6 tỷ phú Việt Nam kiếm được bao nhiêu tiền trong đại dịch COVID-19?

TẤT ĐẠT

6 tháng sau cao điểm COVID-19, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam biến động không hề nhỏ.

Đến nay, Việt Nam đã gần trọn 2 tháng không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Nền kinh tế cũng đã trải qua hai đợt tổn thương từ bùng phát đại dịch. Theo đó, khối tài sản của các tỷ phú Việt Nam cũng biến động ít nhiều sau 6 tháng kể từ cao điểm COVID-19.

Phạm Nhật Vượng có thêm 1 tỷ USD sau dịch

Như thường lệ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam. Theo số liệu từ bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes thời gian thực, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang ở mức 6,6 tỷ USD.

Như vậy, khi so với lúc cao điểm đại dịch COVID-19, tài sản của tỷ phú Vượng đã tăng thêm 1 tỷ USD chỉ sau 6 tháng.

Kết quả này có được chủ yếu là do sự phục hồi của thị giá cổ phiếu Vingroup. Mã VIC chốt phiên giao dịch ngày 27/10 tiếp tục tăng lên mốc 105.700 đồng/cổ phiếu dù sắc đỏ áp đảo trên toàn thị trường. Với kết quả này, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất Việt Nam quay trở lại vùng giá trước khi dịch COVID-19 kéo thị trường chứng khoán xuống đáy vào cuối tháng 3.

Tuy khối lượng tài sản tăng lên nhưng thứ hạng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại giảm. Hồi tháng 4, ông đứng thứ 286 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes. Đến nay, bạn đọc phải lướt chuột xuống dòng thứ 334 mới tìm thấy tên ông, tức tuột mất 48 hạng chỉ sau 6 tháng.

Vingroup hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Trước đó, theo báo cáo tài chính bán niên, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất khoảng 38.576 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ, và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.354 tỷ đồng, 60,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 38 triệu USD chỉ trong một ngày. Ảnh: Forbes
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 38 triệu USD chỉ trong một ngày. Ảnh: Forbes

Thời gian qua, “con cưng” sản xuất ô tô và thiết bị di động của nhà Vin liên tiếp tạo nhiều dấu ấn.

Hãng xe Việt vừa công bố, trong tháng 9/2020 vừa qua, VinFast đã bán ra 1.515 xe Fadil, 804 xe Lux A2.0 và 1.307 xe Lux SA2.0. Tổng cộng, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt mức doanh số kỷ lục 3.626 xe bán ra thị trường, cao nhất kể từ khi hãng xe Việt ra đời đến nay.

Mới đây, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin về việc hãng điện tử VinSmart đang sản xuất điện thoại cho nhà mạng hàng đầu nước này AT&T. Rất có thể, mẫu điện thoại này sẽ sớm ra mắt vào tháng 11 hoặc tháng 12/2020.

Hồ Hùng Anh “miễn nhiễm” với COVID-19

“Anh em cột chèo” với tỷ phú Vượng, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, là người có tài sản tăng lên nhiều thứ 2 sau cao điểm COVID-19. Trong đợt thống kê vào tháng 4/2020, tài sản của vị này tròn 1 tỷ USD. Sau 6 tháng, con số này tăng thêm 600 triệu USD thành 1,6 tỷ USD. Hiện tại ông đang là người giàu thứ 1.698 trên thế giới, theo Forbes.

Mới đây, Techcombank đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Theo đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm, hầu hết hoạt động kinh doanh của nhà băng này vẫn tăng trưởng và ghi nhận 19.280 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, tăng 34%. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng 21%, đạt 10.711 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận 9 tháng cao kỷ lục mà nhà băng này từng ghi nhận được.

Trong thời gian qua, nợ xấu của Techcombank ghi nhận xu hướng giảm 55%, hiện còn 1.383 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tuột từ 1,3% xuống 0,6%. Trước đó, chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, ông Hồ Hùng Anh cho biết, dù COVID-19 tác động tới nhiều ngành nghề, nhưng nhờ việc tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi nên danh mục tín dụng bị ảnh hưởng của nhà băng này không nhiều.

Tính riêng quý vừa qua, Techcombank ghi nhận 5.148 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung giảm mạnh, mức tăng trên cho thấy số dư tín dụng của Tecombank dường như “miễn nhiễm” trước COVID-19.

Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm tiền từ bán lại máy bay

Nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là đại diện ghi nhận khối tài sản tăng lên so với giai đoạn cao điểm COVID-19. Hồi tháng 4/2020, bà Phương Thảo nắm trong tay 2,1 tỷ USD. Đến nay, con số này được nhích lên 2,2 tỷ USD. Bà chủ Vietjet Air đang đứng thứ 1.274 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes.

Thị giá cổ phiếu Vietjet cũng phục hồi nhưng không có mức tăng mạnh mẽ như cổ phiếu Hòa Phát, Masan, Vingroup. Hiện tại, mã VJC cũng chỉ được giao dịch xấp xỉ mức thị giá hồi đầu tháng 4. Đáng nói, thị giá cổ phiếu Vietjet Air hiện tại có xu hướng giảm so với vùng giá từ 109.000 - 118.000 đồng/cổ phiếu diễn ra suốt từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 7, thời điểm xảy ra bùng phát COVID-19 làm tê liệt ngành hàng không.

Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu tài sản đồ sộ thứ nhì cả nước. Ảnh chụp màn hình.
Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu tài sản đồ sộ thứ nhì cả nước. Ảnh chụp màn hình.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh riêng của công ty mẹ quý II/2020, Vietjet Air tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 1.925 tỷ đồng trong hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, nâng tổng số lỗ ở mảng này trong nửa đầu năm lên gần 2.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc chuyển quyền sở hữu và thuê lại tàu bay lại giúp hãng hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo “chuyển bại thành thắng”. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 6/2020, lợi nhuận sau thuế của VietJet Air chuyển từ số lỗ gần 2.112 tỷ đồng riêng lẻ thành số lãi hơn 73,4 tỷ đồng hợp nhất.

Trong giai đoạn cuối năm, hãng hàng không giá rẻ này tiếp tục tung nhiều chương trình khuyến mãi và tích cực mở rộng đường bay cả trong nước lẫn quốc tế. Vietjet Air vừa có văn bản đề nghị tài trợ việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa, giúp sân bay này trở thành cảng hàng không quan trọng của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Trần Bá Dương đứng yên

Ở lần cập nhật cuối tháng 10/2020, bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes không ghi nhận sự thay đổi trong tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương. Chủ tịch Thaco vẫn đang sở hữu 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì đứng thứ 1.415 trên bảng xếp hạng như hồi tháng 4, hiện ông chỉ ở vị trí 1.785, tức giảm tới 370 bậc chỉ sau 6 tháng.

Đến nay, Thaco là doanh nghiệp duy nhất thuộc sở hữu của các tỷ phú Việt chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong thời gian qua, Thaco cũng gặt hái không ít dấu mốc khi xuất khẩu xe ô tô sang Thái Lan và Myanmar, khung ghế ô tô sang Nhật, sơmi rơmoóc sang Mỹ,…

KIA Cerato được THACO xuất khẩu sang Myanmar. Ảnh: VnE
KIA Cerato được THACO xuất khẩu sang Myanmar. Ảnh: VnE

Trong bối cảnh hầu bao của người dân vẫn còn xiết chặt, kể từ tháng 10, Thaco thực hiện chương trình ưu đãi 100% phí trước bạ cho nhiều mẫu xe sang BMW. Những mẫu xe nằm trong chương trình ưu đãi bao gồm BMW 218i Gran Tourer, BMW 5 Series và BMW 7 Series, BMW X1, BMW X6 với tổng giá trị ưu đãi lên đến 375 triệu đồng.

Ngoài ra, gần đây Thaco còn gây sự chú ý khi đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên về nông nghiệp Thaco - Thái Bình quy mô hơn 194 ha, mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú

Trong 6 tỷ phú tờ bạc xanh hiện tại của Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang là 2 đại diện xuất hiện trở lại sau khi mất tên trong đợt thống kê hồi tháng 4/2020.

Sau cao điểm COVID-19, ông Trần Đình Long đã xuất hiện trở lại bảng xếp hạng của Forbes với tổng tài sản vào khoảng 1,5 tỷ USD. Trong thời gian gần đây, diễn biến tích cực của cổ phiếu HPG đã kéo tài sản của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long tăng 200 triệu USD chỉ trong 10 phiên giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 27/10, mã HPG đóng cửa ở mức giá 31.400 đồng/cổ phiếu, là vùng giá cao nhất của HPG kể từ khi niêm yết. Lũy kế từ phiên giao dịch 13/10, giá cổ phiếu HPG đã tăng hơn 10%.

Thị giá cổ phiếu là phản ánh tốt nhất cho báo cáo tài chính quý III/2020 vừa công bố. Trong quý, Hòa Phát đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 62,7% và 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Với mức lợi nhuận này, Hòa Phát đã lập kỷ lục về lợi nhuận sau thuế trong một quý.

Ở quý cuối năm, dư địa tăng trưởng của Thép Hòa Phát còn rất lớn. Các nhà phân tích Forbes ước tính rằng, khi dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất trị giá 2,6 tỷ USD ở trung tâm tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động vào đầu năm sau, sẽ làm tăng thị phần thép xây dựng của Hòa Phát Group từ 30% lên 35%.

Ông Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang vừa trở lại danh sách tỷ phú của Forbes.
Ông Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang vừa trở lại danh sách tỷ phú của Forbes.

Còn với ông Nguyễn Đăng Quang, tài sản được ghi nhận vào cuối tháng 10 vào khoảng 1,4 tỷ đồng. Sự trở lại của ông gắn liền với việc thị giá mã MSN của Masan Group tăng mạnh, từ đầu tháng 10 đến nay, đã tăng 62% từ 54.100 đồng/cổ phiếu lên 87.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của Masan lấy được đà tăng sau khi tập đoàn này liên tiếp có nhiều động thái mới như tung thêm dòng sản phẩm, khánh thành nhà máy chế biến thịt,… Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), sự bứt phá của các mảng kinh doanh cốt lõi là điểm nhấn của Masan trong giai đoạn cuối năm nay.

Đặc biệt, chỉ số tài chính của VinCommerce sau khi sáp nhập với Masan liên tục được cải thiện khi công ty thực hiện tối ưu hóa hệ thống điểm bán, thay đổi danh mục sản phẩm, hình thức bày trí cửa hàng,…