hội yếu kém, rạn nứt thì cho dù quốc gia giàu có đến đâu cũng không thể tạo ra ảnh hưởng chiến lược hoặc nắm giữ vai trò lãnh đạo quốc tế. 

Chúng ta đã sống một thời gian trong thế giới lưỡng cực G-2, nơi Mỹ và Trung Quốc thể hiện sự lãnh đạo yếu kém. Cả hai quốc gia này đã và đang mang đến cho cộng đồng toàn cầu "những điều tệ hại" như chiến tranh thương mại và làm xói mòn các tổ chức quốc tế, thay vì các hàng hóa công cộng như sự ổn định, các thị trường và nền tài chính rộng mở.

Bằng cách làm suy yếu thêm sự gắn kết nội bộ giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra có nguy cơ khiến thế giới trở nên hỗn loạn, bất ổn và dễ xảy ra xung đột hơn. Sự kết thúc ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn tới những khả năng địa chính trị nghiệt ngã như vậy.

Dữ liệu đang được cập nhật.

(Nguồn: TTXVN)